17/11/2023 21:48 GMT+7

Khó hạ thêm lãi suất điều hành trong những tháng cuối năm

Thời điểm hiện tại đến đầu năm 2024, việc hạ lãi suất điều hành sẽ khó khăn. Nguyên nhân không nằm ở lạm phát, mà vấn đề cơ bản là áp lực tỉ giá.

TS Võ Trí Thành - Ảnh: A.H

TS Võ Trí Thành - Ảnh: A.H

Nếu Fed hạ lãi suất, sẽ có dư địa hạ lãi suất điều hành

Nhận định này được TS Võ Trí Thành nêu ra tại hội thảo "Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng" do báo điện tử Dân Trí tổ chức hôm nay, 17-11.

"Chúng ta không thể để VND mất giá, bởi nếu tình trạng này xảy ra, bản thân doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Chúng ta sẽ phải chấp nhận VND mất giá song chỉ ở mức độ nhất định, không thể để mất giá quá lớn", TS Võ Trí Thành nhận định.

Ông cũng cho biết dù các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay khoảng 2 - 2,5%/năm so với đầu năm nhưng mức giảm này chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Lý do là các ngân hàng huy động lãi suất cuối năm 2022 và đầu năm 2023 rất cao nên nếu hạ nhanh lãi suất cho vay sẽ lỗ nặng.

"Tôi hy vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất từ giữa năm sau, khi đó có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ lãi suất điều hành thêm chút nữa. Hiện tại chúng ta cố gắng giữ lãi suất hiện nay bởi áp lực tỉ giá vẫn còn", ông Thành nói.

Về tăng trưởng tín dụng, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, 10 tháng đầu năm tín dụng toàn hệ thống mới tăng 7,49%, tức chỉ hơn một nửa so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm.

Một số ý kiến cho rằng mức tăng này là quá chậm. Tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Đức Trung - hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.HCM - tỏ ra không tán thành.

Theo ông, nếu GDP chỉ tăng 4,7 - 5% thì phải tính lại tăng trưởng tín dụng và mức "tính lại" này khoảng 11 - 12% là hợp lý. Hai tháng cuối năm, tín dụng có thể tăng 2%/tháng do yếu tố mùa vụ.

"Tín dụng trên GDP là 130% là quá cao. Trong tương lai, thị trường vốn phát triển thì tín dụng Việt Nam sẽ ở mức 10%, không còn là 13 - 15% như hiện nay. 

Về hạn mức tăng trưởng tín dụng (room), ít nhất hai năm tới, trừ khi hệ thống tài chính lành mạnh thì chưa thể bỏ cơ chế cấp room tín dụng được", TS Võ Trí Thành nói thêm.

Doanh nghiệp vẫn than khó tiếp cận vốn

Ông Nguyễn Đức Lệnh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cho biết tính đến cuối tháng 10 tín dụng tại TP.HCM tăng 4,67% so với cuối năm 2022, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của cả nước.

Có một thực tế là hiện nay thanh khoản của một số ngân hàng thương mại rất dồi dào, lãi suất cho vay đã giảm khá nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn than khó tiếp cận vốn.

Trả lời vấn đề này, ông Trần Hoài Phương - giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp HDBank - cho rằng để không rơi vào khó khăn, doanh nghiệp nên tránh ba điều để tạo niềm tin cho ngân hàng.

Đầu tiên là không để mất cân đối tài chính, vốn ròng phải lớn hơn 0, không lấy vốn ngắn hạn để sống trong dài hạn. Tiếp đó là không nên để nợ quá hạn. Thứ ba là vòng quay vốn không dài.

"Các ngân hàng phải bỏ công sức nhiều hơn để tìm doanh nghiệp tốt trong giai đoạn hiện tại. Do vậy những doanh nghiệp có sức khỏe tốt sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi", ông Phương nhấn mạnh.

Ngân hàng nói lãi suất thấp, doanh nghiệp nói chưa thấyNgân hàng nói lãi suất thấp, doanh nghiệp nói chưa thấy

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết hiện lãi suất cho vay khá thấp, chỉ từ 5-8%/năm. Nhưng doanh nghiệp nói chưa thấy, chưa tiếp cận được.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên