Đó là những “bức tường đá” cản trở quyền tác nghiệp phóng viên. Từ những cản trở mềm như né tránh, không cho tiếp cận nguồn tin, tìm cách can thiệp gián tiếp, đến nặng hơn khi bắn tin gây áp lực, đe dọa tinh thần người cầm bút...
Phóng to |
Cửa không đóng, cũng không mở
Rong ruổi các miền đất nước, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo Lao Động, đã thực hiện nhiều phóng sự phản ánh mặt trái về môi trường và văn hóa. Tâm sự về nghề nghiệp, nhà báo này nói không ngại chuyện đi xa vất vả, hiểm nguy mà ngại nhất là những cánh cửa không đóng cũng chẳng mở. “Có bài điều tra khi đã có đầy đủ tư liệu, chứng cứ mà không thể nào gặp được nhà quản lý, có chức năng xử lý vụ việc hay bên liên quan. Nhưng với lương tâm nghề nghiệp, chúng tôi nghĩ mình phải sớm lên tiếng để ngăn chặn sai trái tiếp diễn” - anh tâm sự.
Tuy nhiên, điều làm nhà báo Đỗ Doãn Hoàng cũng như nhiều phóng viên khác buồn nhất không phải là mình viết sai mà là viết đúng vẫn bị “phủi hết”. Anh kể gần đây nhất là loạt bài viết về khả năng gây ô nhiễm nguy hiểm nguồn nước sử dụng ở Hà Nội do tình trạng sử dụng hóa chất độc hại để khai thác vàng bừa bãi trên con sông Đà đầu nguồn. Người đi dọc trên bờ cũng nghe được tiếng máy tàu đãi vàng nổ ầm ầm lớn hơn cả xe công nông, nhưng khi nhà báo gặp cán bộ quản lý để nghe nói rõ về tình trạng này thì lại được trả lời: làm gì có tàu đãi vàng lậu, bị cấm từ lâu rồi, chẳng bắt được chiếc nào... Trong một lần đi tìm các cánh đồng thuốc phiện ở một tỉnh Tây Bắc, địa phương nhất quyết cử người theo “giúp đỡ” nhà báo, nhưng càng đi họ chỉ càng thấy rừng đẹp. Đến khi anh tách đoàn mới tự tìm ra cánh đồng thuốc phiện mà người dẫn đường không bao giờ cho đi về hướng đó...
Trong 384 người làm báo được khảo sát, 327 người, tỉ lệ 87,9%, xác nhận có sự cản trở tác nghiệp phóng viên với nhiều hình thức khác nhau như né tránh cung cấp thông tin (52,6%), gây khó dễ (44,66%), cố ý ngăn chặn gián tiếp các hoạt động tác nghiệp (38,85%), mua chuộc để không đăng tin hoặc đăng theo ý họ (24,48%), đe dọa (18,49%)... (Nguồn: Báo cáo khảo sát, nghiên cứu các hành vi cản trở tác nghiệp phóng viên của Tổ chức Red Communication thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN phối hợp với các nhà báo Pháp Luật TP.HCM, Vietnamnet và các chuyên gia, chuyên viên của Cục Báo chí, Thanh tra Bộ TT-TT tổ chức) |
Theo nhà báo Ngọc Ẩn, cơ chế phát ngôn hiện nay có mặt tích cực nhưng cũng gây trở ngại rất lớn cho quyền tác nghiệp của phóng viên. Thường quyền phát ngôn thuộc giám đốc hay chánh văn phòng gì đó. Khi những người này bận hay không muốn trả lời là trói tay phóng viên. Họ rất khó tìm được người khác dám nói, mà có nói thì cũng không phải là nguồn tin có thẩm quyền hay có tư cách phát ngôn để phóng viên có thể đưa rõ ràng lên mặt báo.
Anh kể rất nhiều lần đã xin được phỏng vấn người có trách nhiệm và được nghe câu trả lời: “Anh cứ để lại câu hỏi”. Hai ba tuần sau vẫn chưa thấy bản trả lời, anh đến hỏi thì nghe câu trả lời bận việc hoặc chưa thấy bên dưới chuyển lên, để rồi lại tiếp tục chờ... Rồi tất cả bị “chìm xuồng” hoàn toàn trong im lặng.
Gần đây, khi Văn Giang, Hưng Yên xảy ra điểm nóng thu hồi đất đai, phóng viên Hoàng Điệp, báo Tuổi Trẻ, được cử xuống lấy thông tin từ nhiều phía để tìm hiểu khách quan vấn đề. Tuy nhiên, sau khi tiếp cận người dân khá thuận lợi, cô tìm đến UBND huyện Văn Giang và bị chặn ngay tại cổng bảo vệ. Họ nói lãnh đạo đi vắng hết, phóng viên để lại giấy giới thiệu và hẹn lịch làm việc. Hoàng Điệp tuân thủ mọi yêu cầu. Tuy nhiên, suốt hơn mười ngày sau cô cố gắng quay lại UBND huyện này nhiều lần nhưng vẫn không được gặp ai. Cô vừa mệt vừa buồn, lẽ ra những vấn đề phức tạp này lãnh đạo địa phương phải mở rộng cửa với báo chí để có thông tin rõ ràng, khách quan.
Căng thẳng
Đối với phóng viên, việc vượt qua được cánh cửa đóng kín là rất khó, nhưng nhiều thực tế tác nghiệp còn căng thẳng hơn. Nhà báo Đặng Huỳnh Lộc (báo Pháp Luật TP.HCM) tâm sự: “Tôi không ngại những đề tài dấn thân vất vả, nguy hiểm, mà lại mệt mỏi với những thế lực có khả năng cản trở quyền được nói lên sự thật của nhà báo”.
Anh kể thời gian còn làm báo địa phương anh thường xuyên phải chứng kiến đồng nghiệp rơi vô tình huống nghiêm trọng. Một tỉnh nhiều rừng ở miền Tây thực hiện chủ trương giao rừng, giao đất để khôi phục rừng và đất sản xuất cho dân nghèo. Nhà báo Huỳnh Lộc phát hiện phần lớn diện tích đất đã rơi vào tay quan chức để sau đó khoán lại cho nông dân như kiểu “phát canh thu tô”. Anh âm thầm thực hiện điều tra năm kỳ “Nhà nông không đất”, nhưng bài chưa đăng thì chẳng hiểu thế nào lại đến tay một số quan chức có “bổng lộc” đất đai không minh bạch. Một lãnh đạo tỉnh đọc xong tuyên bố: “Cấm Đặng Huỳnh Lộc ra khỏi địa phương”. Anh phải niêm phong bản thảo, gửi thư đến Thủ tướng Võ Văn Kiệt đương nhiệm thời kỳ này. Sau đó, một đoàn thanh tra chính phủ về tỉnh làm việc và sự thật đã được sáng tỏ.
Gần đây, năm 2011, nhà báo Đức Tuyên, báo Tuổi Trẻ, theo đuổi điều tra một dự án thủy điện có tác hại lớn đến môi trường. Ngay sau đó, anh và một nhà khoa học đã nhận được nhiều tin nhắn cảnh cáo nặc danh kèm theo một bịch tiêu (có thể hiểu theo nghĩa tiêu đời). Đặc biệt, buổi tối đi làm về, Đức Tuyên còn phát hiện có người lạ mặt kè kè theo mình. Sự việc đáng ngại này cứ lặp lại đến mức anh phải gửi vợ con sang nhà người thân, còn mình thì bật đèn sáng, mở cửa để “đợi” kẻ lạ vào nhà... “Đã làm báo điều tra thì phải chuẩn bị, đề phòng trước tình huống này để bảo vệ được thân nhân, mà đặc biệt là vẫn đi được đến cùng sự thật”- nhà báo Đức Tuyên tâm sự.
________________
Không chỉ đối mặt với “bức tường đá”, nhiều nhà báo còn bị hành hung, đe dọa nguy hiểm tính mạng và họ chấp nhận để đi đến cùng sự thật.
Kỳ tới: Những đòn thù
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận