05/03/2013 22:20 GMT+7

Không chỉ cờ Trung Quốc, còn nhiều chuyện khác

TTO
TTO

TTO - Tiếp theo bài báo Sao cổng trường cắm cờ Trung Quốc? (Tuổi Trẻ ngày 4-3), bạn đọc đã chia sẻ thêm những tình huống mà mình gặp phải cũng với kiểu làm sách dễ dãi, cẩu thả tương tự.

Sao cổng trường cắm cờ Trung Quốc?Không thể chấp nhận "cổng trường cắm cờ Trung Quốc"

pLnKrUOH.jpgPhóng to
Tranh xe cứu hỏa dành cho bé tô màu với số cửu hỏa 119 của Trung Quốc - Ảnh: Thành Thơ

Nhiều trường hợp khác từ sách thiếu nhi được dịch từ sách Trung Quốc mà không kiểm soát kỹ nội dung cũng được nhiều bạn đọc - phụ huynh chia sẻ.

Tuổi Trẻ trích đăng:

* Đọc qua bàiSao cổng trường cắm cờ Trung Quốc?, tôi xin gửi tiếp cho Tuổi Trẻ một quyển sách khác của Nhà xuất bản Thời đại cũng có nội dung chủ yếu về Trung Quốc. Quyển sách này tôi mua vào năm 2012 ở một nhà sách tại Cần Thơ. Đó là quyển Bé tô màu nói về phương tiện giao thông. Quyển sách có 20 trang nội dung, trang 15 có hình xe cứu hỏa nhưng trên xe lại có số 119. 119 có phải là số điện thoại của lực lượng phòng cháy chữa cháy ở Việt Nam?

Ngoài ra, trang 18 có hình "Chiếc phà" nhưng lại giống chiếc du thuyền 5 sao. Tôi ở Cần Thơ, đã từng đi rất nhiều phà (phà Cần Thơ, phà Mỹ Thuận, phà Rạch Miễu, phà Vàm Cống, phà Cổ Chiên,...) nhưng chưa thấy có chiếc phà nào đẹp đến vậy. Bên cạnh đó, việc sử dụng dấu câu (dấu chấm, dấu phẩy, dấu hai chấm,...) rất tùy tiện, thể hiện sự yếu kém trong ngữ pháp và cẩu thả của tác giả trong việc sử dụng các dấu này.

Nguyễn Thành Thơ (Phong Điền, TP Cần Thơ)

* Đọc bài Sao cổng trường cắm cờ Trung Quốc, tôi chợt nhớ chuyện xảy ra cách đây ba năm, khi con tôi còn học lớp lá ở một trường mẫu giáo. Một hôm, lúc tôi đưa cháu tới trường, cô hiệu trưởng đến gặp tôi và giới thiệu có một bộ sách hay lắm gồm vẽ, luyện trí thông minh, giá 60.000đ.

Tôi đã mua bộ sách, một mặt sợ mất lòng cô, mặt khác nghĩ với giá đó mà có được bốn cuốn cho bé đọc thêm cũng không phải quá cao. (Trước đó, tất cả sách, truyện các con tôi đọc đều do tôi mua có chọn lọc, đọc qua để loại trừ nội dung không phù hợp với trẻ). Với bộ sách nhà trường kêu gọi mua ủng hộ này, tôi quên đọc trước cho đến khi trông thấy con xem một quyển sách vuông nhỏ khoảng 20x20 cm, màu sác sặc sỡ.

Càng đọc tôi càng tức giận. Trong sách hơn phân nửa nội dung là đề cập đến phong tục, tập quán của Trung Quốc, có các câu hỏi như "Sông nào dài nhất thế giới?", "Núi nào cao nhất thế giới?" và câu trả lời toàn là "...của/ ở Trung Quốc". Tôi phải giải thích cho bé, đây không phải là sách dành cho con, cho trẻ em Việt Nam. Dù con tôi còn bé không hẳn hiểu hết những gì tôi nói nhưng khi nghe giải thích, cháu rất sẵn sàng cho tôi xé và đốt bỏ.

Tôi giận nhà trường đã không xem kỹ nội dung sách, chỉ biết hưởng hoa hồng (?). Tôi giận những người làm sách. Phải chăng vì giá bản quyền quá rẻ mà ta cần phải dịch cho con cháu chúng ta những nội dung chủ ý đề cao (người, sự vật, hiện tượng...) của Trung Quốc đến vậy? Vai trò, trách nhiệm nhà quản lý, nhà xuất bản ở đâu để những sản phẩm như vậy lưu hành?

Ngô Thị Nhật Quỳ (nhatquy75@...)

TTO

------------------------------------

* Xem thêm:

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên