Cơ quan quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang lấy mẫu sữa kiểm nghiệm - Ảnh: V.TR. |
Thông tin “Hơn 50% mẫu sữa kém chất lượng” trên Tuổi Trẻ ngày 12-9 khiến nhiều bạn đọc bức xúc đặt câu hỏi vì sao không nêu đích danh các loại sữa kém chất lượng đó mà chỉ nói chung chung khiến người tiêu dùng hoang mang?
Phóng viên Tuổi Trẻ cũng đề nghị Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang cung cấp thông tin đầy đủ tên sữa kém chất lượng, doanh nghiệp sản xuất, hàm lượng các chất thấp hơn công bố trên bao bì... nhưng cơ quan này trả lời là không thể đáp ứng vì trái Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20-6-2012 và nghị định số 81 ngày 19-7-2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật này.
Ông Đỗ Văn Phước - chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Tiền Giang - cho biết khoản 1 và 2 điều 8, nghị định 81 quy định: “Đối với các trường hợp vi phạm phải được công bố công khai theo quy định tại khoản 1 điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính, thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người đã ra quyết định xử phạt gửi văn bản về việc công bố công khai và bản sao quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến người phụ trách báo hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt...”.
Còn điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về việc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính.
Theo đó, khoản 1 điều này nêu rõ: “Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa... gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt”.
Mặc dù không có quy định nào cấm việc công bố danh tính các loại sữa kém chất lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thế nhưng rắc rối ở chỗ chỉ được công bố khi sản phẩm hàng hóa đó “gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội” (điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính).
“Chúng tôi không biết dựa vào đâu, dựa vào tiêu chí nào để xác định sản phẩm gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội cả. Trong các cuộc họp với Cục QLTT và các cơ quan trung ương, tôi nhiều lần đề nghị giải thích rõ quy định này để địa phương thực hiện nhưng vẫn chưa có ai giải thích được. Chúng tôi rất bức xúc tình trạng sữa kém chất lượng trên thị trường, cũng muốn công khai cho người dân biết nhưng không thể làm trái luật” - ông Phước nói.
Chính vì thế, thời gian qua cơ quan này chỉ phạt tiền các doanh nghiệp sản xuất sữa kém chất lượng, nhưng mức phạt nhẹ như “phủi bụi” (do chỉ phạt trên tổng giá trị lô hàng hóa vi phạm bị phát hiện ở cửa hàng, đại lý).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận