Nệm và những vật dụng cồng kềnh bị người dân vứt bên lề đường tại Q.Bình Tân, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Cận tết, người người dọn nhà, bỏ cũ sắm mới, rác quá khổ càng nhiều. Phí thu gom các loại rác này tính cách nào và đường đi của những "cục nợ" này? Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến bạn đọc ở TP.HCM, người trong cuộc câu chuyện này.
Ông Nguyễn Quang Hải (người gom rác dân lập trên đường Lê Quang Định, Q.Bình Thạnh):
700.000 đồng một bộ sofa
Giáp tết, các loại tủ ghế cồng kềnh bỏ đi rất nhiều. Rác loại này, không phải món nào cũng có thể thu gom được. Chúng tôi phải xem kích thước món đồ coi xe mình có thể chở được không, xe chúng tôi rất nhỏ, chuyên thu gom rác sinh hoạt. Và phải tính chở vào lúc nào, công vận chuyển, đập bỏ rác đó...
Ví dụ như mới đây, tôi có thu gom một chiếc tủ gỗ lớn. Chúng tôi đã nhận 200.000 đồng. Số tiền đó chúng tôi phải chi tiền công tháo rời, công vận chuyển tới trạm trung chuyển. Hai người loay hoay tháo gỡ cả buổi, chia nhỏ thành từng phần mới bỏ lên xe được.
Tủ lên xe rồi thì không còn đủ chỗ chở hết rác thải sinh hoạt... Những trường hợp này có thể phải đi nhiều chuyến, nhiều khi xe bị trễ khi tới trạm.
Chúng tôi cũng phải hỏi ý kiến trạm trung chuyển và chia sẻ chi phí (thường 30-50% số tiền thỏa thuận với các hộ dân) cho họ. Nếu trạm không nhận, chúng tôi phải trả về cho "khổ chủ" hoặc từ chối ngay từ khi được yêu cầu.
Chúng tôi đã từ chối rất nhiều trường hợp. Nếu tính đầy đủ, tiền nhân công, công vận chuyển, thời gian..., khổ nhất là sofa, thu phí 700.000 đồng/bộ, đó là mức phí vừa đủ cho chúng tôi xử lý món này.
Ông Nguyễn Văn Sáng (giám đốc HTX vệ sinh môi trường Thống Nhất, Q.Bình Thạnh):
Nhiều điểm tập kết rác thải vô chủ
Thực tế nhiều nơi có những bãi rác thải vô chủ do các xe ba gác chở các loại tủ ghế từ nhà dân đến đổ ở đây. Họ nhận tiền rồi mang ra đổ ở các bãi đất trống, lâu ngày thành bãi rác lớn. Khi đồng ý thu gom các loại rác quá khổ này, anh em rác dân lập chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều anh em mất thời gian xử lý, không kịp giờ thu gom rác sinh hoạt. Vì vướng nhiều cái khó nên không phải cái gì chúng tôi cũng có thể thu gom. Việc thương lượng phí dọn các loại rác này chưa có mức đơn giá cụ thể. Nhiều người không hiểu, cho rằng chúng tôi thu tiền quá cao, không thương lượng được, đành phải từ chối thu gom.
Ông Nguyễn Văn Thụ (phó giám đốc Xí nghiệp vận chuyển số 1 TP.HCM):
Vất vả với rác cồng kềnh
Cứ vào dịp lễ tết, rác thải cồng kềnh đến trạm trung chuyển nhiều hơn. Các trạm trung chuyển không thu phí riêng loại rác này, coi đó là rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, nhiều thứ quá lớn, người thu gom không thể đập nhỏ được, chúng tôi phải cho công nhân, xe ép rác để xử lý chúng. Và đôi bên sẽ tự thỏa thuận chi phí hợp lý để cùng xử lý.
Xử lý rác "khổng lồ", quá khổ rất vất vả, tốn công sức, mất thời gian. Khi mang đi chôn lấp, trộn chung với rác sinh hoạt, chúng chiếm diện tích lớn, khó phân hủy.
Chúng tôi mong người dân chia sẻ trong việc xử lý loại rác này, đừng góp tay bỏ rác bừa bãi ra các bãi rác vô chủ gây ô nhiễm môi trường. Khi có rác thải cồng kềnh, người dân hãy liên hệ với các đơn vị có chức năng thu gom để xử lý chúng tốt hơn.
Chị Bạch Tuyết (ở đường Phùng Văn Cung, Q.Phú Nhuận):
Phí cao quá!
Tháng trước, tôi cần bỏ một chiếc nệm cũ. Tôi gọi một người thu gom rác thải và chúng tôi thỏa thuận mức phí dọn tấm nệm này là 250.000 đồng. Lần khác, nhà tôi bỏ đi một cái tủ cũ. Chúng tôi đã gỡ và bỏ vào hai bao nhưng vẫn phải trả 150.000 đồng.
Giá cả thỏa thuận thường dựa trên ước tính khối lượng, kích thước cụ thể chứ không có cân đo gì. Giá bao nhiêu cũng phải chấp nhận chứ biết bỏ đi đâu!
Sẽ có mức giá tham khảo
Theo đại diện Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, trước nay việc thu gom loại rác cồng kềnh như bàn, tủ, ghế, giường... cũng được coi như là rác thải sinh hoạt.
Tuy nhiên do rác cồng kềnh, phải tháo nhỏ ra để chuyên chở nên thường mất công, mất thời gian hơn, vì vậy giá cả thường cao - chủ yếu do sự thỏa thuận của người phát thải và người thu gom.
Hiện nay Sở Tài nguyên và môi trường đang lấy ý kiến các quận huyện để đưa ra mức giá tham khảo cho các đơn vị.
Mong hiểu cho người gom rác
Ai đó đã mang một chiếc nệm cũ ra vứt dọc đường ray xe lửa ở đường Chiến Thắng (P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Nệm không được gom đi, vài ngày sau, nhiều người mang đồ tới "góp" thêm.
Ở đây từng là nơi tập kết các loại bồn cầu, chậu rửa mặt, nệm salon... Một người dân ở đây đã không ít lần gửi ít tiền cho người thu gom rác để dọn sạch. Nhưng lần này người gom rác cũng chịu thua cho đến một thời gian rất lâu sau đó, tấm nệm... biến mất.
Tôi hỏi người gom rác và được biết có ai đó báo lên phường, phường cho xe đến để chở đi. Người gom rác nói: "Tôi chỉ có nhiệm vụ thu gom rác sinh hoạt và phân loại trước khi mang đến điểm tập kết.
Những món to lớn vậy xe rác của tôi không chở được. Tôi cũng không có tiền để chi cho anh em ở điểm tập kết xử lý (khoảng 50.000-200.000 đồng/món). Mong những ai vứt rác kiểu này cần hiểu và thông cảm cho chúng tôi".
Thành phố nên có quy định một số nơi chuyên tập kết rác cồng kềnh để khâu xử lý dễ dàng hơn, giảm thiểu tình trạng một số người lén lút mang rác nhà mình vứt ra ngoài đường.
Bạn đọc THIÊN ÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận