08/07/2017 16:30 GMT+7

Khi người trẻ yêu điện ảnh theo cách của riêng mình

NGUYỄN TUẤN
NGUYỄN TUẤN

TTO - Thị trường điện ảnh Việt Nam đang sôi động với số lượng phim chiếu rạp lớn, phim Việt được làm rất nhiều, và số lượng rạp đang ngày càng được mở rộng. Đây là điều chưa từng có nếu so với chỉ hai ba năm trước.

Một buổi giao lưu điện ảnh

Điều đó cho thấy nhu cầu thưởng thức điện ảnh đang ngày càng lớn. Chính vì vậy, điện ảnh không chỉ là sân chơi dành cho giới làm phim nữa, mà đã mở rộng thành sân chơi dành cho những người yêu điện ảnh với rất nhiều hình thức khác nhau

Câu lạc bộ điện ảnh của người yêu phim

Có một điều thiếu trong thị trường điện ảnh Việt hôm nay là các nhà phát hành chưa đủ tiềm lực để nhập khẩu về những bộ phim nghệ thuật và chiếu ở một cụm rạp riêng biệt.

Đặc biệt với phim cũ, chúng ta không có cách nào xem ngoài việc lên mạng tải về. Điều này hoàn tác khác ở nước ngoài, nơi những hệ thống rạp chiếu phim theo chủ đề với những phim kinh điển, phim đoạt giải… rất nhiều.  

Còn ở Việt Nam, có thể nói văn hóa xem phim ngoài rạp của Việt Nam mới được hình thành cách đây chục năm nên các nhà phát hành khó mạo hiểm để chấp nhận lỗ khi nhập phim về.

Chính vì vậy, sự ra đời của các câu lạc bộ chiếu phim, quán cà phê chiếu phim là một nhu cầu tất yếu cho một bộ phận không nhỏ những người yêu phim.

Mặc dù vấn đề bản quyền còn nhạy cảm, tuy nhiên, những câu lạc bộ đó tạo ra một sân chơi dành riêng cho những cinephile thực thụ, như Không gian điện ảnh của trung tâm đào tạo tài năng điện ảnh trẻ TPD, câu lạc bộ chiếu phim Cinehood, câu lạc bộ điện ảnh kiến trúc.

Các câu lạc bộ này hoạt động không thường xuyên, tuy nhiên nội dung rất chất lượng, với những phim nghệ thuật theo chủ đề được chọn để trình chiếu. Và cuối mỗi buổi luôn là hình thức nói chuyện với nhau, tạo sự gần gũi, tăng hiểu biết về điện ảnh cho những người tham gia.

Chình nhờ những câu lạc bộ như thế mà những bộ phim kinh điển một thời như Some like It hot, Metropolis, It happens one night mới có cơ hội đến với khán giả Việt trẻ.

Và mô hình đó không chỉ còn gói gọn ở một địa điểm cụ thể, một câu lạc bộ điện ảnh mà còn xuất hiện tại các quán cà phê như một hình thức mới không chỉ có lợi cho kinh doanh, mà còn vì chủ của những quán cà phê đó thực sự yêu thích điện ảnh như quán cà phê Yoko hay Hừng Hoa ở Sài Gòn. Mỗi tuần một lần và phải đăng ký trước nhưng luôn đầy chật người đến xem.

Điều đó cho thấy nhu cầu về điện ảnh là rất lớn, nhưng những sân chơi không chính thống còn quá ít, chúng ta có ít sự lựa chọn, ít có những hoạt động huyên náo, ít có sự giao lưu giữa khán giả và người tổ chức để được thể hiện mình trước bộ phim mà chúng ta cùng xem. 

Hàng loạt fanpage về điện ảnh mở ra, cách thức không còn bó hẹp trong việc cung cấp tin bài cho độc giả nữa, thay vào đó là những buổi sự kiện offline được tổ chức như một cách thức kết nối cộng đồng hiệu quả, thiết thực và cần có.

Các bạn trẻ hào hứng offline điện ảnh xem phim cùng nhau 

Muzu Day - chuỗi sự kiện offline đầy hào hứng 

Muzu là một trong những chuyên trang không chỉ cung cấp cho khán giả một nơi để lấy tin về sự nhộn nhịp của thị trường điện ảnh, còn tạo ra một cộng đồng để những người yêu điện ảnh có thể gặp gỡ nhau.

Như nhân sự kiện ra mắt bộ phim Spiderman: Homecoming, Muzu có tổ chức một buổi offline dành tặng những người hâm mộ các nhân vật của Marvel. Hơn 100 khán giả và khách mời của Muzu đã tham gia trò chơi hỏi - đáp kiến thức về chàng siêu anh hùng nổi tiếng thu hút sự tham gia nhiệt tình của đông đảo khán giả.

Các fan may mắn đã vô cùng phấn khích khi nhận được những phần quà đặc biệt từ chương trình, bao gồm những mô hình người nhện đẹp mắt và truyện tranh Marvel phiên bản gốc.

Khán giả thời gian qua thật sự mà nói vẫn đang thiếu một không gian để chia sẻ và trải nghiệm điện ảnh một cách thực thụ.

"Rõ ràng là mô hình Muzu Day có hiệu quả rõ rệt hơn, vì không chỉ mang đến những bộ phim mới nhất cho khán giả, được trải nghiệm bộ phim ngay tại rạp chiếu với chuẩn cao nhất, mà còn mang đến những chia sẻ về kiến thức điện ảnh nói chung cũng như kiến thức về bộ phim nói riêng giúp cho khán giả nâng tầm hơn về độ hiểu biết của họ về điện ảnh." - nhà thơ Phong Việt nói về sự kiện ra mắt Muzu Day

Việc một website tổ chức một buổi chiếu phim offline không mới nhưng đang trở thành xu thế cần có ở Việt Nam.

Nó giúp khán giả thoát khỏi thói quen bị động là đọc tin do báo chí cung cấp, mà thay vào đó họ có thể gặp gỡ nhau, tương tác và có thể cùng nhau xem một bộ phim mà mình cùng trao đổi và bàn luận, đặc biệt là điện ảnh thị trường vốn chưa được quan tâm đúng mực.

Như vậy, từ các câu lạc bộ điện ảnh, đến quán cà phê, và cuối cùng là những sự kiện offline để gặp gỡ nhau ngoài đời thực của cộng đồng mạng, điện ảnh đang tạo ra sự đa dạng trong thưởng thức dành cho độc giả.

NGUYỄN TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên