Anh Lê Hoài Việt trong một buổi chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên - Ảnh: NVCC
Là người gắn bó với khởi nghiệp, giảng viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khoa quản trị kinh doanh (Trường ĐH Mở TP.HCM), thạc sĩ Lê Hoài Việt chia sẻ cùng diễn đàn góc nhìn về khởi nghiệp hiện nay. Anh nói:
- Đang có một làn sóng dịch chuyển, nhất là các bạn gen Z, từ làm thuê sang làm chủ. Các bạn cho rằng khi khởi nghiệp, họ có thể làm việc một cách độc lập và tự chủ. Dám nghĩ dám làm, đương đầu thách thức và dám chấp nhận thất bại là một phần tính cách chung của người trẻ. Kết hợp sự phát triển của khoa học và công nghệ, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước tạo nên sự cộng hưởng lớn, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Không có công thức chung nào về thành công, làm chủ hay làm thuê đều có cơ hội thành công. Trước khi nói chuyện thành công, tôi nghĩ hãy làm tử tế, làm hết mình và thực tâm đã.
LÊ HOÀI VIỆT
Chuẩn bị kỹ khi khởi nghiệp
* Vậy sẽ phải chuẩn bị gì khi muốn khởi nghiệp, theo anh?
- Theo tôi, bốn điều cần chuẩn bị. Trước hết, phải có mô hình, ý tưởng kinh doanh có gì khác biệt trong sản phẩm, dịch vụ bạn muốn làm là yếu tố mấu chốt để thành công. Tiếp đến là nguồn vốn, hiểu là tiền tự thân, tiền vay, nguồn nuôi dưỡng cho kế hoạch kinh doanh.
Kiến thức và kinh nghiệm là điều tiếp theo, nền tảng giúp bạn hạn chế sự thất bại ngoài ý muốn liên quan tới yếu tố chuyên môn, hoặc phải tìm cộng sự tốt trong lĩnh vực muốn làm. Và điều không thể thiếu khi khởi nghiệp chính là sự nỗ lực và kiên trì. Phần lớn các start-up đều thất bại sau hai năm đầu tiên, những start-up thành công thường cũng đã thất bại bầm giập. Quyết tâm, kiên trì góp phần không nhỏ làm nên sự thành công.
* Anh sẽ tư vấn gì khi một người trẻ mong muốn khởi nghiệp tìm đến anh?
- Cần kiểm tra xem bạn ấy thực sự phù hợp để khởi nghiệp và làm chủ hay chưa. Thực tế ai cũng có một vùng an toàn, nên nghĩ lớn, mơ lớn, làm chủ hay làm thuê phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.
Tôi sẽ nhờ các bạn trả lời các câu hỏi. Bạn tương tác thế nào với rủi ro? Bạn ưa mạo hiểm hay an toàn? Bạn đang ở giai đoạn nào trong tháp nhu cầu? Cuối cùng, bạn phải trả lời được câu hỏi liệu đây có là thời điểm vàng để nhảy khỏi vùng an toàn và thử nghiệm hay chưa?
Bởi nếu nhu cầu đủ cơm ăn áo mặc, một cuộc sống vừa đủ, tốt nhất bạn cứ làm thuê là lựa chọn an toàn. Chúng ta trẻ, dám nghĩ dám làm, dám thất bại nhưng phải đủ tỉnh táo để mạnh mẽ đúng thời điểm. Nếu trả lời được những câu hỏi ấy và sẵn sàng khởi nghiệp, chúng ta quay lại các yếu tố chuẩn bị ở trên.
Khởi nghiệp đừng theo trào lưu
* Mọi người cũng đang nói đến khởi nghiệp xanh, bỏ phố về rừng… Nên nhìn "hiện tượng" này ra sao?
- Hiểu một cách nôm na, đây là mô hình kinh doanh mang tính "chữa lành", có thể gắn với một khóa tu thiền, yoga, một điểm đến rời xa TP đi đến núi rừng, đồng ruộng. Cả người kinh doanh khởi nghiệp lẫn khách hàng tạm tách biệt sự ồn ào, cho bản thân một khoảng thời gian để tái tạo năng lượng.
Tôi thấy điển hình của xu hướng này là cuộc đua làm homestay nở rộ và dẫn đến mất cân bằng cung - cầu, khó ổn định về lâu dài, tương tự làn sóng kinh doanh trà chanh, sữa tươi trân châu đường đen như đã có. Khi tham gia cố vấn cho các dự án khởi nghiệp, tôi đặc biệt quan tâm dự án phát triển bền vững. Mà để nói điều này, dự án khởi nghiệp phải đảm bảo bộ tiêu chí ESG (quan tâm tới môi trường, xã hội và các vấn đề quản trị doanh nghiệp như đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp).
* Còn những người chưa thể làm chủ, họ cần định hướng công việc thế nào để thành công?
- Trước khi start-up, chúng ta nên đi làm thuê 5 - 10 năm, đúng như quy tắc 10.000 giờ, tức làm thường xuyên điều gì liên tục 10.000 giờ sẽ trở nên thành thạo công việc đó. Khi làm thuê, chúng ta hiểu được cách một cỗ máy kinh doanh vận hành, hiểu được khách hàng, đối tác và nhân viên cần gì.
Tôi cho rằng làm thuê chính là bài kiểm tra thực tế về sức mạnh và sự nhẫn nại của bản thân để biết rằng chúng ta đã đủ kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm trong công việc và quan trọng hơn, đủ bản lĩnh để đương đầu với sóng gió khi làm chủ hay chưa.
Các bạn đều nghe thương trường là chiến trường, đòi hỏi mỗi người phải bản lĩnh, sáng tạo và bền bỉ. Tất nhiên, giỏi không là điều kiện bảo chứng cho thành công nhưng chắc chắn một điều, hiếm có ai thành công mà không giỏi. Kiến thức, kinh nghiệm kèm theo nguồn lực tài chính và một trái tim đủ mạnh mẽ, dũng cảm là hành trang cần thiết để làm chủ.
Diễn đàn "Khởi nghiệp: chọn đường dài hay đi lối tắt?" đang chờ đón ý kiến, câu chuyện của các bạn cùng tham gia. Mọi chia sẻ xin vui lòng gửi về email: quoclinh@tuoitre.com.vn.
LƯU ĐÌNH LONG thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận