Phóng to |
Nước chủ nhà đã tranh thủ giới thiệu rất nhiều sản phẩm thủ công truyền thống của nước mình, từ loại vải batik được làm bằng phương pháp thủ công độc đáo, tới những đồ vật mang những nét riêng của từng vùng miền khác nhau. Các mặt hàng ở hội chợ cho thấy những nét văn hóa rõ rệt của Indonesia, và chính đó là điều du khách nước ngoài vô cùng thích thú khi chiêm ngưỡng, tìm hiểu và đi đến cảm mến.
Tại một gian trưng bày trong hội chợ là những hình ảnh và thông tin giới thiệu sơ bộ về các quốc gia thành viên ASEAN. Trong khi hình ảnh của các nước như Lào, Thái Lan, Campuchia, Brunei hay Myanmar đầy rực rỡ và sống động, với những nụ cười tươi, địa điểm độc đáo hay các giá trị tinh thần luôn được nhắc tới, khiến người xem có cảm giác vô cùng háo hức muốn đến thăm ngay, thì hình ảnh VN, không hiểu vì sao, lại hầu như rất tĩnh, không cảm xúc, nếu không nói là buồn tẻ.
Hình ảnh quảng bá VN tại Hội chợ ASEAN là một cô gái cầm cây lúa, đầu cúi xuống, mặt hầu như không biểu lộ cảm xúc và một cái chợ bán hoa mùa đông lạnh lẽo, toàn người mặc áo mưa, không thấy mặt. Có thể thấy thông điệp truyền tải từ bức ảnh có lẽ không tích cực như người dân VN mong muốn. Đâu rồi một VN năng động với dân số trẻ, tươi vui, với những bãi biển trải dài bất tận tuyệt vời, một vịnh Hạ Long thần tiên? Sự cẩu thả trong việc lựa chọn những hình ảnh quảng bá đất nước tại một diễn đàn quan trọng của khu vực như vậy là do đâu?
Một trong những trụ cột kết nối khối ASEAN chính là văn hóa - xã hội, trong đó lĩnh vực du lịch được xem là một kênh quan trọng để “khoe” với người khác “ta có những gì”. VN không thiếu những tay máy chụp ảnh đẹp, những hình ảnh đẹp, những góc nhìn đẹp. Đâu cả rồi?
Năm qua chúng ta chỉ đón được 5,5 triệu lượt du khách quốc tế và khoảng 22 triệu lượt du khách nội địa (Indonesia là 8 triệu lượt du khách quốc tế và 140 triệu lượt khách nội địa). VN đang tăng cường các kế hoạch quảng bá du lịch, với các khoản chi phí cực lớn trên các phương tiện truyền thông thế giới. So với nhiều quốc gia trong khối, chúng ta chậm chân hơn nhiều nước, và chỉ nhỉnh hơn rất ít nước trong các kế hoạch này.
Quảng bá du lịch của một quốc gia có thể là các kế hoạch tổng thể, một tầm nhìn đòi hỏi sự chỉ đạo của Chính phủ, nhưng cũng có thể là công việc mà từng bộ phận, từng cá nhân phải thực hiện, từng chi tiết nhỏ như một bức ảnh phải được chăm chút. VN không nhất thiết chỉ tập trung làm thật tốt các kế hoạch quảng bá rầm rộ, như bầu chọn vịnh Hạ Long - vốn đòi hỏi sự hợp tác và triển khai của quá nhiều cơ quan hữu quan, mà những việc nhỏ như chọn hình ảnh để “khoe” với bạn bè thế giới cũng cần được làm một cách cẩn trọng và thấu đáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận