Một bản dự thảo hoàn chỉnh về quy chế tuyển sinh riêng sẽ được công bố chính thức tại hội nghị, chuẩn bị cho một giai đoạn quá độ “vừa ba chung, vừa thi riêng” trước khi chấm dứt hoàn toàn phương thức thi chung đợt, chung đề, chung kết quả.
Hẳn những người được mệnh danh là “cha đẻ” của “ba chung” cũng đã hài lòng khi đứa con tinh thần của mình có tuổi thọ gấp ba lần kế hoạch đặt ra ban đầu. Trong bức thư gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhằm đề nghị “chỉ đạo chấm dứt “ba chung” chậm nhất 2015” thay cho kế hoạch 2017 của Bộ GD-ĐT, nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định: “Từ năm 2008 Bộ GD-ĐT cũng từng có dự định bỏ thi “ba chung”, chỉ tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông nghiêm túc, đảm bảo đánh giá sát thực trình độ học sinh để làm cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng lấy đó làm cơ sở xây dựng phương án tự chủ tuyển sinh”.
15 năm tồn tại so với kế hoạch 5 năm ban đầu là một kết quả ấn tượng. Thực tế, “ba chung” có ưu điểm quá rõ về tính an toàn cho một kỳ thi tập trung khi bộ phận ra đề được tuyển lọc kỹ lưỡng, lại được tập trung, cách ly hoàn toàn với bên ngoài cả tháng trời. Không phải vô cớ mà chính các trường đại học trọng điểm dù đã được Bộ GD-ĐT mở cửa cho tuyển sinh riêng từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chần chừ, níu chiếc áo “ba chung”. Bộ đã làm thay cho các trường việc khó nhất, dễ xảy ra sai sót và tai tiếng nhất: ấy chính là đề thi.
Song, không khó để nhận ra kéo dài “ba chung” khiến Bộ GD-ĐT không đóng đúng vai một cơ quan quản lý tầm vĩ mô khi lấn quá sâu vào việc chuyên môn tỉ mỉ của từng trường. Tuyển ai, tuyển như thế nào phải phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường và tương thích với ngành nghề thí sinh chọn lựa. 10 năm trời, khối thi A, B, C, D thống lĩnh đầu vào tuyển sinh mặc cho thí sinh ngơ ngác: “Mình học công nghệ thông tin, cả khóa đại học 4-5 năm chẳng học tí ti gì về hóa học, nhưng vẫn phải thi môn này chỉ vì nó nằm trong khối A”. Những thế hệ sĩ tử sau này dần được cởi trói khi bộ thấy bất hợp lý, bổ sung khối A1, thay môn hóa bằng tiếng Anh. Nhưng những điều chỉnh nhỏ lẻ đó không tạo nên những thay đổi căn cơ cho tuyển sinh đại học.
Giai đoạn cuối của “ba chung” người ta đã thấy sự hụt hơi của Bộ GD-ĐT khi việc ra đề dễ dãi hơn, đáp án nhẹ nhàng hơn. Chỉ sau một năm, từ 2012 sang 2013 mà có thêm hơn 100.000 thí sinh đạt điểm trên sàn nhằm mục đích gì nếu không phải là tăng nguồn tuyển cho các trường đang kêu khó.
Cho dù có nhiều ý kiến chất vấn lãnh đạo bộ tại sao không buông ngay “ba chung” từ năm 2014, nhưng có thấy được sự hoảng hốt của thí sinh khi nghe phong thanh thông tin trường này trường kia “rất có thể” tổ chức thi riêng, mới thấy việc đặt lộ trình sau ba năm nữa mới chính thức chấm dứt “ba chung” toàn hệ thống của bộ mang nặng tinh thần trách nhiệm. “Ba chung không còn phù hợp cho công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Nhưng Việt Nam cũng không thể gây sốc, quyết định tuyển sinh riêng ngay, thí sinh và nhà trường sẽ không kịp chuẩn bị. Để đổi mới tuyển sinh, Nhật Bản cũng phải đặt lộ trình năm năm” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ.
”Ba chung” ngay từ khi ra đời đã được xác định chỉ là phương án “tình thế” với nhiều hạn chế và bất cập. Sự kết thúc “ba chung” là hợp lý dù có muộn màng. Thế nhưng khoảng trống hậu “ba chung” vẫn làm dậy lên nỗi lo về chất lượng tuyển sinh, về thương hiệu đại học, về sự nghiêm túc của thi cử. Không có một lộ trình chủ động, kín kẽ, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy các trường vào tình trạng tháo khoán, mạnh ai nấy chạy, làm xã hội bất an.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận