Những ngày tháng chạp ở Hàn Quốc, tôi thường thức sớm, chuẩn bị thức ăn mang đến công ty. Càng gần về cuối năm, tôi càng mỏi mệt với nhịp độ tất bật của công việc.
Một chiều tan ca, bản thân mỏi mệt đứng chờ ở bến xe buýt cạnh công ty thì bất chợt nhận được tin nhắn từ mẹ: "Tết này, con có xin phép công ty về quê được không?", khiến lòng rưng rưng bao nỗi niềm.
Đêm hôm ấy, chợt tỉnh giấc giữa lưng chừng giấc mơ, rùng mình vì thời tiết buốt lạnh và những đêm tuyết rơi trắng trời, bản thân biết mình cần phải quay về.
Khoảng độ 27 Tết, khi thời tiết ở xứ Hàn đang dần trở nên ấm áp hơn, tôi tranh thủ vào trung tâm thương mại gần nhà, mua một ít quà bánh mang về Việt Nam. Dẫu biết rằng, bố mẹ ở quê chỉ cần mình có mặt để cùng đón một mùa xuân sum vầy, nhưng bản thân vẫn mong muốn mang về cho gia đình một ít quà bánh được mua từ chính tiền dành dụm suốt năm. Đó là tấm lòng cũng là mong muốn được đền đáp công ơn sinh thành của bố mẹ dành cho bản thân.
Trên đường đi, ngang qua những góc phố ngập tràn sắc hoa tươi, thấy mọi người vui vẻ choàng khăn, dắt tay nhau đi thưởng ngoạn phong cảnh mùa xuân, lòng tôi lại tràn ngập biết bao nỗi nhung nhớ gia đình.
Chuyến bay từ Hàn Quốc đưa tôi về Hà Nội giữa những ngày giáp Tết. Bắt vội vã một chuyến taxi, tôi đến bến trung chuyển, chọn một ghế cuối xe, ngồi lặng lẽ thêm vài giờ đồng hồ mới về được quê hương.
Tôi về nhà nơi trập trùng mây mờ
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng Đông Bắc, nơi những dãy núi hình cánh cung chạy quanh ôm trọn vào lòng trái tim màu xanh thẳm của biển cả.
Ao ước ngày còn bé của tôi chỉ đơn thuần là được rời khỏi dãy núi xa, đặt chân lên những vùng đất mênh mông ngoài kia mà mình hằng ao ước. Nhưng khi giấc mơ thành sự thật, phải tất bật kiếm sống nơi xứ người, tôi lại chẳng cảm thấy hạnh phúc bằng những năm tháng được ở cạnh bố mẹ ở vùng cao nguyên gió lộng, bát ngát mây trời.
Đoạn đường quanh co trên đường về nhà đón chúng tôi bằng một cơn mưa xuân. Mưa ở miền núi quê tôi vốn dĩ vội vã, chỉ thoắt đến rồi thoắt đi.
Sau trận mưa, những con dốc dài được gột rửa sạch sẽ uốn lượn quanh trập trùng núi xanh thẫm. Một bên là vách núi lổ đổ những mảng đá trắng sáng, bên kia là khe sâu với dòng nước nhỏ vẫn đang chảy róc rách.
Xe chúng tôi dừng lại một lát trên đỉnh đèo. Gió thổi vù vù vòng qua chân ngọn núi đá trắng đứng sừng sững giữa đỉnh đèo.
Đứng từ trên đỉnh đèo nhìn xuống thung lũng, rải rác mấy quả đồi tròn trịa cây mọc xanh mướt đầy đặn sức sống nằm yên bình trên vồng ngực vạm vỡ của cánh đồng.
Con đường chạy tới nhà tôi trập trùng giữa mây mờ, hai bên đường bông lau bông le đứng xếp thành hàng, xòe tay vẫy rồi cứ lùi lại phía sau. Mãi cho đến khi nhìn thấy màu xanh non tơ của cánh đồng lúa đương thì con gái gối nhau trải dài, thấp thoáng thấy bóng dáng của bố mẹ từ phía xa, lòng tôi mới cảm thấy nhẹ nhõm.
Ngôi nhà nhỏ của bố mẹ tôi cũng chỉ vừa đủ để cả gia đình tụ họp, trải qua biết bao mưa nắng của thời gian, vách gỗ cũng đã phai màu, nhưng vẫn còn đó biết bao ký ức hồn nhiên của tuổi thơ chúng tôi giữa chốn sương rừng gió núi.
Bước chân về ngôi nhà gỗ thân quen dưới sườn đồi, tôi rưng rưng khi nhìn thấy chiếc giường gỗ nơi góc phòng có ô cửa nhìn ra chân núi đang bừng nở đầy sắc trắng của hoa đào, hoa mận.
Cạnh chiếc giường là kệ sách và cái bàn gỗ nhỏ còn lấm lem mấy vết mực tím thời tôi còn mộng mơ hay ngồi sáng tác thơ gởi cho mấy tờ báo của tuổi học trò. Đó là căn phòng thân quen suốt bao năm tháng tuổi thơ, chứng kiến sự lớn lên từng ngày của tôi.
Tôi đi lập nghiệp bao năm ở xứ người nhưng bố mẹ vẫn giữ nguyên các vật dụng trong phòng, cứ như thể đứa con gái chưa từng rời xa vòng tay thân yêu của họ. Lặng lẽ vùi mình vào chăn ấm, nghe tiếng thở nhè nhẹ của mẹ bên cạnh, thấy lòng mình ấm áp đến kỳ lạ. Đó là giấc ngủ mà tôi đã khắc khoải mong chờ suốt bao năm ở xứ người.
Đi chơi chợ phiên trong khoảnh khắc Tết của tôi
Tôi lại thong thả theo mẹ đi tản bộ chầm chậm xuống đến chợ phiên ngày Tết thì làn sương mỏng manh cũng vừa kịp tan, nắng kiêu kỳ trải một lớp voan mỏng như mật ong, nắng như tơ thả xuống vàng dịu. Muôn ngàn sắc xuân theo ánh nắng ấm áp ấy cũng bừng lên khắp khu chợ nghèo quê tôi.
Dù chỉ mới sáng tinh mơ nhưng từ khắp các ngả đường, những tốp người cùng nhấp nhô biết bao gùi hàng dập dìu xuống chợ. Mấy cô gái, các em nhỏ xúng xính váy áo sặc sỡ sắc màu, háo hức rảo bước. Người miền núi dẫu nghèo khó đến đâu nhưng khi xuống chợ vẫn để dành những bộ váy áo tươm tất để đi chơi chợ.
Tôi cùng mẹ đi len lỏi khắp nơi trong chợ, ngang qua chỗ bán dao, bán giấy dán cây nêu, len lỏi qua các sạp bán dép, dầu, muối, rượu ngô… Hàng thắng cố của cô Quảng bày bán ở giữa chợ đông đúc hơn tất thảy, với khói bốc nghi ngút từ cái chảo to và những tiếng xuýt xoa khe khẽ phảng phất khắp chợ.
Trong khoảnh khắc Tết của tôi, mùi thảo quả, mùi mắc khén và cả mùi rượu ngô quện vào nhau tạo thành mùi hăng hắc đến kỳ lạ. Tiếng cười, tiếng rít thuốc lào xen lẫn tiếng chào mời mua hàng ngọt ngào, ân cần tạo nên những âm thanh đặc trưng cho phố chợ.
Tha thẩn đi dạo giữa một dãy các loại cây cảnh, tôi dừng chân trước những chậu phong lan rừng, chọn mua một giò phong lan trắng muốt. Người bán xởi lởi chia sẻ rằng loại lan này lấy tận rừng sâu, trên cây cao cổ thụ.
Tôi hít hà chậu lan, cảm nhận được chút nắng gió cao nguyên, thấy lòng an lành trong thoáng chốc. Tiếp nối hàng cây cảnh là những sạp hàng bày bán các loại thảo dược quý hiếm.
Những cây thuốc được thu hoạch từ mùa xuân, khi thời tiết dần trở nên ấm áp này, từ biết bao đời nay đã giúp người dân miền núi vượt qua bệnh tật, duy trì cuộc sống qua thời gian và năm tháng. Đó là quà tặng quý giá của thiên nhiên dành tặng cho con người, được đồng bào miền núi rất đỗi quý trọng.
Một việc không thể thiếu trong Tết cổ truyền ở gia đình tôi là việc quây quần ngồi cùng nhau gói bánh. Lá dong được bố tôi hái trên rừng từ trước Tết. Sau khi mang về, mẹ tôi sẽ rửa sạch, phơi cho ráo nước và buộc lên cột nhà ngay, để có thời gian cho lá hơi héo lại, khi gói bánh dễ hơn vì lá không bị rách. Ống dang để chẻ làm lạt buộc cũng luôn được mua về kèm với lá dong.
Thích nhất vẫn là không khí cả gia đình cùng nhau quây quần nấu bánh chưng vào đêm ba mươi.
Cái không khí ấm áp của gia đình quây quần bên bếp lửa hồng giữa thời tiết se se lạnh của cao nguyên, cùng canh nồi bánh chưng và đợi đón thời khắc giao thừa, đã xoa dịu được biết bao nỗi niềm mong nhớ trong lòng kẻ xa xứ như tôi.
Chợt nghĩ cuộc đời này vốn là những lần ra đi và trở về. Dẫu thế, giữa muôn ngàn chuyến trở về, mong mỏi lớn nhất của mỗi người vẫn là được quay về quê hương, đoàn tụ với gia đình. Mùa xuân này, khi muôn hoa bừng nở, cầu chúc cho mọi người đều có thể quay về nhà, sum vầy cùng những người thân yêu.
Cuộc thi "Khoảnh khắc Tết của tôi"
Cuộc thi Khoảnh khắc Tết của tôi là dịp để bạn đọc giới thiệu những khoảnh khắc đẹp, những trải nghiệm khó quên nhất trong dịp Tết cùng người thân, bạn bè.
Mỗi bài viết tối đa 1.000 chữ bằng tiếng Việt, khuyến khích kèm theo ảnh, chùm ảnh hoặc video.
Bài dự thi chia sẻ lại những điểm dừng chân lý tưởng, vùng đất độc đáo. Qua câu chuyện bạn kể, bạn sẽ giúp nhiều người có cơ hội được biết đến những vùng đất mới, những địa điểm không nên bỏ lỡ khi du xuân.
Đó có thể là bài viết ghi lại những khoảnh khắc bạn bè, người thân sum họp, ăn Tết và vui chơi cùng nhau.
Đó là những ghi chép, kể lại về những trải nghiệm cá nhân từ chuyến đi, chuyến công tác xa nhà trong những ngày Tết mà bạn từng trải qua.
Bài thi ảnh làm nổi bật vẻ đẹp của danh thắng, địa điểm hay vùng đất mà bạn đã tới. Đây là dịp để kể lại những sắc màu rực rỡ và khung cảnh đẹp của Việt Nam hoặc các quốc gia mà bạn đến.
Từ 25-1 đến hết 24-2, bạn đọc có thể gửi bài dự thi về địa chỉ khoanhkhactet@tuoitre.com.vn.
Lễ trao giải và tổng kết dự kiến diễn ra vào tháng 3-2024. Cơ cấu giải thưởng bao gồm 1 giải nhất (15 triệu đồng tiền mặt và quà tặng), 2 giải nhì (7 triệu đồng và quà tặng), 3 giải ba (5 triệu đồng và quà tặng).
Chương trình có sự đồng hành của HDBank.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận