Buổi thuyết trình của các học viên IPL khóa 5 về cổng tri thức trực tuyến mở - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đây đồng thời cũng là dự án tốt nghiệp của các học viên Chương trình lãnh đạo khai phóng (IPL) khóa 5.
Tự học và tiếp sức cho sự học cộng đồng
Theo đại diện chương trình, từ nửa cuối năm 2018, học viên IPL khóa 5 được chia thành 4 nhóm cùng nhau thực hiện một đề án tốt nghiệp với yêu cầu xây dựng nền tảng cho một cổng tri thức khai phóng trực tuyến OpenEdu để lan tỏa tri thức về "làm người, làm dân, làm nghề, làm sếp" từ những "bộ óc" lớn cổ - kim, Đông - Tây nhằm phục vụ cộng đồng.
Cụ thể, các nhóm phải tìm kiếm, sưu tầm, dịch thuật các sản phẩm từ những nguồn uy tín và hợp pháp, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, đạt tối thiểu 75 bài giảng, 75 bài viết, 20 quyển sách và 10 bộ phim có nội dung mang tinh thần khai phóng, lãnh đạo.
Một nhóm có từ 5-6 người, tức trung bình mỗi thành viên phải đảm nhận khoảng 30 sản phẩm trong vòng 3 tháng, chưa kể công việc thiết kế website và định hình con đường đi cho cổng tri thức, thì rõ ràng là một khối lượng rất lớn.
Không chỉ xem đây là cổng tri thức, chương trình IPL đã quyết định biến OpenEdu thành một ngôi trường khai phóng trực tuyến. Ngôi trường này sẽ được thể hiện dưới hình thức website tổng hợp khối lượng kiến thức đồ sộ không chỉ do các IPLers (học viên IPL) xây dựng mà còn huy động từ các nguồn lực xã hội.
Ngôi trường trực tuyến này vừa như một MOOC (khóa học đại trà trực tuyến mở), vừa như một trang Wikipedia "made in Việt Nam"; tuy nhiên, không dừng lại ở các bài viết mà còn chia sẻ tri thức khai phóng qua các hình thức sách, clip, phim...
"Khổ mà vui"
Có mặt tại buổi trình bày dự án của các nhóm trước hội đồng phản biện diễn ra một ngày cận tết, có thể cảm nhận được nỗ lực của những người đang tự "trau dồi kinh sử" cho mình bằng cách phục vụ cộng đồng. Về số lượng, cả 4 nhóm không chỉ hoàn thành mà còn vượt xa chỉ tiêu đề ra.
Có nhóm còn gây dựng được một đội ngũ cộng tác viên đến 20 người có đam mê tìm hiểu các bài giảng, bài viết, sách, phim có tính khai phóng, rồi dịch ra hoặc làm phụ đề tiếng Việt để chia sẻ cho những người gặp rào cản về ngôn ngữ có thể tiếp cận.
Chị Văn Thị Ngọc Dung (chuyên gia tư vấn của Deloitte Đông Nam Á), học viên IPL khóa 5, chia sẻ khi nhận đề tài, cả nhóm đều xác định phải xem cổng tri thức mở mà nhóm xây dựng là sản phẩm có giá trị thực tế và phục vụ cho cộng đồng.
"Nhóm đã dành nhiều thời gian cho hoạch định, mình muốn hướng đến những người dùng là ai và sẽ lan tỏa những điều gì và như thế nào?" - chị Dung nói.
Đối mặt với khối lượng kiến thức lớn cần phải tìm hiểu là thách thức với mọi thành viên trong nhóm, nhất là khi tất cả các bạn còn phải đi làm.
Với chị Dung, dự án kéo dài 3 tháng thì hết 2 tháng chị phải đi công tác nước ngoài thường xuyên, nhưng vẫn thu xếp dành thời gian cuối ngày và đêm để đọc chọn bài giảng, bài viết, sưu tầm, rồi dịch thuật và từng bước hình thành cổng tri thức mở. Không những vậy, cuối tuần nào chị cũng phải bay về Việt Nam họp nhóm với các bạn để kiểm soát tiến độ dự án.
"Dù có việc nhưng mỗi người đều cam kết sẽ dành thời gian cho dự án vô cùng ý nghĩa này. Hành trình học tập 1 năm ở IPL quả là "gian khổ", nhưng "khổ mà vui". Lớp chúng tôi cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc khi mình được là IPLer và có 1 năm được "thực học để khai phóng" ở IPL" - chị Dung chia sẻ.
Trong khi đó, anh Lê Nguyễn Trần Huỳnh, học viên IPL khóa 5, cho hay các thành viên trong nhóm không chia việc cho nhau theo thể loại như bài giảng, bài viết, sách, phim... mà chia việc theo chủ đề như làm người, làm dân, làm nghề, làm sếp...
Các cá nhân trong nhóm sẽ tự chọn những chủ đề nằm trong đam mê và khả năng mình, nên mọi người đều rất dấn thân cho dự án. Anh Huỳnh cho biết 3 tháng thực hiện dự án là vô cùng ý nghĩa dù gặp áp lực rất lớn với chính bản thân mình là phải làm sao cho tốt nhất.
Tuy nhiên, khóa thứ 5 là một bước ngoặt, khi nhà trường yêu cầu học viên cùng nhau tạo nên một kho kiến thức mở cho người Việt, đây cũng là một cách tự học rất hiệu quả cho mình, lại vừa góp phần tiếp sức cho sự học của cộng đồng.
Cơ hội cho người trẻ
Học bổng IPL dành cho những người trẻ ưu tú trong mọi lĩnh vực, tuổi từ 20-29 (thế hệ U-30), có khát khao thực học để khai phóng bản thân và tự tin mình sẽ trở thành nhân tố để tạo ra những thay đổi tích cực cho cộng đồng. Hạn chót đăng ký dự tuyển trực tuyến chương trình IPL khóa 6 năm 2019 là đến hết ngày 28-2-2019 tại http://IPL.OpenEdu.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận