26/03/2022 16:16 GMT+7

Khởi nghiệp biến vỏ dứa thành tiền

Bài: ĐOÀN NHẠN - Ảnh: NVCC
Bài: ĐOÀN NHẠN - Ảnh: NVCC

TTO - Một nhóm bạn trẻ ở đất dứa xứ Thanh đã ứng dụng công nghệ Eco Enzyme để biến nguồn vỏ dứa khổng lồ tưởng như bỏ đi thành các sản phẩm nước tẩy rửa an toàn với sức khỏe người dùng và bảo vệ môi trường.

Đỗ  Xuân  Tiến  nói  về hành trình khởi nghiệp với vỏ dứa  - Video: ĐOÀN NHẠN - MAI HUYỀN

Khởi nghiệp biến vỏ dứa thành tiền - Ảnh 2.

Những sản phẩm tẩy rửa của FUWA hướng đến an toàn cho sức khỏe người dùng và bảo vệ môi trường

Hành trình khởi nghiệp của họ bắt đầu bằng thử thách lớn, nhưng với niềm tin và quyết tâm, họ đã tạo dựng được thương hiệu riêng mang tên FUWA Biotech với niềm tự hào góp sức mình xây dựng quê hương.

Trăn trở từ những đồi dứa quê nhà

Sinh ra ở Thanh Hóa với nhiều vùng đất trồng dứa bạt ngàn, anh Đỗ Xuân Tiến (35 tuổi) luôn mong mỏi làm một điều gì đó cho quê hương. Năm 2016, anh và vài người bạn biết đến nghiên cứu ủ thủ công và lên men vỏ trái cây tạo ra chế phẩm sinh học của tiến sĩ Rosukon (Thái Lan). 

Cả nhóm nghĩ đến số lượng lớn vỏ dứa mà các nhà máy ở quê mình đang thải ra mỗi ngày. Ngay lập tức, anh Tiến và các bạn của mình cùng bắt tay thực nghiệm biến vỏ dứa vốn có tính axit cao thành các chế phẩm sinh học dùng để tẩy rửa.

Tiến không "giấu nghề", anh chia sẻ để tạo ra một sản phẩm tẩy rửa sinh học từ vỏ trái cây không quá khó, thậm chí ai cũng có thể làm được với nguồn nguyên liệu có sẵn trong sinh hoạt hằng ngày. Vỏ dứa và các loại vỏ trái cây khác khi thu gom về sẽ được làm sạch rồi đem ngâm ủ trong dung môi.

Sau thời gian từ 2-3 tháng khuấy, đảo và theo dõi sẽ thu được enzyme. Phần dung dịch sau khi ủ sẽ được lọc bã và trung hòa độ PH, trải qua các bước nhũ hóa và thêm tinh dầu tạo mùi sẽ cho ra thành phẩm.

Khởi nghiệp biến vỏ dứa thành tiền - Ảnh 3.

Vỏ dứa được sơ chế sạch trước khi đưa vào ngâm ủ

Thoạt nghe tưởng dễ dàng, nhưng sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, những chế phẩm nước rửa chén sinh học đầu tiên lại không được khách hàng đón nhận. Sản phẩm bị chê có mùi chua, thậm chí nhiều người bảo có mùi thối.

"Thực ra đấy chính là thách thức của chế phẩm sinh học, khi lên men vỏ trái cây thì sẽ không tránh khỏi mùi chua. Lúc đấy cả nhóm động viên nhau rằng người ta nói đâu có sai, vốn dĩ nó chua như vậy mà. Nhưng để bán được, để số đông người dùng tiếp nhận được thì mình phải cải tiến thôi. Và rồi kết quả mùi chua vẫn còn đấy nhưng chua dễ chịu, chua thơm rất tuyệt vời" - Tiến nhớ lại.

Cải tiến mùi chưa đủ, lúc bấy giờ khái niệm enzyme ở Việt Nam còn quá mới mẻ nên để thuyết phục khách hàng, các thành viên phải lặn lội đi tặng mẫu dùng thử cho từng người. Cứ thế, những khách hàng đầu tiên bị thuyết phục và cùng lan tỏa. Sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến hơn.

Khởi nghiệp biến vỏ dứa thành tiền - Ảnh 4.

Anh Tiến kiểm tra dung dịch enzyme trong quá trình ủ

Bình đẳng trong kinh doanh

Không ngừng nỗ lực, đến năm 2019, Công ty TNHH Công nghệ sinh học FUWA Biotech được thành lập và đưa ra thị trường những dòng sản phẩm tẩy rửa gia đình có nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên, an toàn với người sử dụng. Từ nước rửa chén, nay đã có thêm 8 sản phẩm tẩy rửa sinh học như nước rửa tay, nước lau sàn, nước giặt, vệ sinh bồn cầu, nước ngâm rửa rau củ quả…

Hiện xưởng sản xuất của FUWA được đặt tại Thanh Hóa, ngoài ra còn có một văn phòng tại TP Đà Nẵng và một văn phòng tại Đức để đưa sản phẩm vươn ra thế giới.

Ngoài tập trung vào kinh doanh online và tại các chuỗi cửa hàng hữu cơ, cửa hàng thực phẩm sạch…, FUWA có gần 500 nhà phân phối và đại lý trên toàn quốc. Không chỉ bán sản phẩm qua hệ thống bán hàng và các cửa hàng, FUWA có đến 30 điểm refill trên toàn quốc với mong muốn nâng cao nhận thức người dùng về việc giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.

Khởi nghiệp biến vỏ dứa thành tiền - Ảnh 5.

Ở FUWA, mỗi thành viên đều là một nhà đồng sáng lập

Điều đặc biệt, trong đóng gói sản phẩm, FUWA hạn chế tối đa nhựa và nilông bọc bên ngoài. Bã thải trong quá trình lên men cũng được sử dụng làm phân bón. Mục tiêu cao nhất mà doanh nghiệp này hướng đến là kinh doanh ít tác động đến môi trường nhất có thể.

Anh Tiến chia sẻ: "Triết lý quan trọng nhất để doanh nghiệp vận hành là sự bình đẳng. Bình đẳng giữa con người với con người bên trong tổ chức, bình đẳng giữa lợi ích của công ty với lợi ích khách hàng và quan trọng nhất là đối xử với môi trường một cách bình đẳng".

Tuổi Trẻ Golf Tournament For Start-Up

Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-Up 2022 là hoạt động thường niên do báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM tổ chức với mục đích gây quỹ start-up, hướng đến kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng. Ban tổ chức sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, FE Credit, Number 1, An Hòa, Tân Thuận CT&D, Esuhai...

MINH HUỲNH

Khởi nghiệp biến vỏ dứa thành tiền - Ảnh 7.

https://tuoitre.vn/tuoi-tre-golf-tournament-for-start-up-2022-e899.htm

CEO CEO 'gen Z' mê du lịch mạo hiểm

TTO - Khởi đầu từ đam mê rong ruổi, lang thang khám phá khắp vùng Tây Bắc xa xôi, chàng trai 'gen Z' quyết định biến đam mê thành sản phẩm dịch vụ du lịch, gầy dựng tên tuổi trong cộng đồng du lịch mạo hiểm.

Bài: ĐOÀN NHẠN - Ảnh: NVCC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên