03/11/2018 11:27 GMT+7

Khóa đường hợp thức hóa sai phạm

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Không chỉ xây dựng, phát kiến cái mới mà sửa sang, đắp vá cái cũ cho vững chãi, khóa lại những nguy cơ gây nên tổn thất cũng là sự kiến tạo đáng chờ đợi.

Khóa đường hợp thức hóa sai phạm - Ảnh 1.

Một góc dự án tại Đà Nẵng

Cuối phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian nói về xử lý sai phạm đất đai tại Đà Nẵng. Giữa ngổn ngang sai phạm suốt thời gian dài của chính quyền Đà Nẵng, Thủ tướng thừa nhận để tháo gỡ là không dễ dàng.

Khó là vì nhiều lô đất đã được cấp sổ đỏ, nhiều khoản tiền đã được miễn giảm cho doanh nghiệp trái luật.

Do đó, phải rà từng trường hợp và chính quyền sẽ đương đầu với hàng loạt vấn đề pháp lý phát sinh. Nhưng đó là điều phải làm, bởi: "luật pháp không cho phép ai hợp thức hóa cái sai" - Thủ tướng khẳng định.

Trao đổi này của Thủ tướng trước Quốc hội có lẽ cũng là trả lời cho đại biểu Dương Trung Quốc - chất vấn Thủ tướng về quan điểm trước một loạt sự việc "phạt cho tồn tại" để hợp thức hóa cái sai xảy ra ở nhiều nơi. 

Điều này, theo ông Quốc, nghe thì rất đơn giản nhưng đó chính là "quá trình tích tụ sự hủy hoại luật pháp và phá hoại bộ máy công quyền".

Cũng trong ngày Thủ tướng trả lời chất vấn, tại TP.HCM, chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan đã khẳng định TP.HCM sẽ thu hồi khu đất "vàng" 5.000m2 tại số 8 - 12 Lê Duẩn. 

Đây là khu đất TP giao cho chủ đầu tư không qua đấu giá, Thanh tra Chính phủ kết luận việc làm này trái quy định, làm thất thoát tài sản nhà nước và phải thu hồi. 

Chánh văn phòng UBND TP thừa nhận TP có thể phải đối mặt với vụ kiện tụng từ chủ đầu tư nhưng sẽ kiên quyết thu hồi khu đất, bởi "TP làm sai thì phải sửa".

Khóa đường hợp thức hóa sai phạm - Ảnh 2.

Khu đất số 8-12 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Diễn tiến thông tin từ nghị trường hay tại cuộc họp báo ở UBND TP.HCM cho thấy một quyết tâm cao trong việc sửa sai, không chấp nhận xuê xoa, lấy cái sai này để sửa cái sai khác. 

Thực tế đã có nhiều sự việc vì ngại vướng vào kiện tụng, sợ ngân sách phải đền bù, sợ đụng chạm... chính quyền đã không dám mạnh dạn thực thi đầy đủ pháp luật trước những sai phạm. 

Chính cách hành xử này đã tạo nên những khu phố trên đất nông nghiệp, những biệt phủ nằm trong rừng phòng hộ, xe nhập lậu vẫn được gắn biển số... Tạo nên thói quen suy nghĩ rằng cứ làm chuyện đã rồi, sau đó chính quyền sẽ phải cân nhắc cho hợp thức hóa cái sai...

Hệ quả là mặc dù sự việc có thể được gói ghém theo kiểu êm thấm, nhưng gốc rễ vấn đề không được xử lý, pháp luật tiếp tục bị xâm phạm và không ngăn chặn được sai phạm tiếp theo xảy ra.

Câu chuyện xử lý sai phạm đất đai vừa nêu tại Đà Nẵng và TP.HCM sẽ còn rất phức tạp, dai dẳng. Nhưng ít nhất, đến lúc này đã thể hiện tư duy mạch lạc về pháp luật, hành xử sòng phẳng của cơ quan công quyền.

Và suy cho cùng, không chỉ xây dựng, phát kiến ra cái mới mà sửa sang, đắp vá cái cũ cho vững chãi, khóa lại những nguy cơ gây nên tổn thất cũng là sự kiến tạo đáng chờ đợi, như tinh thần mà Thủ tướng kêu gọi.

Đề nghị kiểm soát chặt đất đai, chống lợi ích nhóm Đề nghị kiểm soát chặt đất đai, chống lợi ích nhóm

TTO - Kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng, tránh lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm - Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên