20/03/2018 15:41 GMT+7

Khi kinh nguyệt bất thường

Nguồn: Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai
Nguồn: Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai

Đừng chủ quan khi chu kỳ kinh nguyệt của bạn không xuất hiện đều đặn. Nó có thể là dấu hiệu của căn bệnh nào đó.

Khi kinh nguyệt bất thường - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: dedaunan.com

Rối loạn kinh nguyệt (kinh nguyệt bất thường) là những dấu hiệu, triệu chứng của một hoặc nhiều căn bệnh khác nhau. Hiện tượng này có những biểu hiện bề ngoài không nghiêm trọng nhưng lại ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng sinh con. 

Vì thiếu kiến thức và chủ quan, nhiều người cho rằng những bất thường này do thay đổi thời tiết, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi... Do đó, họ đã vô tình tạo điều kiện cho mầm bệnh sống lâu trong cơ thể và gây ra những biến chứng nghiêm trọng.

Kinh nguyệt thưa

Đây là tình trạng vòng kinh dài hơn 35 ngày, thậm chí vài tháng (chu kỳ kinh nguyệt bình thường nằm trong khoảng 21 đến 35 ngày). Trái với kinh thưa là kinh mau với vòng kinh từ 21 ngày trở xuống.

Nguyên nhân: Kinh thưa do những bất thường ở trực tuyến dưới đồi và tuyến yên ở trong não, vì đây là những hormone chi phối sự bài tiết oestrogen và progesterone của buồng trứng. Chúng làm cho niêm mạc tử cung có những biến đổi để tạo ra kinh nguyệt hay để đón trứng đã thụ tinh đến làm tổ và phát triển thành thai.

Kinh nguyệt thưa còn do ít rụng trứng, noãn bào chậm phát dục nên kéo dài giai đoạn noãn chín. Một số người có chu kỳ rụng trứng kéo dài hơn bốn mươi ngày đến ba tháng dù lượng máu và thời gian hành kinh vẫn bình thường.

Ngoài ra, hiện tượng buồng trứng đa nang cũng có thể dẫn đến tình trạng kinh nguyệt thưa. Đó là trường hợp buồng trứng có rất nhiều nang cùng phát triển, nhưng chẳng có nang nào chín và thường không phóng noãn (không có trứng rụng). Nếu không điều trị buồng trứng đa nang, có thể dẫn đến vô sinh.

Ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản: Kinh thưa tuy không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh con, vì ít rụng trứng nên tỷ lệ mang thai giảm. Các bạn gái có hiện tượng kinh nguyệt thưa cần đến bệnh viện để khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Rong kinh, rong huyết

Rong kinh là tình trạng kinh nguyệt kéo dài trên bảy ngày, có tính chu kỳ. Rong huyết cũng là tình trạng ra máu kéo dài trên bảy ngày nhưng không mang tính chu kỳ. Rong kinh nếu kéo dài trên 15 ngày sẽ trở thành rong huyết và được gọi là rong kinh - rong huyết.

Rong kinh, rong huyết có thể kèm theo đau bụng dưới, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt do mất máu. Ngoài ra, một số trường hợp gây sốt, ra khí hư trong viêm nhiễm sinh dục, chảy máu cam, chảy máu chân răng...

Nguyên nhân và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản: Rong kinh ở tuổi dậy thì có thể do rối loạn hoạt động nội tiết của vùng dưới đồi hoặc buồng trứng chưa trưởng thành.

Ngoài ra còn có nguyên nhân từ nhiễm khuẩn sau sinh, sau nạo thai, u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, ung thư nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, rối loạn hoạt động vùng dưới đồi, bệnh lý tuyến yên...

Rong kinh, rong huyết có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Khi có triệu chứng, bạn cần đến bệnh viện khám để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Vô kinh

Là hiện tượng kinh nguyệt không xuất hiện sau một mốc thời gian hoặc trong một khoảng thời gian nhất định. Có hai dạng vô kinh:

Vô kinh nguyên phát: Bệnh nhân trên 18 tuổi chưa thấy kinh nguyệt lần nào.

Vô kinh thứ phát: Kinh nguyệt tự nhiên ngưng xuất hiện trong khoảng ba đến sáu tháng.

Nguyên nhân và xử trí:

Vô kinh nguyên phát: Bệnh nhân không có tử cung, không có âm đạo, vách ngăn âm đạo, màng trinh không thủng, teo tuyến yên bẩm sinh, teo buồng trứng bẩm sinh, rối loạn hoạt động enzyme bẩm sinh của tuyến sinh dục...

Có thể nhận thấy một cách tương đối tình trạng rối loạn hormone sinh dục nữ qua việc quan sát sự phát triển của vú và lông mu. Nếu vú và lông mu không phát triển tức buồng trứng không hoạt động (do teo buồng trứng bẩm sinh, teo tuyến yên bẩm sinh).

Còn nếu vú, lông mu có phát triển, tức buồng trứng có hoạt động. Khi đó, nguyên nhân gây vô kinh có thể do không có âm đạo hoặc màng trinh không thủng hay không có tử cung.

Nếu vô kinh nguyên phát kèm theo đau bụng có chu kỳ, bạn cần đi khám sớm. Nếu vô kinh nguyên phát không kèm theo đau bụng, vú và lông mu có phát triển ít nhiều, bạn có thể chờ thêm đến khi 20 tuổi mới cần đi khám, bởi vì ở Việt Nam có khá nhiều trường hợp có kinh muộn.

Vô kinh thứ phát thường do một trong các nguyên nhân sau: Dính buồng tử cung (sau nạo thai), suy sớm buồng trứng, mãn kinh sớm, khối u buồng trứng, rối loạn hoạt động nội tiết của tuyến vỏ thượng thận, tuyến giáp, hoại tử tuyến yên, bị băng huyết sau sinh, vú tiết sữa liên tục...

Tất cả các trường hợp vô kinh thứ phát trên ba tháng cần đi khám sớm để tìm rõ nguyên nhân. Trước tiên, bạn cần kiểm tra khả năng có thai. Sau khi loại trừ nguyên nhân đó, bạn nên đi khám phụ khoa càng sớm càng tốt để tìm nguyên nhân và điều trị sớm.

Thống kinh

Mỏi lưng, đau bụng dưới... là những triệu chứng bình thường trong thời kỳ kinh nguyệt và thường không ảnh hưởng đến lao động, học tập... Thống kinh là tình trạng đau dữ dội trong những ngày hành kinh, ảnh hưởng đến hiệu quả lao động, học tập...

Biểu hiện thường gặp nhất của thống kinh là đau bụng dưới, có thể xuyên qua cột sống, lan xuống hai đùi và toàn bụng. Ngoài ra còn có đau lưng, kèm theo tức ngực, căng vú, buồn nôn, dễ xúc động. Tình trạng này có thể xảy ra trước, trong hoặc sau khi hành kinh vài ngày.

Nguyên nhân và xử trí: Thống kinh do các tổn thương như u xơ ở eo tử cung, lạc nội mạc tử cung... có thể được phát hiện khi khám phụ khoa. Tuy nhiên, trong trường hợp thống kinh do rối loạn tâm lý, khi khám phụ khoa không phát hiện bất thường.

Nếu bị thống kinh do rối loạn tâm lý, bệnh nhân cần thư giãn, đi du lịch hoặc nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý. Trường hợp thống kinh do u xơ tử cung, lạc mội mạc tử cung... bạn cần được khám và điều trị theo chỉ định của bác sỹ.

Cường kinh và thiếu kinh

Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ rất khác nhau. Ở người này thời gian hành kinh chỉ kéo dài hai đến ba ngày, nhưng ở người khác có thể kéo dài bảy, tám ngày. Có người khi hành kinh chỉ cần thay băng vệ sinh vài ba lần/ngày, có người thay liên tục nhưng vẫn bị thấm ướt ra ngoài.

Cường kinh là tình trạng lượng máu kinh vừa ra nhiều vừa kéo dài nhiều ngày. Thiếu kinh là tình trạng số lượng máu kinh ra ít và không kéo dài (từ hai ngày trở xuống).

Nếu ra máu kinh ồ ạt, bạn cần nghĩ đến khả năng cường kinh. Ngược lại, bạn bị thiếu kinh khi băng vệ sinh chỉ thấm ít máu trong thời gian ra kinh.

Nguyên nhân và xử trí

Hiện tượng cường kinh: Phần lớn là do có tổn thương thực thể ở tử cung như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung tại cơ tử cung là tử cung không co bóp tốt và chậm cầm máu... Một số bệnh như tăng huyết áp, rối loạn đông máu, bệnh thận... cũng có thể gây cường kinh.

Cường kinh ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ vì gây mất nhiều máu. Khi bị cường kinh, bạn cần tới cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện nguyên nhân cũng như có biện pháp điều trị kịp thời.

Hiện tượng thiếu kinh: Có thể do bệnh ở tử cung như tử cung nhi tính, dính buồng tử cung sau nạo hút thai, sau sinh... Bệnh ở buồng trứng như suy sớm buồng trứng, ung thư buồng trứng... cũng gây hiện tượng này.

Vì những nguyên nhân gây thiếu kinh gắn liền với những căn bệnh nguy hiểm đến sức khỏe sinh sản, bạn cần đi khám và điều trị kịp thời.

Nguồn: Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên