Phụ nữ người Việt tại Đan Mạch vẫn giữ hồn quê gốc tổ qua tà áo dài và truyền đạt tinh thần đó cho con cháu - Ảnh: Ý MINH NGUYỄN
Tại Đan Mạch hiện có khoảng 12.000 người Việt sinh sống, đa số tập trung tại thủ đô Copenhagen và vùng phụ cận và thành phố Aarhus. So với các cộng đồng gốc Á khác thì không lớn không nhỏ.
Những năm gần đây việc "ăn Tết" với người Việt tại đây dễ dàng hơn so với trước do nguyên vật liệu nấu ăn dễ kiếm mua hơn, chủ yếu là do ẩm thực Á, đặc biệt là Nhật và Việt, rất được người bản xứ ưa chuộng.
Tết là cơ hội đặc biệt để gặp nhau
Đối với người trong nước thì Tết là…Tết, nhưng với những người xa quê hương thì những ngày hội Tết, những buổi tiệc Tất niên, mang rất nhiều ý nghĩa.
Đó là dịp - có thể là duy nhất trong năm, cho người ta gặp gỡ người đồng hương, thưởng thức những món ăn, dù cầu kỳ hay đơn giản, cũng đều mang hương vị quê nhà và ít nhiều kỷ niệm, là cơ hội cho thế hệ thứ hai, thứ ba biết thêm về truyền thống dân tộc của mình. Còn với các nàng dâu Việt thì đây là dịp để giới thiệu cho chồng và "bên chồng" một vài nét văn hóa của quê hương và bản sắc dân tộc.
Cành mai như thật điểm xuyến cho không khí buổi tiệc Tết của người Việt ở Đan Mạch - Ảnh: Ý MINH NGUYỄN
Những ngày cuối năm Đinh Dậu tại thủ đô Copenhagen có ba buổi họp mặt của người Việt. Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch và Iceland tổ chức họp mặt với kiều bào và đại diện các tổ chức hữu nghị, phát triển quan hệ giữa hai nước; ngày 25 Tết là hội Tết của nhóm Phật tử; 26 Tết là của nhóm tín đồ Thiên chúa giáo. Tuy gọi là "nhóm Phật tử", "Nhóm Thiên chúa giáo" nhưng trên thực tế thì ai đến tham dự cũng được hoan nghênh cả.
Hội Tết Mậu Tuất của nhóm Phật tử, do Phật tử chùa Liễu Quán và thân hữu tổ chức với sự hỗ trợ của Hội Đan Việt, tìm được một địa điểm khá thuận lợi là Nhà Văn Hóa thành Phố Broendby, không xa trung tâm thủ đô.
May mắn là những ngày này thời tiết tại đây được xem là tốt nên người ở xa cũng đến tham dự được. Ngoài khán phòng để biểu diễn văn nghệ thì toàn bộ khu vực sảnh của nhà văn hóa được tận dụng để đặt quầy bán thực phẩm và kê bàn ăn nhưng vì số người tham dự quá đông, từ 5 giờ chiều đến tận 8 rưỡi tối vẫn nườm nượp khách, nên một số phải mua đem về nhà.
Quầy ẩm thực Việt nườm nượp thực khách người Đan lẫn người Việt - Ảnh: Ý MINH NGUYỄN
Thực đơn có đến hai mươi mấy món và đủ cả ba miền Nam Trung Bắc. Có phở bò, phở gà, bún Huế chay, giỏi cuốn, bánh mì xá xíu, chả giò, bánh cuốn, bánh bèo, bánh ít trần, bánh bột lọc, bánh chưng chay, mặn, bánh tét nhân đậu lẫn nhân chuối, bánh ít nếp than, bánh cam, bánh xu xê, bánh bao chỉ, bánh bò nướng, xôi khúc, xôi vị… lại có cả cà phê sữa đá, đậu hũ nước đường, chè thập cẩm, chè trân châu…
Chung tay cho vui và cho... từ thiện
Phong phú là thế nhưng tôi được biết là chỉ có bánh mì là do một tiệm bánh mì thịt có tiếng ở Copenhagen cung cấp, số còn lại là do các chị em người Việt bỏ sức ra làm trong nhiều ngày.
Chị Phương Bellers cho biết là các bà, các chị đã chia ra thành từng nhóm, phân công mỗi nhóm làm một hay vài món, như nhóm 4 người của chị phụ trách làm 200 gỏi cuốn tôm thịt. Một số món có thể giữ trong tủ lạnh, như bánh ít nếp than thì được làm sẵn từ trước.
Tiền bán hàng và tiền thu được từ chương trình xổ số vui với các phần quà do các nhà hảo tâm đóng góp thì sau khi trừ đi chi phí cho nguyên vật liệu, phục vụ tổ chức, sẽ được dùng cho mục đích từ thiện, như tiền tích cóp được từ Tết Đinh Dậu năm trước đã được chuyển cho đồng bào nạn nhân lũ lụt miền Trung.
Tất nhiên hội Tết thì không thể thiếu phần biểu diễn văn nghệ mừng xuân. Để những bạn trẻ thế hệ thứ hai, thứ ba lên sân khấu hát "Câu chuyện đầu năm", "Thì thầm mùa xuân", "Mừng tuổi mẹ", các bé gái múa "Trống cơm"… là không ít công sức tập luyện lẫn nỗ lực của các bậc phụ huynh.
Cả các em gái mang hai dòng máu Đan - Việt cũng thích thú với tà áo dài Việt - Ảnh: Ý MINH NGUYỄN
Một nhà ngoại giao Đan Mạch có mặt trong buổi tất niên, ông Claus Juul Nielsen nói rằng trong các cộng đồng người nhập cư có gốc ngoài châu Âu sinh sống tại đây thì cộng đồng Việt được xem là hội nhập rất tốt, do đại đa số có tinh thần tôn trọng pháp luật, chịu khó lao động và đóng góp cho xã hội, còn góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa trên quê hương mới.
Tôi nghĩ nhiều người Đan cũng nghĩ như vậy vì ngoài người Việt, các cặp vợ chồng con cái Đan-Việt, còn có nhiều người Đan là thân nhân, bạn bè các gia đình đến chung vui "Tết Việt". Bà mẹ chồng của chị Ly Voersing, còn cẩn thận diện áo dài đến dự.
Nhìn các bé trai, bé gái xúng xính áo dài hí hửng chạy ra chạy vào, tôi chợt nhớ tới nhận xét của một chị bạn người Đan Mạch, chị Ulla Skipper, là người xa quê hương thường có khuynh hướng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, có khi còn cao hơn người ở quê nhà, như cộng đồng Đan Mạch tại Mỹ còn tỏ ra có nhiều "chất Đan" hơn nhiều người Đan tại Đan Mạch.
Khi các bé tập hát "Ngày Tết quê em", hẳn các bé khó hình dung ra "quê em" ở xa lắc xa lơ là như thế nào, nhưng ít ra trong tâm thức cũng nhớ được một điều, nơi đó là Việt Nam, là nơi có ngày đặc biệt được gọi là "Tết". Và như thế các em đã có Tết và quê hương ở trong lòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận