20/12/2015 09:04 GMT+7

Khó tuyển nhân sự biết tiếng Nhật

CÔNG NHẬT - QUANG PHƯƠNG
CÔNG NHẬT - QUANG PHƯƠNG

TT - Vướng rào cản tiếng Nhật là điều ghi nhận được từ doanh nghiệp và ứng viên tại ngày hội việc làm tiếng Nhật tổ chức ở TP.HCM ngày 19-12.

Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản (phải) phỏng vấn các bạn trẻ Việt Nam - Ảnh: Quang Phương
Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản (phải) phỏng vấn các bạn trẻ Việt Nam - Ảnh: Quang Phương

[AUDIO id= alt=]//static.tuoitre.vn/tto/r/2015/12/20/9-kho-tuyen-nhan-su-biet-tieng-nhat-1450603598.mp3[/AUDIO]

Ông Gaku Echizenya, giám đốc điều hành VietnamWorks, cho biết hiện nay các công ty Nhật đầu tư tại Việt Nam rất nhiều nhưng việc tuyển dụng nhân sự nói được tiếng Nhật rất khó.

Lao động người Nhật thường có khuynh hướng trung thành và tận tụy cống hiến với một nơi (họ tốt nghiệp và làm việc lâu dài hàng chục năm để sau đó được ngồi ghế quản lý, vì vậy kiến thức rất vững). Nếu lao động Việt kiên trì làm việc như người Nhật thì sự thăng tiến của người Việt ở các tập đoàn Nhật là hoàn toàn có thể

Bà NGUYỄN THỊ NGỌC HUỆ

Cầu nhiều, cung ít

Ứng viên Đỗ Bảo Khánh cho biết các công ty Nhật đưa ra yêu cầu tuyển dụng khá cao, bên cạnh giao tiếp được bằng tiếng Nhật, một số công ty còn đòi hỏi thêm tiếng Anh.

“Họ rất chu đáo, tuyển dụng ở vị trí nào họ đều ghi rõ những yêu cầu về bằng cấp, chuyên môn, các kỹ năng cần thiết. Phần lớn họ tuyển lao động có trình độ chuyên môn cao, tay nghề cao nên các yêu cầu tuyển dụng cũng khá cao, do đó các ứng viên Việt Nam ít đáp ứng được” - Khánh nói.

Ông Gaku Echizenya nói: “Nhu cầu tuyển dụng trong thị trường nhân lực biết tiếng Nhật đã tăng trưởng ổn định trong vài năm trở lại đây. Theo dữ liệu của chúng tôi, số lượng công việc yêu cầu kỹ năng tiếng Nhật như điều kiện bắt buộc trong năm nay tăng khoảng 40% so với năm ngoái. Đồng thời, có khoảng 50.000 nhân sự tiếng Nhật đăng ký trên website Japanworks với mong muốn làm việc tại các công ty Nhật”.

Ông Isao Obayashi, tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM, nhận định Nhật Bản là nước có công nghệ kỹ thuật cao nhưng lại có ít người trẻ tuổi, Việt Nam là nước có nguồn nhân lực trẻ dồi dào, vì vậy nếu có thể gắn kết lại sẽ tạo ra một mối quan hệ “thắng lợi - thắng lợi” dựa trên những lợi ích mang lại cho hai bên.

Theo ông Obayashi, điểm mạnh của các doanh nghiệp Nhật là có hệ thống đào tạo trực tiếp thông qua công việc tại công ty. Hơn nữa, cũng có nhiều doanh nghiệp tổ chức đào tạo tại cơ sở chính và tại Nhật.

“Vì là môi trường có thể học hỏi nên các bạn tích lũy kinh nghiệm tại các doanh nghiệp Nhật khi còn trẻ, về sau sẽ có điểm khác biệt lớn so với các bạn không có kinh nghiệm này” - ông Obayashi nói.

Nỗ lực để không thua trên sân nhà

Ông Shogo Takeda - quản lý bộ phận PMP, Công ty NTT Data - cho rằng lao động Việt đã được đào tạo kỹ thì khả năng hòa nhập với công việc rất nhanh. Tuy nhiên, theo ông, “điểm trừ” đáng lưu ý của người Việt là thiếu tính sáng tạo.

Nói về thử thách của lao động Việt trước những sự hội nhập sắp tới, ông cho rằng sự cạnh tranh với lao động Philippines là có cơ sở bởi giữa hai lao động có kỹ năng, mức thu nhập đề nghị như nhau thì lao động nào giỏi ngoại ngữ hơn, làm việc hiệu quả tốt hơn thì dĩ nhiên công ty sẽ chọn người đó.

Ông Norimitsu Kikuchi - trưởng bộ phận hành chính cấp cao Công ty Takashimaya - làm ở Việt Nam được hai năm, thừa nhận các công ty Nhật trước đây khá “bảo thủ”, thường chỉ sử dụng người Nhật cho những vị trí cấp cao trong công ty. Tuy nhiên, hiện nay đã có sự thay đổi nhất định. Ông cho rằng các công ty Mỹ đã tin tưởng, trao quyền quản lý cho nhiều lao động Việt và Nhật Bản cũng sẽ như vậy.

Ông Yusuke Endo, quản lý Công ty Lampart, với chín năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam, cho rằng hình ảnh lao động Việt trong mắt người Nhật rất tốt và ông mong mọi thứ sẽ không thay đổi trong tương lai. Tuy nhiên, theo ông, lao động Việt cần phải cố gắng tích lũy càng nhiều trải nghiệm càng tốt để không bị lúng túng trong công việc.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - trưởng phòng nhân sự Tập đoàn Aeon Việt Nam, người có thâm niên làm trong lĩnh vực nhân sự ở nhiều công ty Nhật hơn 10 năm qua - cho biết các công ty Nhật chia sẻ rằng so với các quốc gia châu Á khác thì lao động người Việt có khuynh hướng gần gũi, dễ thích nghi và nhiều điểm tương đồng với người Nhật nhất (chẳng hạn ham học hỏi, cầu tiến, tôn trọng người lớn tuổi…). Nhiều người Nhật rất bất ngờ khi thấy người Việt đi học sau giờ làm.

Bà Huệ cho hay điểm yếu của lao động Việt là thiên về vật chất trong khi lao động Nhật thiên về lý tưởng làm việc của bản thân họ.

Bà Huệ cho biết các công ty Nhật đều muốn tạo điều kiện cất nhắc lao động Việt lên vị trí quản lý. Tuy nhiên, lao động Việt thường “nhảy việc” nên chưa đủ sức ngồi ở vị trí lãnh đạo.

Doanh nghiệp Nhật Bản cần người như thế nào?

Ông Obayashi cho biết doanh nghiệp Nhật Bản cần tuyển dụng những người có lập trường riêng của mình, người có khả năng nắm bắt tình huống một cách khách quan, người có thể suy nghĩ cho công ty và tập thể, người có khát vọng và có thể rèn luyện tính cách, người có thể lắng nghe người khác một cách chân thành, người có tinh thần trách nhiệm, người có thể tự đánh giá bản thân một cách khách quan, người luôn không hài lòng với hiện tại và luôn cải thiện bản thân.

Tại ngày hội, Công ty TNHH Evolable Châu Á tuyển các vị trí kỹ sư cầu nối, thông dịch viên, nhân viên xử lý dữ liệu tiếng Nhật; Công ty Olympus Việt Nam tuyển thông dịch viên, kỹ thuật sản xuất, quản lý chất lượng; Công ty R Techno Việt Nam tuyển kỹ sư thiết kế, kỹ sư thiết kế máy, kỹ sư thiết kế bản vẽ cơ khí; Công ty TNHH Servo Việt Nam tuyển trưởng phòng IT, trưởng phòng đúc nhôm, kỹ sư thiết kế…

Một số doanh nghiệp khác cần tuyển số lượng lớn nhân sự với yêu cầu “thoáng” hơn, đó là biết nói tiếng Anh như: Công ty TNHH Takashimaya Việt Nam tuyển quản lý bán lẻ (14 người), nhân viên bán lẻ (40 người), thu ngân (60 người)…

CÔNG NHẬT - QUANG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên