06/02/2012 07:57 GMT+7

Khi thơ giao lưu quốc tế

TTXVN
TTXVN

TT - "Thơ với thẩn!", không ít người buông câu nói ấy trước khi nhận ra bầu không khí hưởng thụ văn hóa, tìm về bình yên mà một khuôn viên thơ ca như Ngày thơ VN hằng năm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội có thể làm được.

Lục bát Sài Gòn vào hội thơBa miền vào hội thơ

GLxqLVC5.jpgPhóng to

Nhà thơ - dịch giả Thái Lan Pornpen Hantrakool (giữa) đọc thơ Hữu Thỉnh bằng tiếng Thái trên sân khấu thơ quốc tế tại Ngày thơ VN ở Hà Nội - Ảnh: Hoàng Điệp

Năm nay, Ngày thơ VN lần 10 mở màn vào ngày 5-2 (14 âm lịch). Tiết trời lạnh, mưa phùn nhẹ khiến khách thơ không chen, đông như mọi năm, ít nhiều có chỗ để... thở và học cách hưởng thụ văn hóa nước nhà.

Trăm miền thơ

Trăm miền, chứ không chỉ một miền, bởi năm 2012 là chẵn 10 năm Ngày thơ VN được tổ chức nên có đến "quán thơ" của 10 tỉnh thành tham gia: Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Hà Nam, Phú Thọ, Hải Phòng và Thái Nguyên.

Ðồng thời, đây là lần đầu tiên Ngày thơ có sự góp mặt của 81 nhà thơ đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia biểu diễn thơ trên sân khấu.

Không còn sân thơ trẻ để các nhà thơ tung hoành trình diễn, bởi sự giao lưu về thơ dành thời gian cho khách quốc tế. Cũng không có những "gian" thơ để các nhà thơ quảng bá tác phẩm của mình, nhưng bù lại có 10 gian "vùng miền" dành cho 10 tỉnh thành được giới thiệu về thơ, ấn phẩm văn hóa dân gian đặc sắc: cồng chiêng (Hòa Bình), ca trù (Hải Phòng), lên đồng (Ninh Bình), trống quân (Phú Thọ)...

23 tác phẩm thơ của các tác giả trong và ngoài nước được biểu diễn trong sân thơ Trăm miền, trong đó có chín tác giả trẻ của VN: Thụy Anh, Ðỗ Doãn Phương, Vi Thùy Linh, Trần Tuấn, Vũ Tú Anh... Không nhiều sự chuẩn bị và chất ngẫu hứng đã được sử dụng ngay trong sân thơ. Ðó là Cyrin Wong đến từ Singapore với một khổ thơ trích trong bài thơ dài Nỗi buồn Satori. Từng đoạt rất nhiều giải thưởng về thơ ca ở đất nước Singapore và còn là một ca sĩ, Cyrin Wong không chỉ giới thiệu thơ của mình mà còn thể hiện khả năng trình diễn âm nhạc bằng ca khúc Mùa hạ(Summertime) khiến khán giả nhiệt liệt vỗ tay.

Màu sắc thi ca quốc tế

Tại sân thơ quốc tế, các thi hữu cũng đặc biệt thích thú khi thi sĩ Ahn Kyung Hwan (Hàn Quốc) đọc thơ Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt, hay Soukhee Norasilp (Lào) dịch lại bài thơ của bà sang tiếng Việt. Ðặc biệt, bài thơ Quê hương và sự xuất hiện của Giang Nam khiến các thi hữu quốc tế phải rơi nước mắt...

Vì các bài thơ của chủ - khách đều được dịch và trình diễn song ngữ Anh - Việt hoặc thêm tiếng bản địa nên thời lượng đọc thơ bị kéo dài. Một khách thơ 63 tuổi cho rằng: "Giá như ban tổ chức đặt một màn hình chạy bản dịch tiếng Việt và tiếng Anh thì tiết kiệm thời gian rất nhiều. Như thế, số lượng tác giả được đọc thơ sẽ nhiều hơn, màu sắc của thi ca quốc tế cũng sẽ phong phú hơn. Và chúng ta cũng giới thiệu được nhiều tác giả VN hơn".

Có mặt tại Ngày thơ VN, các vị khách nước ngoài thành thật chúc mừng: Văn đàn VN mới đầu năm đã cùng lúc đón hai việc vui: tổ chức Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất (từ 2-2 tại Quảng Ninh - PV) bên cạnh Ngày thơ VN. Các nhà thơ nước bạn còn giới thiệu cho các nhà thơ của ta những khái niệm như: Poetry slam (Cuộc thi đấu thơ tại chỗ) hay khuyến khích các nhà thơ trẻ tham dự những liên hoan thơ quốc tế lớn nhất nhì thế giới như The Medellin International Poetry Festival.

Như thế, Ngày thơ VN không chỉ còn là nơi để ai đó mua sách giá rẻ hay chụp ảnh kỷ niệm, có không ít người đã nhận ra những điều quý giá mình đang có hoặc ít ra cập nhật tình hình thế giới về cái nghiệp mà mình đã yêu và theo đuổi.

HOÀNG ĐIỆP - NGA LINH

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp các nhà thơ quốc tế

Ngày 5-2 tại Phủ chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp các nhà thơ quốc tế đang dự Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bày tỏ vui mừng chào đón 81 nhà thơ đến từ nhiều đất nước trên châu lục để cùng các nhà thơ VN tổ chức một liên hoan thơ giàu ý nghĩa không chỉ với nghệ thuật thơ ca mà cả với cộng đồng khu vực, quốc tế.

Khẳng định tổ chức liên hoan thơ là vinh dự và trách nhiệm của VN, Chủ tịch nước cho rằng nhân dân VN có truyền thống yêu thơ ca. Thơ ca vừa là sự riêng tư của đời sống nội tâm mỗi con người, đồng thời là sức mạnh tinh thần to lớn khích lệ toàn thể dân tộc trước những thử thách khắc nghiệt của lịch sử.

* Cái được nhất ở Ngày thơ mà tôi thấy đó chính là sự giản dị của thơ ca quốc tế. Tôi không biết các nhà thơ nước ngoài đến VN lần này có những giải thưởng gì và vai trò về thơ ca của họ đối với đất nước ra sao, nhưng tôi nhận thấy không có tác giả nào lên gân hay nói đến những điều to lớn.

* May mắn hơn một chút khi tại Mỹ, thơ đang bùng nổ và tràn đầy sức sống. Nhà thơ có nhiều cơ hội để giới thiệu, công bố thơ tại các sân khấu, trường học, trên mạng hay thậm chí sử dụng trang YouTube.

Tuy ở đâu cũng khó xuất bản thơ, nhưng nếu không in sách, chúng tôi vẫn có thể bán thơ trên các tạp chí, báo ngày... Thơ được in trên xe buýt, trên những viên gạch lát đường... Có quá nhiều hoạt động thơ: tour diễn thơ, những cuộc thi thơ tại chỗ.

Chúng tôi muốn chia sẻ những thuận lợi mình đang có, biết đâu các bạn tìm ra cách làm thơ sống dậy.

Quảng Ngãi: Trường lũy biển Đông

Sáng 5-2, tại Quảng Ngãi đã diễn ra lễ khai mạc Ngày thơ VN với chủ đề Trường lũy biển Đông, diễn ngâm những bài thơ về biển đảo, những hùng binh Hoàng Sa thuở trước...

Trường Lũy là lũy đá núi phía tây của Quảng Ngãi - công trình được xây dựng mang tính phòng vệ đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Và biển Đông bao đời nay là vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc nói chung và ngư dân Quảng Ngãi nói riêng - những ngư dân vừa ra khơi đánh cá, vừa khẳng định chủ quyền của quê hương đất nước.

Lấy tên Trường lũy biển Đông, Quảng Ngãi muốn biểu dương, kết nối sức mạnh lòng yêu nước trong hành trình bảo vệ và giữ yên từng tấc đất tấc biển của Tổ quốc.

TP.HCM: lục bát trên nón lá

Cái nắng phương Nam đón ngày thơ từ rất sớm khiến gần 20 câu lạc bộ các quận huyện và các nhà văn hóa tụ hội về sân bến Nhà Rồng dựng lều thơ từ sáng 5-2, nhưng chương trình buổi sáng chủ yếu là sáng tác thư pháp và... tránh nắng.

Phần hội chính của ngày thơ khai mạc vào buổi chiều, các đơn vị tham gia trình diễn nhiều tiết mục trên sân khấu và tại khu vực gian hàng thơ của mình. Tiết mục giới thiệu thơ trên nón lá của gian thơ lucbat.com gợi chút hồn dân tộc, và góc bàn nước trà bánh ngọt thu hút nhiều khách thơ quây quần tán chuyện. Gian thơ trẻ của TP.HCM tập trung phát hành các tập thơ mới xuất bản với kỳ vọng sẽ có một khoản tiền làm từ thiện.

Trường đại học KHXH&NV TP.HCM tham gia Ngày thơ năm nay với hai sinh viên nước ngoài đang học tiếng Việt: anh chàng Janes Shaw (Anh) hào hứng đọc bài thơ Xuân tiêu lữ thứ của Nguyễn Du và cô Claudia Peltel (Đức) đọc bài thơ Chơi đài khán xuân của Hồ Xuân Hương, tiết mục của cả hai đều được người yêu thơ đặc biệt tán thưởng.

Chương trình chính buổi tối trình diễn gần 20 bài thơ, đặc biệt năm nay có tiết mục diễn đọc bốn bài thơ của bốn nhà thơ nước ngoài vừa tham gia Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên