26/12/2015 09:00 GMT+7

Khi học sinh lớp 2 “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”

TRẦN TRUNG HUY
TRẦN TRUNG HUY

TT - Chỉ còn vài ngày nữa, các trường tiểu học lại tưng bừng tổng kết học kỳ I năm học 2015-2016, và nhiều học sinh tiểu học có thành tích lại tưng bừng nhận giấy khen.

 

giaykhenla2
Giấy khen HS lớp 2 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ

Còn nhớ khi năm học 2014-2015 kết thúc, nhiều giấy khen lạ đời đã ra đời theo thông tư 30 (TT30) ở tiểu học. Không biết lần này giấy khen như thế nào?

Điểm lại giấy khen cuối năm học 2014-2015, thấy nhiều giấy khen buồn cười thật. Nhiều trường có kiểu khen lạ đời: “Giải nhì kỳ thi Olympic tiếng Anh cấp trường”, “Đạt danh hiệu học sinh tiêu biểu”, “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “Đạt học sinh toàn diện”...

Tôi thấy chẳng có văn bản nào của Bộ GD-ĐT quy định danh hiệu học sinh là “Học sinh tiêu biểu” cả. Còn nghe “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” cứ như là nói về các chiến sĩ bộ đội hay công an... Và nghe khen kiểu “Đạt học sinh toàn diện” thì dễ tưởng trường đó khen nhầm sang bậc học mầm non (chỉ mầm non mới có “Bé ngoan toàn diện”)...

Nguyên nhân khen nhiều

TT30 quá “mở” về nội dung khen thưởng. Điều 16 của TT30 quy định về khen thưởng rất chung chung, thể hiện quan điểm khuyến khích khen nhiều: “Cuối học kỳ I và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên..., lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen...”.

Như vậy thì, theo TT30, không chỉ khen thưởng về việc học mà chỉ cần “nổi bật” về phẩm chất hay năng lực cũng có giấy khen (khen cả ba nội dung đánh giá). Một học sinh không rơi vào khen này thì sẽ rơi vào khen khác!

Chuyện có nơi giấy khen phát ra ào ào cả lớp là có thật. Vì theo tinh thần của TT30, trong suốt năm học, giáo viên chủ nhiệm đã quan sát được em nào học tốt (hoàn thành các bài tập trên lớp tốt), em nào năng lực tốt (ăn nói rõ ràng, biết hợp tác nhóm, tự học được không cần giúp đỡ...), em nào phẩm chất tốt (lễ phép với thầy cô, yêu quý bạn bè, hay giúp đỡ người khác, tích cực tham gia việc chung...) thế là tổ chức bình bầu “có định hướng” rồi đề nghị tặng giấy khen.

Không khen này thì khen khác!

Từ thực tế dạy học tôi biết về phẩm chất, học sinh tiểu học ngoan, em nào mà chẳng “chăm học, chăm làm, không đổ lỗi cho người khác, trung thực, yêu gia đình, bạn và những người khác...” (theo TT30), vậy là các em rất dễ có giấy khen “phẩm chất”.

Về năng lực, gần như học sinh nào cũng có thể “biết vệ sinh thân thể, ăn, mặc, làm một số việc phục vụ cho học tập như chuẩn bị đồ dùng học tập ở lớp, ở nhà; mạnh dạn khi giao tiếp, vận dụng những điều đã học để giải quyết nhiệm vụ...” (như TT30 quy định). Mặt này cũng dễ khen nếu cô giáo thích.

Về thành tích học các môn học: đây là mặt đánh giá khó được khen nhất, và phụ huynh nào cũng thích con được khen mặt này nhất. Nhưng chỉ cần “hoàn thành xuất sắc một môn” (chẳng hạn bài kiểm tra cuối kỳ môn đó 10 điểm) cũng có thể được tặng giấy khen. Thành ra nội dung đánh giá các môn học cũng dễ có giấy khen.

Chiếu theo cả ba mặt đánh giá, quả đúng là một học sinh không rơi vào khen này sẽ rơi vào khen khác.

Theo tâm lý, khen đúng theo TT30 chẳng mất gì nhiều mà học sinh vui, phụ huynh vui, cô giáo cũng vui. Nhà trường chỉ cần chi một khoản tiền nhỏ vào việc in giấy khen, vậy là vui cả làng!

Tính ra, trong một lớp học khoảng 30 học sinh, bình thường và nghiêm túc, sẽ có trên dưới 10 em đạt điểm 9 hoặc 10 bài kiểm tra cuối kỳ 2 các môn tiếng Việt, toán, tiếng Anh, khoa học, lịch sử, địa lý (lớp 1, 2, 3 chỉ có hai môn tiếng Việt và toán lại càng dễ!). Thế là đương nhiên có khoảng chục em được tặng giấy khen “Hoàn thành xuất sắc các môn học”.

Nếu trường nào hiệu trưởng khó tính thì có khoảng 1/3 số học sinh được tặng giấy khen. Còn hiệu trưởng nào dễ tính, khen đủ cả ba nội dung đánh giá theo TT30 thì đúng là có tình trạng “loạn giấy khen” thật.

Vì sao có giấy khen “lạ”?

Trong nghề dạy học, không phải thầy cô nào cũng hiểu hết TT30. Và cũng không phải thầy cô nào cũng đủ tư duy để nghĩ được một số từ ngữ để viết vào giấy khen cho đúng. Thế là một số thầy cô nghĩ sao viết vậy: Học sinh tiêu biểu toàn diện, Học tốt một số môn học, Học giỏi tiếng Việt, Phát triển phẩm chất và năng lực tốt, Có tiến bộ vượt bậc về phẩm chất...

Khi giáo viên chủ nhiệm đưa danh sách khen thưởng cho hiệu trưởng duyệt, hiệu trưởng nào có trình độ thì bác đi những lời khen sai, chỉ duyệt những lời khen đúng theo TT30. Còn hiệu trưởng nào trình độ có hạn thì cứ ký đại. Thế nên mới có những giấy khen nghe buồn cười: “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “Đạt học sinh toàn diện”... như hồi cuối năm học vừa qua.

Phải nghĩ cách viết giấy khen cho phù hợp

Tinh thần của TT30 là khen nhiều, vì khen nhiều hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học. Nhưng khen cũng phải đúng, chứ không phải khen nhiều là ta cứ khen lấy được để loạn giấy khen.

Đọc kỹ TT30, ta thấy loạn giấy khen chỉ tại TT30 phần nào, còn chủ yếu là do những người thực hiện. Mỗi khi có văn bản chỉ đạo mới của ngành, giáo viên và cán bộ quản lý phải đọc và nghiên cứu kỹ để suy nghĩ cách viết giấy khen cho phù hợp hơn.

TRẦN TRUNG HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên