NASA bỏ lệnh cấm nhà khoa học Trung Quốc dự hội nghị
Phóng to |
NASA thu hồi lệnh cấm sáu nhà nghiên cứu Trung Quốc tham gia Hội nghị khoa học Kepler - Ảnh: AFP |
Tân Hoa xã đưa tin NASA đã gửi một bức thư đính chính từ ban tổ chức hội nghị đến sáu nhà nghiên cứu Trung Quốc. Theo đó, NASA thông tin rằng quyết định cấm các nhà khoa học Trung Quốc tham dự hội nghị đã được gỡ bỏ và ban tổ chức hiện đang xem xét các đơn đăng ký của họ.
Lý do an ninh quốc gia
Hội nghị khoa học Kepler tổ chức cho đội ngũ các nhà nghiên cứu Mỹ và quốc tế làm việc trong chương trình kính thiên văn Kepler của NASA nhằm tìm kiếm các hành tinh khác ngoài hệ Mặt trời của chúng ta. Hội nghị bắt đầu từ ngày 4 đến 8-11 khi các nhà khoa học trên khắp thế giới tụ hội về để thảo luận các kết quả nghiên cứu mới nhất trong chương trình tìm kiếm hành tinh ngoài hệ Mặt trời của Kepler. |
Tân Hoa xã của Trung Quốc đã công bố trích dẫn bức thư của NASA gửi một nhà khoa học nước này: “Cách đây vài tuần, ngài đã nhận được một thư điện tử lưu ý rằng chúng tôi không thể xét duyệt đơn đăng ký tham dự Hội nghị khoa học Kepler lần 2 của ngài tại Trung tâm nghiên cứu Ames của NASA. Chúng tôi đã làm rõ một số vấn đề pháp lý và vui mừng thông báo với ngài rằng quyết định này đã được thay đổi và đơn đăng ký tham gia của ngài đang được xem xét”.
Giám đốc NASA là ông Charlie Bolden đã ra lệnh xem xét đơn đăng ký tham dự của các nhà khoa học Trung Quốc với hi vọng có thể mời lại những ai có thể vượt qua các kiểm tra an ninh quy định với người nước ngoài khi Chính phủ Mỹ mở cửa làm việc trở lại.
Tuy nhiên, theo báo Guardian, các bước nhằm khắc phục sai lầm của NASA không rõ sẽ hoàn tất khi nào bởi việc kiểm tra an ninh cần thiết có thể kéo dài nhiều tuần trong khi hội nghị sẽ bắt đầu vào ngày 4-11.
Theo CNN, sự nhầm lẫn trong việc cấm giới nghiên cứu Trung Quốc tham dự hội nghị xuất phát từ một đạo luật gây tranh cãi, đã được thông qua năm 2011 tại Mỹ, nhằm ngăn ngừa các quỹ NASA trong việc hợp tác với Trung Quốc hoặc để hỗ trợ du khách Trung Quốc tại các cơ sở của NASA.
NASA đã ra thông báo cấm công dân Trung Quốc tham gia hội nghị với lý do an ninh quốc gia vào tháng 3 năm nay. Đầu tháng này Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích gay gắt quyết định của NASA “cấm cửa” người Trung Quốc khi cho rằng đây là một hành động “phân biệt đối xử”.
Quan chức Cung Lợi thuộc Trường Đảng tại Trung Quốc nhận xét lệnh cấm này chẳng khác gì so với hành động của Mỹ đối với Liên Xô trong chiến tranh lạnh. Ngoài ra ông Lợi cho rằng lệnh cấm cũng thể hiện việc Mỹ đang lo ngại trước tốc độ phát triển của Trung Quốc.
Đính chính thông tin “thiếu chính xác”
Theo giới truyền thông, NASA đã rút lại quyết định chính vì phản ứng mạnh mẽ của một số nhà nghiên cứu Mỹ sẽ tham gia hội nghị sắp tới. Thậm chí một số nhà nghiên cứu còn kêu gọi tẩy chay hội nghị do mang tính phân biệt đối xử. “Với lương tâm trong sạch, tôi không thể tham dự một cuộc họp phân biệt đối xử theo cách này. Cuộc họp này là về các hành tinh cách đây hàng nghìn tỉ dặm, không có tác động của an ninh quốc gia” - giáo sư thiên văn học Geoff Marcy thuộc ĐH California (Mỹ) viết trong email gửi các nhà tổ chức.
Nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa Mỹ là ông Frank Wolf - người soạn thảo luật năm 2011 - đã viết một tuyên bố trên trang mạng xã hội Twitter để đính chính những thông tin “thiếu chính xác” về vụ việc được đăng tải đầu tiên từ báo Guardian. Theo đó, ông Wolf giải thích rằng các dự luật của Quốc hội Mỹ đưa ra trong năm 2011 chủ yếu hạn chế song phương, không đa phương các cuộc họp và các hoạt động với Chính phủ Trung Quốc hoặc các công ty thuộc Trung Quốc. Luật không ngăn cấm các hoạt động liên quan đến các cá nhân, trừ khi các công dân này đang đại diện chính thức cho Chính phủ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, ông Wolf cho biết quyết định này của NASA có thể do cơ quan này tin rằng đây là quyết định cần thiết, vì thêm những hạn chế tạm thời về người nước ngoài sau khi xuất hiện tình huống bê bối của một công dân Trung Quốc - ông Giang Ba - tại một cơ sở của NASA vào đầu năm nay. Theo CNN, nhà thầu hàng không vũ trụ Trung Quốc Giang Ba làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu Langley của NASA tại Virginia (Mỹ) bị bắt trên chuyến bay một chiều trở về Trung Quốc khi máy tính xách tay của ông này chứa đầy dữ liệu của NASA.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận