Phóng to |
Nhiều phụ nữ Nhật ở vai trò quản lý vẫn bị "mắc kẹt" tại văn phòng đến đêm để giải quyết công việc - Ảnh: Bloomberg |
Theo tính toán của Văn phòng Nội các, nếu chính phủ không khuyến khích được nhiều phụ nữ và người lớn tuổi đi làm thì lực lượng lao động Nhật Bản có thể giảm còn 38 triệu người trong năm 2060, từ mức 66 triệu hiện nay.
Trái lại, lực lượng lao động Nhật Bản có thể sẽ tăng thêm 7 triệu người và tổng sản phẩm quốc nội có thể nhảy vọt 13% nếu tỉ lệ nữ lao động bằng với nam giới, theo Goldman Sachs. Ông Matsui cho biết để làm được điều đó, các công ty cần thay đổi hệ thống hiện tại vốn tập trung vào chính sách làm nhiều giờ và thâm niên.
Quấy rối thai sản
Báo cáo chính phủ Nhật Bản cho biết phụ nữ nước này chiếm 11,2% các vị trí quản lý, so với 34,2% của Vương quốc Anh và 43,7% ở Mỹ.
Có rất nhiều lý do khiến phụ nữ Nhật không đi làm toàn thời gian. Mọi việc bắt đầu khi họ mang thai. Một khi họ đến nói với sếp và các đồng nghiệp về chuyện mang thai, họ sẽ phải chịu một số áp lực buộc nghỉ việc vì họ sẽ trở thành một "gánh nặng" với các đồng nghiệp khác - những người sẽ làm thêm phần việc của họ trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản hay khi con họ thường xuyên bị ốm". |
Dù tỉ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động Nhật Bản trong năm 2013 đã tăng kỷ lục 62,5% nhưng vẫn thấp hơn tỉ lệ 80,6% nam giới, theo báo cáo Womenomics gần đây nhất của Goldman Sachs Group Inc do nhóm nghiên cứu đứng đầu là Nhà kinh tế chiến lược Kathy Matsui tiến hành.
Giáo sư Nana Oishi thuộc Trường ĐH Melbourne cho biết khoảng cách giới tính càng nới rộng hơn khi phụ nữ mang thai. Ở Nhật, có hơn 60% phụ nữ nghỉ việc khi họ sinh con đầu lòng và khó trở lại vị trí cũ sau thời gian sinh nở.
Ông Oishi còn tiết lộ một số phụ nữ nghỉ việc vì bị bắt nạt, trong tiếng Nhật gọi là "matahara" - hiểu nôm na là quấy rối thai sản. Tổng Liên đoàn Lao động Nhật Bản báo cáo có khoảng 30% phụ nữ Nhật đã từng là nạn nhân matahra.
Bà Hiroko Yano (45 tuổi) đã có thâm niên 20 năm làm việc cho một công ty cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin. Dù đã là mẹ của 3 đứa trẻ nhưng bà vẫn làm thêm trung bình 2 giờ/ngày và cho biết thực sự không muốn "mắc kẹt" trong văn phòng đến nửa đêm như những người quản lý khác tại công ty.
"Tôi muốn một công việc không phải làm thêm giờ. Thỉnh thoảng tôi nghĩ có lẽ sẽ tốt hơn nếu chấp nhận nghỉ việc và làm nội trợ để có thời gian nhìn thấy các con khi chúng đi học về", bà Yano chia sẻ.
Công việc cả đời
Truyền thống đưa sinh viên vừa mới tốt nghiệp đại học vào thẳng những "vị trí trọn đời" cũng gây khó khăn cho phụ nữ Nhật trở lại sau thời gian nghỉ việc, hoặc tìm một công việc toàn thời gian tương tự như trước, với cơ hội thăng tiến. Dù có hơn 50% phụ nữ Nhật muốn trở lại làm toàn thời gian nếu họ không phải làm thêm giờ, thì cũng chỉ dưới 10% tìm được việc và hầu hết là việc bán thời gian, theo kết quả khảo sát của Văn phòng Nội các.
Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD) cho biết đàn ông Nhật là nhóm người phải làm việc nhiều giờ nhất thế giới, với trung bình 44,1 giờ/tuần, cao thứ 6/33 quốc gia trong OECD, so với Mỹ 40,5 giờ và Hà Lan 35,3 giờ. |
Cô Shoko Yamaguchi 38 tuổi - một bà mẹ 2 con và là một kế toán chuyên nghiệp - cho biết mục tiêu của Thủ tướng Abe có thể được chứng minh là vô nghĩa. Yamaguchi đã nói chuyện với 4 công ty tuyển dụng khi tìm việc mới và ra yêu cầu cô muốn rời văn phòng đúng giờ để đi đón con. Sau đó, mọi nhà tuyển dụng đều nói rằng cô phù hợp hơn với một công việc bán thời gian.
"Tôi nghĩ ông Abe chả hiểu gì cả. Nếu văn hóa làm việc nhiều giờ vẫn còn thì mọi thứ sẽ chẳng thay đổi gì hết", cô Yamaguchi nói.
"Các công ty cần thay đổi suy nghĩ của họ. Công việc không phải là ngồi tại bàn 12 giờ/ngày", bà mẹ Kana Takahashi 33 tuổi hiện đang làm quản lý nhóm kế toán và kiểm toán nhận định.
“Chảy máu chất xám"
"Tôi nói với công ty tuyển dụng rằng có thể đem laptop về và làm việc tại nhà vào buổi tối nếu cần thiết. Thậm chí còn sắp xếp với chồng để tôi có thể làm tăng giờ trong thời gian cao điểm của công ty, nhưng tôi không thể làm việc ngoài giờ hàng ngày hoặc bất chợt. Và câu trả lời nhận được từ nhà tuyển dụng là: Nhật Bản chẳng có vị trí quản lý nào được các điều kiện linh hoạt như vậy", cô Yamaguchi nói.
Một số công ty Nhật như Hitachi Ltd. - nhà sản xuất có số lượng nhân viên lớn thứ hai nước Nhật - hiện đang cắt giảm giờ làm và đưa ra các gói lương theo hiệu suất để tạo điều kiện tăng gấp đôi số quản lý nữ lên 1.000 người trong năm 2020.
Với chính sách khắt khe đó, Nhật Bản có thể bị "chảy máu chất xám" vào các doanh nghiệp nước ngoài. Cô Yamaguchi cuối cùng tìm được một nhà tuyển dụng nữ - người cũng là một bà mẹ đang đi làm - giúp cô có được công việc quản lý tại công ty không phải của người Nhật.
Cô Takahashi cũng may mắn có được công việc quản lý toàn thời gian tại một công ty đa quốc gia thấu hiểu nhu cầu của nhân viên nữ đã có con. "Nguyên tắc của tôi là muốn được về nhà ăn tối. Thỉnh thoảng tôi có làm việc cuối tuần nhưng không làm nhiều giờ vô lý".
"Xã hội Nhật đã thay đổi, và người trẻ không muốn dành thời gian cả đời tại văn phòng - không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông cũng vậy", nhà kinh tế Matsui kết luận.
(Theo Bloomberg)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận