Nguyễn Kiều Bảo Hân cùng các cộng sự ở Hapinut - Ảnh: C.TRIỆU
Không ít sinh viên hay các bạn vừa tốt nghiệp đã luôn nung nấu giấc mơ khởi nghiệp, kinh doanh, khát khao gầy dựng doanh nghiệp của riêng mình.
Đã có những doanh nghiệp ra đời từ "chiếc nôi" trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm khởi nghiệp càng củng cố niềm tin rằng đây là nơi "hợp vía" để các bạn trẻ gửi gắm giấc mơ đời mình vào đó.
Rất tự hào vì chúng tôi đang cho ra thị trường những chiếc máy sấy công nghệ "made in Vietnam" do chính những kỹ sư người Việt sáng chế.
Anh NGUYỄN MẠNH TUÂN (Công ty cổ phần Công nghệ năng lượng bền vững Việt Nam)
Ngồi nhà đi chợ... đầu mối - nền tảng từ khởi nghiệp
Nền tảng Chợ Deli - dự án giành giải nhất cuộc thi "Khởi nghiệp cùng Kawai" - khiến ban giám khảo và nhiều người có mặt tại vòng chung kết ngạc nhiên, ấn tượng trước những thông tin và công năng của nền tảng này.
Chỉ cần điện thoại có kết nối Internet, khi truy cập vào chodeli.com, người dùng đã có thể dạo chơi, mua sắm như đang ở chợ đầu mối với trên 600 sản phẩm từ thịt, hải sản, rau củ quả, gia vị... mà thông tin giá cả, hạn sử dụng, chính sách ưu đãi, đổi trả, nguồn gốc đều hiện rõ mồn một.
Chủ nhân dự án nổi bật đang được ươm tạo tại Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (Khu Công nghệ cao TP.HCM) này là anh Nguyễn Cảnh Dương (32 tuổi), vốn là gương mặt quen thuộc trong giới khởi nghiệp trẻ tại TP.HCM.
Ý tưởng làm dự án này đến khá nhanh, khi Dương hiểu nỗi khổ của nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn mỗi khi lên thực đơn, kiểm soát giá cả, chất lượng.
Từng tốt nghiệp tài chính kế toán (ĐH Monash, Úc) và kinh qua vài vị trí ở một số công ty trong nước giúp anh hiểu câu chuyện logistics, công nghệ quản lý, bảo quản và vận hành.
Kết quả, chợ Deli đang cho quả ngọt khi mỗi ngày xuất kho khoảng 2 tấn hàng (thịt, hải sản, rau củ quả...), hỗ trợ hơn 100 nhà hàng, khách sạn, quán ăn ở TP Thủ Đức và vùng lân cận "nhẹ đầu" trong việc đi chợ, lên thực đơn, giá cả. Doanh thu luôn tăng sau mỗi tuần, Chợ Deli đang giải quyết công việc cho 20 lao động với mức lương trên dưới 10 triệu đồng/tháng/người.
Ngoài Chợ Deli, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao đã và đang hỗ trợ, ươm tạo nhiều dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khác. Đã có 135 sản phẩm, sáng kiến được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Tức là trung bình 1,5 tháng, vườn ươm cho ra thị trường một sáng chế, sản phẩm công nghệ cao bằng chính tài sản trí tuệ Việt.
Đặc biệt, đã có 24 doanh nghiệp khoa học, công nghệ phát triển thành công từ "chiếc nôi" này.
Nguồn: CÔNG TRIỆU - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Những "cỗ máy" made in Vietnam cho khởi nghiệp
Căn phòng họp của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TP.HCM (SIHUD) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chộn rộn tiếng nói cười của anh Nguyễn Mạnh Tuân (giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ năng lượng bền vững Việt Nam - SETECH) cùng đội ngũ của mình.
Tại đó, họ đang bàn thảo quanh kế hoạch sản xuất những chiếc máy sấy "made in Vietnam" cho một dự án ở Vũng Tàu.
Là đơn vị đầu tiên cung cấp máy sấy sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời tại Việt Nam, SETECH đang sở hữu các thương hiệu: máy sấy Vinasấy, máy lọc nước Vietaqua lọc nước mặn thành nước ngọt và hệ thống điện mặt trời SolarViet.
Từ vốn đầu tư gần 2 tỉ đồng, đến nay doanh thu mỗi năm của SETECH vào khoảng 4 - 6 tỉ đồng.
Khó khăn hậu COVID-19 khiến doanh thu năm 2022 khó đạt chỉ tiêu nhưng vẫn đảm bảo trả lương cho đội ngũ tám người, trung bình hơn 15 triệu đồng/tháng/người. Công ty cũng thường tuyển lao động công nhật, mức lương 700.000 đồng/ngày tùy dự án.
SIHUB là mô hình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được TP.HCM hỗ trợ các nguồn lực để giúp các hoạt động khởi nghiệp, hướng đến là TP khởi nghiệp của quốc gia. Nơi đây không ươm tạo start-up, chỉ giữ vai trò định hướng, điều phối, phân bổ các nguồn lực cho các đơn vị chuyên môn để hỗ trợ nâng cao năng lực cho các start-up.
6 năm thành lập, SIHUB đã hỗ trợ gần 3.000 lượt dự án khởi nghiệp, giúp nâng cao năng lực, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh, kết nối thị trường thông qua huấn luyện, ươm tạo, kết nối...
Ngoài ra, SIHUD đã tư vấn nâng cao, đào tạo công cụ quản trị, đổi mới công nghệ cũng như đào tạo phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu cho gần 900 doanh nghiệp.
Khởi nghiệp vốn không xa lạ, thành công cũng nhiều nhưng thất bại còn nhiều hơn. Hướng đến quốc gia khởi nghiệp, sẽ rất cần tinh thần "chiến binh khởi nghiệp" trong mỗi người, đặc biệt các bạn trẻ.
Làm sao để khởi nghiệp không chỉ là trào lưu hẳn càng cần có những người mở đường, đám đương đầu thử thách. Bạn chọn khởi nghiệp đường dài hay đi lối tắt? Mời bạn cùng chia sẻ suy nghĩ, câu chuyện của mình và vui lòng gửi về email: quoclinh@tuoitre.com.vn.
Đưa nông sản xứ Quảng đi xa
Tại không gian làm việc chung khá đắc địa tại quận 3 của Viện Đổi mới sáng tạo (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhóm bạn trẻ nhân viên Công ty TNHH Hapinut đang say sưa với kết quả khảo sát hiệu quả mẫu bao bì của dòng sản phẩm gói quà Tết 2023 mà công ty vừa tung ra trên máy tính.
Là doanh nghiệp tiên phong nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm từ nông sản thuần tự nhiên xứ Quảng do Nguyễn Kiều Bảo Hân (26 tuổi) sáng lập với một số dòng sản phẩm chính: mì Quảng khô, bún tươi, mì sợi, bún gạo lức, dầu đậu phộng xứ Quảng, bơ đậu phộng, kẹo đậu phộng, bánh tráng Đại Lộc...
Hồi đầu năm nay, Hapinut tập trung xây dựng hệ thống bán lẻ bằng mô hình cứ "2km có 1 ki ốt" tại tỉnh Quảng Nam. Khi đã tạm phủ sóng được tại quê nhà, cô chủ nhỏ muốn mang đặc sản xứ Quảng mà mình tâm huyết gầy dựng len lỏi vào các siêu thị, cửa hàng tại TP.HCM, các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam.
Hành trình khởi nghiệp mà Hân gọi là "giấc mơ" mỗi ngày cung cấp ra thị trường trên dưới 5 tấn sản phẩm (cả khô và tươi), góp phần giải quyết khá lớn nhu cầu đầu ra của nông sản cho nông dân Quảng Nam.
Từ đó, các bạn ấp ủ tham vọng đưa hàng đến thị trường khó tính tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Và một thông tin thật vui được Hân chia sẻ: "Mì khô xứ Quảng của Hapinut đang hoàn tất những khâu cuối trước khi lên máy bay sang Mỹ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận