08/09/2019 09:40 GMT+7

'Khô đét thiền sư' đi nhắc chuyện thể dục

ĐÀO ĐỨC TUẤN
ĐÀO ĐỨC TUẤN

TTO - Mấy năm nay, cư dân phường 9, TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã quen với hình ảnh ông Bình SVC "xương xương, gân gân" túc tắc chạy bộ rồi về nhà tập tạ, kéo xà đơn, hít đất...

Khô đét thiền sư đi nhắc chuyện thể dục - Ảnh 1.

Ông Bình SVC tập tạ tại nhà - Ảnh: ĐỨC TUẤN

Ông tên là Phạm Hồng Bình, 72 tuổi. Biệt hiệu Bình SVC bởi ông có "ngón" cây kiểng, là chủ nhiệm đầu tiên của CLB Cây cảnh Phú Yên. 

Còn biệt hiệu "Khô đét thiền sư" là do bạn bè ông đặt, dựa vào hình dong "ốm o" chỉ 37,5kg một thời của ông Bình. Hiện nhà tôi ở cùng phường với ông.

Hôm rồi, tôi ghé nhà khi ông vừa xong buổi tập sáng. Nhắc đến "cơ bắp", ông Bình hồ hởi: "Tôi chính thức tập đều đặn chỉ 6 năm nay ở cái tuổi 65. Từ cân nặng 37,5kg, hiện tôi giữ ổn ở mức 52kg". 

Ông Bình tâm sự thời trẻ hễ xong việc là ông ăn chơi bạt mạng. Qua tuổi 50, ông trải nhiều đận phải vào bệnh viện mổ gan, cắt mật, dạ dày… 

Tiếp đến là bệnh viêm xương khớp, thoái hóa cột sống. Chạy chữa khắp nơi nhưng thuyên giảm chẳng bao nhiêu. Dù vậy, đỡ đỡ bệnh là ông lại lao vào công việc rồi nhậu nhẹt…

"Năm hơn 60 tuổi, cái cột sống thoái hóa của tôi dở chứng đau nhức điên cuồng, bò lê bò càng. Chữa hết đông y sang tây y, tôi vẫn phải triền miên "trụ giường", mọi sinh hoạt đều có người hỗ trợ. 

Sợ chết, tôi gượng mò trên mạng để tìm hiểu về bệnh của mình, rồi hỏi thăm anh em nghề y quen biết. Tất cả đều có chung… mẫu số luyện tập. Sau khi đỡ bệnh, tôi ra "tối hậu thư" về việc thể dục thể thao" - ông Bình nói.

Thế nhưng "từ ý đồ đến thành quả" là không hề gần. Ông Bình kể: "Những ngày đầu, chẳng dễ dàng để thắng cơn buồn ngủ. Lăn ra được khỏi giường cứ ngáp ngắn ngáp dài, đi bộ một đoạn đã thở dốc, phải ngồi nghỉ. 

Do không còn đường lùi, tôi cứ bữa nay đi thêm vài chục bước, bữa tiếp đi thêm vài chục thước, từ chậm đến nhanh dần. 

Hiện giờ tôi đã vào quy trình: 4h45 thức dậy, ra đường vừa đi vừa chạy bộ 7 cây số, quay về nhà kéo xà đơn, hít đất, tập tạ… Thư giãn cơ bắp, tắm táp xong rồi mới làm việc khác trong ngày.

Thiệt lòng, tui tập để mong muốn tránh cảnh bệnh tật lề mề, ăn nằm một chỗ, "báo con khổ cháu". Chế độ luyện tập đều đặn cũng tự nhiên tạo cho mình ý thức ăn uống điều độ, tinh thần sảng khoái. Khác với trước, 6 năm qua tôi chưa hề nhức đầu, sổ mũi".

Hàng xóm ông Bình, ông Phan Văn Tại, 63 tuổi, cho hay: "Hồi mới chuyển ra đây, ông Bình ốm nhách, mặt nhăn nheo.... Tui thì về hưu, buổi sáng chỉ đi bộ tà tà 2-3 cây số rồi về. 

Thế nhưng thấy lão Bình đã hơn 70 rồi mà còn chạy bộ tới 6-7 cây số, nhét theo cái khăn lau mồ hôi. Tui thấy cũng nể nhưng nhắc "coi chừng già, tập quá sức". 

Ổng nói là đã nghiên cứu tham vấn kỹ rồi, khối lượng tập nâng dần từng bước bài bản. Ui, mà lão kiên trì thiệt, bất kể nắng mưa gì cũng chạy bộ, tập tạ, kéo xà đơn, hít đất… Sáng nào lão cũng tập hơn cả tiếng rồi mới đi ăn, uống cà phê".

Cũng theo ông Tại, bởi trải bài học "xương máu" nên đi đâu ông Bình cũng hay nhắc chuyện thể dục. Ông nhắc riết, những người "chẳng coi thể dục ra gì" cũng bắt đầu vào cuộc lắp xà đơn, đúc tạ tập luyện hoặc sắm giày để sáng sáng chạy bộ. 

"Ban đầu, người trong xóm rất lạ khi thấy ông già ốm nhom mà còn tập tạ. Thế nhưng thấy sức khỏe lão tiến triển phăm phăm ở tuổi 70, giờ ai cũng "ngán" kỳ công của lão… thiền sư thích tập tạ" - ông Tại hóm hỉnh nhận xét.

Võ sư Huỳnh Long (69 tuổi, ở Phú Yên) kể: "Mấy ông bạn nhà võ "về vườn" của tôi đã từng thua độ ông Bình SVC. 

Đó là mấy cao thủ võ thuật một thời; có người trạc tuổi, có người nhỏ tuổi hơn ông Bình. Trà dư tửu hậu, mấy ổng thách nhau hít đất. 

Hai võ sư già ra tay trước, một ông hít được 8 cái, một ông được 11 cái. Đến lượt ông Bình chống đẩy gọn hơ… 20 cái, lại còn "khuyến mãi" 3 cái. Mấy lão võ sư thua tâm phục khẩu phục".

Võ sư Huỳnh Long cười kết luận: "Mấy ông võ sư lớn tuổi này đã "gác kiếm", chẳng còn tập luyện hằng ngày, có ông lại rượu chè liên miên thế nên cơ bắp đã nhão, sức khỏe đâu còn mấy năm hơi. 

Ông Bình dù mới tập luyện mấy năm nhưng nhờ kiên trì nên có cơ bắp, sức bền. Mỗi sáng gần đây ổng đều đẩy tạ, kéo xà đơn, hít đất 30 cái. Dòm cái tướng ốm ốm của ông Bình, mấy lão võ sư bị "mắc lừa" là phải".

Mời bạn đọc "gấp rút" gửi bài dự thi

Bài viết bằng chữ tiếng Việt, độ dài tối đa: 1.000 chữ kể lại những câu chuyện có thật, những trải nghiệm cùng thể thao của bản thân hoặc người xung quanh, có tính lan tỏa tích cực đến cộng đồng. Cuối mỗi bài viết xin ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Hạn chót nhận bài tham dự cuộc thi là hết ngày 15-9-2019. Các giải thưởng bao gồm giải nhất 20 triệu đồng, giải nhì 10 triệu đồng, 2 giải ba mỗi giải 5 triệu đồng và 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng.

Bài thi gửi về: báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: khoechominh@tuoitre.com.vn. Bài dự thi (cùng ảnh hoặc clip) gửi qua email, xin ghi: Bài dự thi "Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình".

logo herbalife

Sống vui, sống khỏe với đạp xe, đi bộ và bơi lội... Sống vui, sống khỏe với đạp xe, đi bộ và bơi lội...

TTO - Với sở thích yêu thiên nhiên, thích vận động, thích khám phá nên tôi đã chọn đạp xe và đi bộ để tập luyện tăng cường sức khỏe, giải trí giúp cân bằng cuộc sống và thực hiện mong ước truyền thông đến cộng đồng lối sống xanh.

ĐÀO ĐỨC TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên