23/05/2024 10:37 GMT+7

Khi sinh viên đứt gánh giữa... trường - Kỳ 1: Vừa trúng tuyển đã chuyển ngành, nghỉ học

Nhiều sinh viên chỉ vừa nhập học đã muốn chuyển ngành vì cảm giác không hợp. Không ít sinh viên đã bỏ học, kết quả lẹt đẹt.

Học sinh đặt câu hỏi về ngành nghề, trường học tại một chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ năm 2024 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Học sinh đặt câu hỏi về ngành nghề, trường học tại một chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ năm 2024 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Học kỳ I năm học 2023-2024, Học viện Ngân hàng cảnh báo học vụ 286 sinh viên, buộc thôi học 77 sinh viên. Các sinh viên bị buộc thôi học đa số bị cảnh báo học vụ lần 3, lần 4. 

Đáng chú ý là rất nhiều sinh viên bị cảnh báo học vụ 3 lần có số tín chỉ tích lũy bằng 0, nghĩa là các sinh viên này đã không học sau khi trúng tuyển vào trường.

Trúng tuyển nhưng không học

Trong số 286 sinh viên bị Học viện Ngân hàng cảnh báo học vụ, có rất nhiều sinh viên chỉ mới trúng tuyển năm 2023. Đa số sinh viên năm nhất bị cảnh báo học vụ vì có điểm tích lũy quá thấp, không ít sinh viên không đăng ký tín chỉ, không có điểm trung bình để xét.

Tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trong số 725 sinh viên bị cảnh báo học vụ học kỳ I năm học 2023-2024 có 80 sinh viên năm nhất. Trong đó có 29 sinh viên có điểm trung bình tích lũy bằng 0, nghĩa là các sinh viên này không học trên thực tế. 51 sinh viên còn lại có điểm trung bình chung quá thấp, tất cả đều dưới 1.

Bên cạnh sinh viên bị cảnh báo học vụ, còn có 994 sinh viên bị đưa vào diện thử thách kết quả học tập. Trong số này có đến 682 sinh viên năm nhất. Sinh viên bị thử thách kết quả học tập vì còn nợ nhiều tín chỉ.

Nhiều trường đại học khác cũng có số lượng sinh viên bị cảnh báo học vụ, buộc thôi học không nhỏ. Trong đó, Trường đại học Luật TP.HCM cảnh báo học vụ 89 sinh viên, buộc thôi học 39 sinh viên vì có kết quả học tập yếu kém học kỳ I năm học 2023-2024. 

Trong năm học trước, các trường đại học Thương mại, Nông Lâm TP.HCM, Công Thương TP.HCM... cũng cảnh báo học vụ hàng trăm sinh viên.

Số sinh viên bị các trường buộc thôi học cũng không hề nhỏ. Trong đó, Trường đại học Luật (Đại học Huế) trong học kỳ I năm học 2023-2024 đã buộc thôi học 112 sinh viên, chỉ riêng khóa 2022-2026 là 57 sinh viên. 

Tương tự, Trường Du lịch (Đại học Huế) cũng có quyết định buộc thôi học 172 sinh viên từ học kỳ I năm học 2023-2024, trong đó có 29 sinh viên năm nhất. Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) cũng buộc thôi học 112 sinh viên từ học kỳ I năm học 2023-2024.

Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM rà soát kết quả học tập học kỳ I năm học 2022-2023 và buộc thôi học 143 sinh viên vì tự ý nghỉ học quá thời gian quy định.

Tuổi 18 các bạn chọn ngành chưa chuẩn, chưa đúng sở thích của mình hoặc đó không phải ngành do các bạn chọn mà người khác chọn thay. Thế nên sinh viên có kết quả thấp, bị cảnh báo học vụ không phải do các bạn dở mà do các bạn không thích.
Ông Bùi Hoài Thắng (trưởng phòng đào tạo Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM)

Chọn sai ngành

Theo thông tin từ các trường đại học, việc sinh viên trúng tuyển nhưng không học hoặc học kém có nhiều nguyên nhân. Một số thí sinh sau khi trúng tuyển đã chọn du học, số khác vì hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng theo học, số còn lại do chọn sai ngành dẫn đến chán nản không muốn học...

Năm 2023, N.T.H. trúng tuyển ngành công nghệ thực phẩm Trường đại học Công Thương. Nhưng ngay khi vào học, H. nhận ra đây không phải là ngành mình thích. H. cho biết mình thích nấu nướng, chế biến món ăn và ngành dinh dưỡng sẽ phù hợp hơn.

H. nói khi xét tuyển chưa tìm hiểu kỹ ngành học nên cho rằng ngành thực phẩm cũng liên quan đến chế biến món ăn. H. xin chuyển ngành nhưng do học kỳ đầu tiên nên không được chấp nhận. H. dự định năm tới sẽ xin chuyển ngành hoặc cố gắng theo ngành này nhưng sẽ học thêm các khóa về nấu ăn bên ngoài.

Trong khi đó, V.L., sinh viên năm nhất ngành marketing Trường đại học Tài chính - Marketing, lại nhận ra sở trường của mình thuộc về ngành khác sau khi vào học. 

"Vào đại học phải học toán khiến tôi mệt mỏi và áp lực. Và tôi cũng nhận ra mình thích học ngôn ngữ chứ không phải marketing. Khi xét tuyển, tôi thấy bạn bè xét tuyển ngành này. Đây là ngành hot, điểm chuẩn cao và thông tin về nghề nghiệp cũng nhiều cơ hội nên đã chọn chứ lúc đó cũng không tìm hiểu kỹ, chưa biết sở trường cũng mình" - L. cho hay.

Nói về tình trạng sinh viên bỏ bê học hành, ông Thái Doãn Thanh, phó hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TP.HCM, cho biết sau khi thí sinh trúng tuyển nhập học, trường có khảo sát việc chọn ngành học có phù hợp với sinh viên không. Kết quả nhiều năm qua cho thấy có hơn 10% sinh viên trả lời chọn ngành không đúng với sở thích và mong muốn.

"Đa số sinh viên chọn ngành không phù hợp bởi các ngành này thường được xếp nguyện vọng 4, 5 khi đăng ký xét tuyển. Đó là ngành để học đại chứ không phải ngành mà các bạn thích. Điều này dẫn đến tình trạng sinh viên không có động lực, không đam mê học hành và trượt dài đến khi bị cảnh báo học vụ, buộc thôi học" - ông Thanh nói.

Tương tự, ông Huỳnh Thế Nguyễn, trưởng phòng đào tạo Trường đại học Tài chính - Marketing, cho biết không ít sinh viên chọn ngành theo trào lưu, theo bạn bè chứ chưa rõ lắm về ngành nghề mình sẽ học. Hơn nữa, cách học đại học khác với phổ thông khiến nhiều bạn bị "sốc". Điều này dẫn đến kết quả học tập của sinh viên chưa hiệu quả.

Đọc kỹ chương trình đào tạo

Ở góc nhìn hướng nghiệp, ông Trần Nam - trưởng phòng công tác sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng đây là hệ quả của việc hướng nghiệp trễ ở bậc phổ thông. Ngoài ra, các trường đại học đang tư vấn tuyển sinh chưa đầy đủ dẫn đến những ngộ nhận ngành nghề.

"Chúng tôi khi tư vấn tuyển sinh luôn khuyến nghị thí sinh đọc kỹ chương trình đào tạo của trường được công bố công khai. Các bạn chọn đại, chọn sai không chỉ mất thời gian, tiền bạc, cơ hội nghề nghiệp của bản thân mà còn chiếm mất suất của những bạn thực sự mong muốn theo học ngành đó" - ông Nam nói.

(còn tiếp)

Nhiều thí sinh chọn sai ngành, sai trường, rất cần tư vấn tuyển sinhNhiều thí sinh chọn sai ngành, sai trường, rất cần tư vấn tuyển sinh

Mỗi năm có khoảng 600.000 thí sinh trúng tuyển vào đại học, nhưng 20% không nhập học, 5-7% sau đó phải đăng ký lại, cho thấy nhiều thí sinh đã chọn sai ngành, sai trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên