16/12/2022 09:03 GMT+7

Khi học trò làm 'đại lý' hàng rong

NGUYỄN HỮU NHÂN (Đồng Tháp)
NGUYỄN HỮU NHÂN (Đồng Tháp)

TTO - Nhiều em học sinh đã mang đồ ăn bên ngoài vào lớp bán kiếm lời. Lại có những phụ huynh tá hỏa khi biết tin con mình mua hàng rong nhiều ngày, mắc nợ bộn tiền. Nói không với hàng rong không chỉ là chuyện ngoài cổng trường.

Khi học trò làm đại lý hàng rong - Ảnh 1.

Học sinh mua đồ ăn vặt trước cổng Trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Đây là nỗi niềm của thầy cô - những người nhận nhiệm vụ trao đổi, nhắc nhở học trò về chuyện hàng rong trước cổng trường cũng như những cách làm cụ thể về chuyện hàng rong.

Thầy cô làm không xuể

Nhiều thầy cô vận dụng hiểu biết của bản thân để truyền đạt cho học sinh về an toàn thực phẩm. Ở nhiều lớp, học sinh cam kết không mua quà bánh bán rong trước cổng trường. Các tổ trực nhật của lớp có thêm nhiệm vụ theo dõi, nhắc nhở, ghi tên các bạn vi phạm. 

Trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, cô tổng phụ trách và hiệu trưởng nhà trường cũng thường xuyên nhắc nhở học sinh tự bảo vệ sức khỏe bằng cách hạn chế mua hàng rong.

Trường học vẫn thường có treo bảng cấm bán hàng rong trước cổng trường, nhưng hàng rong vẫn đầy. Nói cho đúng, địa phương sẵn sàng hỗ trợ nhà trường để dẹp hàng rong nhưng không có đủ người để làm nên việc này chỉ được ít ngày.

Những người bán hàng rong rất "cơ động". Họ di chuyển xa cổng trường khi thấy có lực lượng chức năng đến và sau đó họ lại về vị trí cũ. Đã xảy ra không ít vụ lãnh đạo nhà trường và các thầy cô chủ nhiệm bị những người bán hàng rong nói nặng nhẹ, gây sự vì đã khuyến cáo học sinh không mua hàng rong. Tôi cũng không ngoại lệ.

Nhiều học sinh cho biết đã từ chối những lời mời chào mua đồ ăn uống bên ngoài vì... do không muốn bị ghi tên, bị hạ hạnh kiểm vì vi phạm nội quy. Nhưng các em cũng cho rằng thức ăn bán ở căng tin nhà trường không phong phú, kém hấp dẫn về màu sắc, khẩu vị... và mắc tiền hơn hàng rong ngoài cổng.

"Chiến thuật" hàng rong

Rất nhiều học sinh đi học sớm và ghé lại các gánh hàng rong mua và ăn tại chỗ. Một số mua và mang vào trường, lớp chờ thời gian thích hợp như nghỉ giữa tiết hoặc giờ ra chơi mới dùng. 

Tôi từng phải tiếp một phụ huynh đề nghị thầy nên dỡ bỏ quy định cấm học sinh mua hàng rong vì quy định này khiến việc buôn bán của gia đình chị bị ảnh hưởng. 

Tôi đã rất bối rối khi phải lựa lời giải thích rằng đó là nhiệm vụ của thầy cô và cũng là cách để đảm bảo an toàn cho học sinh, rằng tôi nhắc chung chứ không có ý nhằm vào hàng của chị. Nhưng phụ huynh vẫn buồn.

Và khi nhà trường "làm căng", những người bán hàng rong đổi chiến thuật. Họ giảm giá, tặng những suất ăn uống cho những em nào là "khách hàng thân thiết" và mời gọi được nhiều bạn cùng đến mua. 

Đôi lúc, những người bán sẵn sàng cho các em ăn uống trước, nhiều ngày sau trả tiền. Đến khi học trò mất khả năng thanh toán, gia đình biết được thì số tiền nợ đã không hề nhỏ.

Lại có nhiều trường hợp phụ huynh bán trà sữa, bánh tráng trộn, rau câu, bánh các loại... đã giao cho con em mang vào lớp bán cho bạn. Vì ủng hộ bạn và hợp khẩu vị ngon, giá cả lại mềm hơn giá ở căng tin nên việc mua bán vẫn cứ tồn tại. Và do lo mua bán trong lớp (và cả mở rộng ra cả toàn trường), việc học của các em bị sa sút.

Hàng rong trong ba lô con trẻ

Cũng có khi các em lấy của những người bán hàng rong trước cổng với giá sỉ, sau đó mang phân phối lại cho các bạn và có thu nhập đáng kể. Có em còn kể nhờ vậy mà em không cần xin tiền cha mẹ, tự đóng tiền học thêm và mua sắm vật dụng cá nhân.

Khi em dừng bán hàng (chấp nhận mất đi một khoản thu nhập đáng kể), em kể rằng em làm "đại lý" hàng rong ngoài cổng đã lâu, các bạn thương hoàn cảnh của em nên không báo cáo.

Việc mua bán giữa học trò rất cẩn thận, thường là trước giờ vào học, em giấu hàng trong ba lô và không giao trong lớp mình để không bị phát hiện.

Tôi nói lời cảm ơn em đã nghe lời thầy. Trao đổi với bộ phận căng tin, tôi được biết giá thức ăn thức uống ở đây có cao hơn quà rong là vì nhiều chi phí nhân công phục vụ, điện, nước... Căng tin cũng sẽ cố gắng điều chỉnh giá cả cho phù hợp và thay đổi mặt hàng như sở thích các em.

Việc tuyên truyền bảo vệ sức khỏe học sinh không chỉ dựa vào mệnh lệnh hành chính của nhà trường, phối hợp với địa phương hay sự kiểm tra của thầy cô mà rất cần sự phối hợp của gia đình.

Phụ huynh nếu chưa có thời gian chuẩn bị việc ăn uống cho con em cũng nên hướng dẫn nhắc nhở con em biết chọn lựa nơi ăn uống sao cho an toàn.

Hàng rong trước cổng trường: Vì sao nơi có, nơi không? Hàng rong trước cổng trường: Vì sao nơi có, nơi không?

TTO - Trong khi hàng rong "tung hoành" ở nhiều trường học thì nhiều trường tại quận 1 và một số trường quốc tế tại TP.HCM lại vắng bóng. Vì sao vậy?

NGUYỄN HỮU NHÂN (Đồng Tháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên