14/07/2019 09:11 GMT+7

Khi người Việt đòi hỏi tiện lợi và lối sống giao hàng

MI LY
MI LY

TTO - Tối 12-7, Bea Johnson, người tiên phong trong phong trào Không rác (Zero Waste), có cuộc trò chuyện với độc giả ở TP.HCM.

Khi người Việt đòi hỏi tiện lợi và lối sống giao hàng - Ảnh 1.

Tác giả Bea Johnson giới thiệu chiếc túi sử dụng lâu dài, trước mặt là lọ thủy tinh đựng toàn bộ rác của gia đình cô trong năm 2018 - Ảnh: MI LY

Johnson (người Pháp định cư tại Mỹ) viết cuốn sách kêu gọi giảm rác thải Zero Waste Home (Nhà không rác) vào năm 2013, đến nay đã được dịch sang 20 thứ tiếng.

Cuốn sách là cẩm nang hữu ích giúp độc giả thực hành lối sống không thải rác trong gia đình và ngoài xã hội. Tại Mỹ, Johnson và gia đình cô từng bị coi là những người ngớ ngẩn khi "cứng đầu" cắt giảm rác trong mọi hoạt động sống.

Nhưng sau nhiều năm, họ dần trở thành những người tiên phong, truyền cảm hứng cho lối sống không rác trên thế giới.

Buổi nói chuyện của tác giả tại TP.HCM diễn ra sôi nổi, bổ ích với những kiến thức được rút gọn từ cuốn sách của Bea Johnson. Nhưng cuộc đối thoại sẽ khá một chiều nếu không có câu hỏi khiến Johnson bộc lộ thái độ cương quyết về cuộc chiến chống rác thải.

Một độc giả người Việt hỏi bằng tiếng Anh, đại ý: "Làm thế nào cải thiện lối sống giao hàng khi chúng ta quá bận rộn nên không thể đến cửa hàng?". Nghe câu hỏi này, Johnson lập tức phản biện: "Có chứ, bạn có thể, nhưng bạn chọn không làm thế".

Tác giả giải thích thêm: "Chúng ta luôn có thể lựa chọn. Bạn hoàn toàn có thể chọn ghé qua cửa hàng sau giờ làm việc. Bạn hoàn toàn có thể chọn đến tiệm ăn thay vì gọi giao đồ ăn đến nhà". Thông điệp rất cương quyết, nhưng lối nói của Johnson vui vẻ và thân thiện. Cô đã gặp những câu hỏi tương tự ở nhiều nơi.

Trong quá trình phổ biến lối sống không rác, Bea Johnson cũng đấu tranh với các hoạt động giao hàng. Mua đồ cũ qua eBay, cô thường yêu cầu các bên giao hàng không sử dụng nhựa, xốp hơi hoặc băng dính trong để đóng gói, mà chỉ dùng các vật liệu có thể tái sử dụng.

Trở lại với câu chuyện lối sống giao hàng tại Việt Nam hiện nay. Các ứng dụng giao hàng đang ngày càng nở rộ, đặc biệt là ở đô thị. Các dịch vụ này lại luôn mời chào khuyến mãi cộng với sự tiện lợi khó cưỡng (người mua chỉ cần ngồi một chỗ, bấm chuột và chờ đợi), khiến người mua khó dứt bỏ thói quen đặt hàng.

Và Johnson nói không sai, chúng ta có thể chọn quay lưng với lối sống đó để bớt sản sinh ra rác thải dùng một lần từ đóng gói và vận chuyển. Nhưng chúng ta chưa chọn.

Đó chỉ là một trong vô vàn thói quen cần cải thiện để đưa con người từ "sống ngập rác" đến sống không rác. Tín hiệu lạc quan là những người như gia đình Johnson ngày càng đông đảo trên thế giới. Ngay tại Việt Nam, đã có những dịch vụ kinh doanh không đóng gói, người mua mang theo chai lọ tái sử dụng đến cửa hàng.

Trong cuốn sách Nhà không rác (Đoàn Thơm - Trường Huy dịch, Thái Hà Books và NXB Công Thương ấn hành), Bea Johnson chia sẻ gần như mọi kinh nghiệm sống không rác của gia đình cô.

Từ dùng baking soda thay kem đánh răng, dùng một loại xà phòng cho toàn bộ cơ thể, quyên góp tóc làm tóc giả cho bệnh nhân ung thư... đều được giải thích cụ thể. Nhưng tác giả cũng khuyến cáo cuốn sách không phải là chân lý, mỗi độc giả nên nghiệm ra cách sống phù hợp với gia đình mình.

Johnson tuyên bố lối sống này khiến gia đình cô sung túc hơn vì bớt tốn tiền vào những vật dụng không cần thiết. Điều hạnh phúc nhất? Các con trai tuổi teen của cô có những nụ cười thực sự vì được sống hòa hợp với thiên nhiên, chứ không cắm đầu vào vật chất và đống rác từ chúng.

Nữ Nữ 'chiến binh rác' 70 tuổi dọn rác 52 bãi biển

TTO - Xem phim tài liệu về vấn đề ô nhiễm do rác nhựa, cụ bà Pat Smith 70 tuổi bật hỏi: ‘Sao mọi người không làm gì đó?’. Rồi bà nhận ra mình cũng là một trong số đó...

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên