Càng thêm tuổi trong tôi càng dội lên những yêu thương dành cho chị cả. Người chị lớn trong nhà, vốn đã vất vả từ tấm bé để cùng cha mẹ chăm lo cho cả một bầy em lộc ngộc. Đứa trai, đứa gái, đứa hiền, đứa dữ. Nhường em từng miếng ngon, chiếc áo đẹp, tấm chăn ấm...
1. Có đến 20 năm tha hương nơi xứ người là ngần ấy thời gian chị phải chăm chồng ốm nặng. Đau lòng nhất là vì anh mà ngày cha mất chị không thể về. Ngày mẹ mất vẫn vắng mặt. Tất tả bận bịu là thế mà sau khi anh qua đời, chị bảo trống vắng và hụt hẫng đến không chịu được.
Thèm muốn lắm có chồng, để còn có được người thứ hai trong nhà. Chứ các cháu đã đành là cùng ở Chicago (Mỹ), nhưng đứa nào cũng phải đi làm, rồi còn gia đình riêng phải lo toan, chăm sóc. Thời gian dành cho bản thân còn chưa có nói gì cho chị, hả em?
Qua những kể lể, tôi chạnh lòng mường tượng: cảnh đơn lẻ của chị giữa căn nhà và khu vườn rộng thênh.
Một mình chị vào, ra. Vô phòng ngủ, xuống bếp, ra hiên nhìn tuyết cộm dày và ao ước có anh để cho uống thuốc, xay thức ăn, nâng giấc, chuyện trò, đùa giỡn và nhăn nhó. Khát khao có anh và mong mỏi có người bên cạnh.
Một người Việt Nam gần gũi trên 50 năm trời. Và cái người Việt thân thiết nhất, máu thịt nhất ấy đã bỏ chị ở lại...
Sau vài năm liêu xiêu vì sự ra đi của anh, chị cũng tự biết thu xếp cuộc sống của mình. Chị vốn là người bản lĩnh và đã như thể là trụ cột để cáng đáng chuyện nhà từ hồi mới mười lăm, mười bảy thì sao lại có thể ngồi một chỗ, xoa tay, ngắm ngó đời mình trôi xuôi.
Chị lên lịch cho mình hẳn hoi. Những thời khóa biểu dành cho mùa hạ, mùa đông. Giả như vào mùa nắng, sáng nào chị cũng đến một nhà nguyện. Trước khi đi, chị đã chuẩn bị bữa điểm tâm cùng với sữa, nước cam. Chị đi xe đạp từ nhà ra trạm xe buýt để tới thánh đường.
Ở nhà thờ ra, chị lại đi tiếp một trạm nữa để tới hồ bơi. Ở đây chị cũng có mấy bà bạn. Cũng cảnh già như nhau và cũng rảnh rỗi nên tha hồ mà ăn uống, ngâm mình và tán gẫu.
Mùa đông chị tập thể dục ở nhà mỗi sáng chiều, ngày vài lần đọc kinh hoặc xem lễ online rồi loay hoay với đủ các việc. Cuối tuần, chị lại đi nấu bếp từ thiện phục vụ cộng đồng. Các dịp lễ lớn và tết nhất, chị về giáo xứ để cùng mọi người gói bánh và làm các món ăn Việt, vừa để biếu tặng vừa để bán lấy tiền gây quỹ.
Khi không còn có anh để chăm thì chị chăm vườn tược, nhờ vậy vườn tươi tắn hẳn với các sắc hoa và um tùm rau trái. Thôi thì mua nào hoa đấy củ quả đấy! Chị mát tay nên loại nào ươm trồng cũng sinh sôi đặc dày. Nhiều quá nên phải gọi các con đến lấy rồi biếu gia đình mấy người quen biết, các nhà hàng xóm...
2. Ở Mỹ nhiều năm chị cứ như một phụ nữ Bắc với quê nhà là Việt Nam chánh hiệu. Càng già chị càng giống mẹ giống bà nội tôi. Chị làm tôi nhớ đến nôn nao cả một không gian Bắc, một đời sống Bắc, một nếp nhà một nết ăn Bắc.
Hôm đầu tháng, tôi có gọi điện sang chuyện trò với chị cả rất lâu và vui, và nhận ra sức khỏe của chị có sa sút theo từng năm đi qua. Cuộc sống của chị vẫn thế nhưng xem chừng như thoải mái hơn.
Nghe tôi hỏi về mấy bà bạn của chị ở nhà thờ, ở hồ bơi, chị trả lời: Có người mất, có người yếu quá phải ở nhà. Có người phải ngồi xe lăn và có con hoặc cháu đi kèm.
Chị bảo mấy bà người Mỹ vốn đã to lớn sẵn nên mê cái người Việt Nam này lắm! Cứ ao ước được thon thả và nhanh nhẹn như cái bà U80 đây. Tôi giả vờ hỏi: "Là bà nào hả chị?" với niềm sướng vui thầm lặng.
Cuộc chuyện trò kết thúc trong tiếng cười giòn tan của cả chị lẫn em. Mong, những tiếng cười kéo rê mãi cho qua hết tháng 12. Và nhẹ nhàng dẫn đưa tôi bước qua tuổi mới, khi năm mới 2024 đang trờ tới sát bên thềm nhà…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận