"Bạn không thể trở thành điều bạn không nhìn thấy" - câu nói của bà Jenny Thompson, một trong những nữ phi công tàu lượn kỳ cựu nhất của Úc, được nhiều người nhắc tới ở Temora, một thị trấn nhỏ phía nam bang New South Wales (Úc).
Những người phụ nữ dám theo đuổi ước mơ bay
Theo Đài ABC (Úc), khi bắt đầu sự nghiệp tàu lượn vào năm 1975, bà là một trong số rất ít phụ nữ dám theo đuổi bộ môn này.
Tại Giải vô địch tàu lượn New South Wales 2024 vừa qua, bà Thompson là một trong năm nữ phi công hiếm hoi trong tổng số 33 người tham gia. Rõ ràng hàng không đang rất thiếu vắng những "đôi cánh" nữ giới.
Thế nhưng, trong không gian tưởng như bị chi phối bởi nam giới này, tàu lượn đang dần trở thành một điểm sáng kỳ lạ. Đây là một trong số ít môn thể thao không tạo ra các hạng mục thi đấu riêng biệt cho nam và nữ, bởi ở đây kỹ năng và bản lĩnh mới là thước đo duy nhất của một phi công.
Cựu tư lệnh Không quân Úc Geoff Brown khẳng định với Đài ABC: "Phụ nữ bay giỏi như nam giới, đôi khi còn giỏi hơn". Nhận định này không chỉ là lời động viên suông, mà được minh chứng qua thành tích của nhiều nữ phi công xuất sắc trên thế giới.
Chẳng hạn như tại Anh, theo trang Gliding.co.uk, bà Liz Sparrow, 57 tuổi, là người từng đạt thứ hạng cao nhất thế giới trong lĩnh vực tàu lượn và đã tham gia 7 giải đấu quốc tế.
Hay như bà Claudia Hill, 46 tuổi, hiện đang là nữ phi công tàu lượn có thứ hạng cao nhất ở Vương quốc Anh.
Những thành tích này cho thấy khi được tạo sân chơi công bằng, không có sự phân biệt về giới tính trong thi đấu, phụ nữ hoàn toàn có thể tỏa sáng ngang bằng với nam giới trong lĩnh vực hàng không.
Bà Kerrie Claffey, một trong những nữ phi công tham gia giải vô địch New South Wales cùng với bà Thompson, chia sẻ với Đài ABC: "Tàu lượn là con đường hoàn hảo dẫn tới ngành hàng không. Nó dạy bạn cách máy bay vận hành trên không trước khi thêm vào sự phức tạp của động cơ. Bạn học được nghệ thuật bay thuần túy".
Bà Leonie Furze, nữ phi công người Úc, là một minh chứng sống động cho nhận định này. Bà bắt đầu bay tàu lượn khi gần 30 tuổi và sau đó đã quyết định nộp đơn xin cấp giấy phép phi công tư nhân.
Môn thể thao hút các cô gái
Thực tế, tàu lượn đòi hỏi phi công phải thành thạo việc điều khiển máy bay không động cơ, sử dụng các luồng khí tự nhiên để duy trì độ cao, rất giống cách chim bay trên bầu trời. Người điều khiển sử dụng cần lái và bàn đạp để kiểm soát luồng không khí qua cánh để lái máy bay.
Điều đặc biệt là môn thể thao này có thể tiếp cận từ độ tuổi rất sớm. Các phi công trẻ có thể bắt đầu học từ 12 tuổi và đủ điều kiện bay một mình khi mới 14 tuổi. Đây là một lợi thế lớn trong việc thu hút thế hệ trẻ, đặc biệt là các nữ phi công tương lai, tiếp cận với ngành hàng không từ sớm.
Số liệu từ Cơ quan An toàn hàng không dân dụng Úc cho thấy sự tham gia của nữ giới trong ngành hàng không đang tăng dần.
Số nữ phi công đã tăng từ 2.028 người (chiếm 6,58%) năm 2021 lên 2.227 người (chiếm 7,19%) năm 2024.
Tuy nhiên con đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Số liệu từ Hiệp hội Bay lượn Úc năm 2023 cho thấy chỉ có 174 nữ phi công tàu lượn, chiếm 5,5% tổng số hội viên. Tại Anh, tỉ lệ này thậm chí còn thấp hơn, với dưới 5% trong số gần 30.000 phi công. Bà Ayala Truelove, nữ phi công duy nhất trong số 25 người tham gia giải vô địch bay lượn Úc năm nay, tin rằng số lượng nữ phi công có thể tăng lên nếu nhiều phụ nữ hơn biết đến môn thể thao này.
Có lẽ bầu trời không chỉ là nơi để bay lượn, mà còn là không gian để phá vỡ định kiến giới. Nơi mà mỗi cú lượn, mỗi cú bay đều không phân biệt nam nữ mà chỉ đong đếm bằng đam mê và kỹ năng. Đó mới chính là sự bình đẳng thực sự mà ngành hàng không đang hướng tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận