Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN
1. Hồi chưa có bóng dáng COVID, chị hay than thở rằng: "Vợ chồng, con cái cả ngày chỉ gặp nhau trọn vẹn mỗi cuối tuần. Ở cùng con cái mà chỉ ồn ào được lúc sáng khi kêu réo chúng dậy, la lối chuyện vệ sinh, rồi kéo nhau chạy nhanh tới trường. Vợ chồng gặp nhau sau buổi dạy con, đốc thúc đứa lớn học, kèm cặp đứa nhỏ viết... Khi đó đã mệt nhoài".
Vòng quay ấy cứ tuần hoàn ngày này sang tháng nọ, có lúc anh chị stress vì quá ít thời gian cho nhau. Chị ước giá mà có công việc tự do để "nhảy việc", cho hai vợ chồng có cơ hội gần nhau nhiều hơn.
"Đùng cái, COVID-19 xuất hiện hai năm nay. Có những khoảng thời gian hai vợ chồng ở nhà cùng nhau hơn nửa tháng như năm ngoái và hơn một tháng như năm nay, cũng làm mình stress", chị chia sẻ trên một group kín dành cho những người vợ công sở.
Nhiều chị em khác vào đồng tình, rồi có người "kể tội" chồng vì gặp nhau mỗi ngày, thấy những điểm "chưa dễ thương" của chồng trước đây chưa kịp thấy. Người sáng suốt hơn thì lý giải: "Có thể chồng mình nghỉ việc ở nhà lâu quá, không gặp gỡ bạn bè cà phê hay xúm tụm uống cốc bia với những đồng nghiệp thân nên cũng stress, dễ cáu".
Rồi có người khuyên: "Nếu không thích gì, chưa hài lòng gì, cần phụ giúp chi thì hãy gọi anh ấy. Chắc chắn chồng sẽ không từ chối khi nghe vợ gọi, nhờ một cách ngọt xớt như hồi mới yêu đâu"...
Chị thấy cũng có lý, nên cũng bớt "nghĩ xấu" về chồng. Mà cũng đúng, thời buổi này ai cũng mệt mỏi nên có những lúc khó chịu, khó kiểm soát được bản thân dù chỉ là những va chạm nhỏ.
2. Ở nhà cả tháng, không được đi đâu, với đôi chân ưa đi như anh quả là khó chịu. Đã vậy, hai bạn nhỏ nghỉ hè sớm, bị "giam" ở nhà vì COVID-19 cũng khiến anh khá mệt do sự hiếu động của con. "Thời gian làm việc bị chi phối bởi vô vàn các việc không tên từ vợ. Hai đứa con cũng cắt ngang cảm xúc khi đang làm thì chạy vào kêu bố giúp chỉ bài toán, kiện cáo các kiểu...", anh kể.
Bữa, có lẽ vì ôm cục mệt, cục khó chịu lâu trong người nên anh quát to tiếng, đòi đánh các con. Chị và các con im re. Một tối, chị thủ thỉ với anh, để anh trải lòng. Và quả thực là anh đã có những sự - chịu - đựng vì những khó chịu khi phải làm việc tại nhà, vừa đảm bảo tiến độ với công ty, vừa phải đáp ứng vai trò làm chồng, làm bố.
3. Nói với Tổ ấm, ThS tâm lý Nguyễn Thị Tâm - chuyên gia đào tạo và tư vấn tâm lý Công ty Hồn Việt - chia sẻ mối quan hệ gia đình được gọi là quan hệ thân mật. Nó có đặc điểm: là mối quan hệ với người thân hay người thương của mình; mối quan hệ có khoảng cách rất gần, trong tầm tay, giơ ra là chạm. Cho nên người trong cuộc dễ rơi vào tình huống "đụng chạm" vào không gian riêng tư của mỗi người một cách hồn nhiên, theo kiểu "tôi có quyền".
"Cho nên dễ có khả năng trở thành mối quan hệ "độc hại" (toxic relation). Một loại "virus" ăn mòn cảm xúc, gặm nhấm năng lượng yêu thương. Nó có khả năng thao túng tinh thần, tình cảm người thân, người thương của mình, làm cho họ cạn kiệt sức sống, "ngạt thở" vì bị "ngộ độc"" - bà Tâm nói.
"Cái tinh tế và khéo léo trong mối quan hệ thân mật là làm sao về mặt cảm xúc, nhu cầu hay sự thấu hiểu, cảm thông chia sẻ sao cho vừa đủ để đối phương thấy được vai trò quan trọng của mỗi người trong đời sống của người kia, nhưng cũng đủ không gian để mỗi người tự do phát triển theo tốc độ, nhịp độ và khát khao của mỗi người", ThS Nguyễn Thị Tâm nói về "khoảng thở" trong hôn nhân.
Đề cập về việc những ngày giãn cách, vợ chồng con cái ở nhà suốt với nhau, làm sao tránh căng thẳng khi va chạm 24/7, không cảm thấy "chán" nhau vì thiếu "khoảng thở", theo bà Tâm, tuyệt đối không "xăm soi, can dự" vào công việc, "sục sạo" thông tin công việc, riêng tư của người thương, rồi ý kiến ý cò, rồi phàn nàn, chỉ trích, đánh giá, phán xét lung tung...
Lúc này, mỗi thành viên trong gia đình phải hiểu để thấu cảm cho nhau, rằng ai cũng đang căng thẳng, lòng đầy lo lắng, nên ráng cư xử tử tế với nhau, đừng chất chồng thêm bất kỳ gánh nặng nào cho người đang quá sức!
Hâm nóng yêu thương giữa ngày giãn cách
Vợ chồng nên cùng nhau kiến tạo những niềm vui, hạnh phúc, sự an nhiên, thong dong qua những bữa cơm, qua những tối "nến tâm tình" để lắng nghe những khốn khó, tổn thương, những hân hoan, thành tựu của nhau.
Ngoài ra, có thể tập yoga, thiền định; cùng nhau khiêu vũ, khảy đàn, uống trà, làm thơ, ngắm trăng, ăn hạt bí ngay tại nhà... Đó là những việc mà ngày bình thường chúng ta không có cơ hội làm được, vì khó có sự hiện diện đông đủ như hiện tại.
ThS tâm lý Nguyễn Thị Tâm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận