Công ty cổ phần dược phẩm và sinh học y tế Mebiphar (Q.Tân Phú, TP.HCM) tăng số ca và số công nhân lên gấp 3 để kịp cung ứng đủ khẩu trang ra thị trường - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
TS NGUYỄN VĂN THÂN - chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - nhìn nhận:
"Có lẽ chúng ta chưa lường định được kinh tế toàn cầu sẽ đi về đâu sau đại dịch này. Nhưng theo tôi, sự đồng lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp để chống dịch như chống giặc thời gian qua rất hiệu quả là do "sức khỏe" và niềm tin được đắp bồi từ những thành tựu kinh tế - xã hội trong 3 năm vừa qua".
TS Nguyễn Văn Thân
* Nhưng chúng ta đang đứng trước khó khăn rất lớn, ông đánh giá như thế nào về cơ hội làm ăn của doanh nghiệp vào thời điểm này?
- Tôi nhìn trước hết vào nền tảng ổn định xã hội rất tốt mà chúng ta đang có. Các gói an sinh xã hội đúng thời điểm và triển khai có hiệu quả, đồng thời với nhiều giải pháp phục hồi kinh tế đang bắt đầu phát huy tác dụng.
Với một nền kinh tế có độ mở hàng đầu thế giới, Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong thời điểm này do các bạn hàng chính của chúng ta vẫn đang tập trung chống dịch. Vì vậy chúng ta phải tập trung các giải pháp kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường trong nước.
Thời điểm này, việc áp dụng các giải pháp công nghệ, khoa học kỹ thuật với doanh nghiệp phải là "mệnh lệnh vàng", không thực hiện được là "chết".
Đây cũng là lúc Chính phủ cần đẩy mạnh triển khai, hiện thực hóa các ý tưởng mới, tôi lấy ví dụ như thúc đẩy kinh tế ban đêm nếu làm tốt sẽ kích cầu rất tốt, đừng quá lo ngại những hệ lụy và các vấn đề xã hội nảy sinh.
Với thị trường nước ngoài thì cũng có một số ngành hàng có thể đẩy mạnh sản xuất như khẩu trang, thiết bị y tế phục vụ chống dịch COVID-19, lúa gạo, thực phẩm... Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác.
Tôi cũng nhìn thấy xu hướng chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam, đây là cơ hội lớn của chúng ta, nhưng đừng ngồi chờ họ, hãy thăm dò, tiếp thị, mời họ sang Việt Nam đầu tư, bằng các chính sách hợp lý, vượt trội.
* Ông đề xuất những giải pháp nào để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa khôi phục sản xuất, đón bắt được các cơ hội mới?
- Thời gian qua, tôi đánh giá cao hệ thống ngân hàng đã hỗ trợ tích cực, nhưng việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không đơn giản, vì vậy cần thêm các giải pháp khác.
Hiện đang có 28 quỹ bảo lãnh tín dụng rải rác trên toàn quốc, tổng nguồn vốn 1.450 tỉ đồng - quá nhỏ so với nhu cầu. Đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ trên, đồng thời giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay.
Tiếp đến, Chính phủ cần có điều chỉnh chính sách để doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các dự án đầu tư công, bởi kế hoạch giải ngân số vốn đầu tư công 700.000 tỉ đồng trong năm nay là rất lớn.
Đề nghị Chính phủ giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án lớn để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia nhiều gói thầu; giảm yêu cầu về tỉ lệ vốn đối ứng từ 30-40% xuống còn 15-20% để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia.
Nguồn lực tài chính trong dân vẫn còn nhiều, cần có giải pháp để người dân đem tiền tiết kiệm ra đầu tư, khiến dòng tiền lưu thông tốt hơn và hiệu quả hơn.
Cuối cùng là áp dụng việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể là: giãn thuế VAT đến hết năm 2020; miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; và toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Tính lại bài toán tổng thể
PGS.TS Trần Hoàng Ngân
Một khi đã khẳng định không thể đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8%, Chính phủ nên đề nghị và Quốc hội cũng nên cho phép điều chỉnh chỉ tiêu này. Bởi nếu dự báo chính xác, đưa ra chỉ tiêu đúng thì Chính phủ mới tính lại được bài toán tổng thể, bởi đi kèm với mục tiêu đó là các nguồn lực tài chính, xã hội, các cân đối như bội chi ngân sách, nợ công, tổng thu ngân sách, đầu tư công...
Hơn nữa, còn phải xây dựng lộ trình cho các năm tiếp theo chứ không chỉ riêng năm 2020 quá đặc biệt này.
Quan điểm của tôi là không nên quá tập trung giải quyết bài toán ngắn hạn một năm nay mà nên nhìn dài hạn phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Năm nay chúng ta chấp nhận suy giảm, đừng sốt ruột quá vì cả thế giới cũng đang suy giảm.
Nếu bây giờ dùng liệu pháp sốc, không đúng liều thì có thể phá vỡ cân đối vĩ mô sau này giải quyết rất mệt. Ví dụ, bây giờ bơm nhiều tiền vào quá thì nền kinh tế có hấp thụ được không? Vì vậy, tôi đề nghị năm 2020 nên ưu tiên mục tiêu an sinh xã hội, chứ không nhấn mạnh kinh tế - xã hội.
Đây cũng là thời điểm Việt Nam có thể lựa chọn các doanh nghiệp FDI tốt đến với mình. Chúng ta quyết định đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông, năng lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vào thời điểm này là đúng hướng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận