30/03/2012 09:55 GMT+7

Khi hàng Trung Quốc vươn vòi khắp nơi

KIÊN CHINH
KIÊN CHINH

TT - Thị trường TP.HCM luôn là “điểm trông ngóng” của các mối hàng Trung Quốc, đặc biệt hàng từ Quảng Châu. Lý do là khoảng cách địa lý làm lượng người “đi chợ” sang Quảng Châu không tấp nập như phía Bắc.

Trung Quốc đưa hàng áp sát người tiêu dùng

Thêm vào đó, các doanh nhân Hoa kiều tại khu Chợ Lớn không mấy mặn mà việc làm ăn với các chợ sỉ Quảng Châu, mà thường quan tâm nhiều hơn đến lượng hàng hóa từ Đài Loan hay Hong Kong.

Vì thế, không ít tiểu thương Quảng Châu nhanh nhạy chạy sang Sài Gòn để tìm cách tiếp cận, bán hàng nhưng chỉ đang dừng lại ở mức nhỏ lẻ của những người đi buôn chuyến. Việc này cũng khá giống với nhiều công ty VN nhập hàng từ Trung Quốc về, chỉnh sửa thêm chút rồi bán ra thị trường với những nhãn mác của mình.

Khi những doanh nghiệp Việt đang vật vã chống chọi để sinh tồn, hàng Trung Quốc vẫn tìm cách vùng vẫy tại thị trường miền Nam bằng cách tiếp cận trực tiếp với các đầu mối bán sỉ ở TP.HCM. Nếu trước đây các hoạt động này diễn ra theo đúng nghĩa đen của từ “đi chợ”, nghĩa là sang tận “sào huyệt” để chọn mua, lấy hàng thì giờ đây hoạt động biên mậu đã trở nên chuyên nghiệp và quy củ hơn hẳn với sự tham gia của những “tay chơi” chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp theo đúng nghĩa là những công ty đăng ký hoạt động chính thức tại Trung Quốc, thực hiện mọi nhu cầu hỗ trợ việc chuyển hàng từ Trung Quốc về VN với quy mô lớn hơn, đơn vị tính là container, với đủ mọi chính sách bảo hành khá rõ ràng. Các công ty này cũng vươn vòi của mình ra đơn vị đại diện tại Hà Nội và TP.HCM để phục vụ những doanh nhân biên mậu người Việt tốt hơn.

Gần đây, một số tiểu thương Trung Quốc xuất hiện tại TP.HCM với hình thức mở cửa hàng, nhưng cũng được xem như mở tổng kho. Ở đó, hàng hóa bán linh hoạt theo giá sỉ, số lượng, mẫu mã vô cùng đa dạng sẵn sàng đáp ứng các đơn hàng của khách.

Tuy nhiên, chuyển động mới nhất là không ít doanh nghiệp Trung Quốc có tiềm lực tài chính đang xúc tiến việc mua lại xưởng, nhà máy của doanh nghiệp VN để mở đường cho việc xâm nhập thị trường VN. Hàng hóa, nguyên vật liệu Trung Quốc lúc đó được dự báo sẽ tràn ngập thị trường trong nước. Cách thức này cũng giúp Trung Quốc tận dụng được nguồn nguyên liệu rẻ tại chỗ của VN.

Đến nay, sau khi chọn đối tác đại diện cho mình tại VN, trang thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Alibaba xác nhận VN là một trong tám thị trường trọng điểm mà họ giao dịch nhiều nhất. Nhưng nếu như lượng doanh nghiệp bán được hàng thông qua Alibaba được theo dõi sát sao và quảng bá một cách mạnh mẽ, thì lượng doanh nghiệp nhập hàng từ mạng lưới này về VN lại ít được nhắc đến. Theo chiến lược của đơn vị này, việc tuyển dụng những giám đốc và bộ phận kinh doanh rầm rộ tại khu vực phía Nam để tiếp xúc với các đối tác có nhu cầu nhập hàng từ Trung Quốc. Đội ngũ này hoạt động thật sự hiệu quả khi chỉ cần một quán cà phê thể hiện nhu cầu nhập bàn ghế từ Trung Quốc về thì họ cũng nhiệt tình hỗ trợ hết mức.

Trung Quốc đã sẵn sàng cho việc phát triển thị trường của mình tại VN một cách vững chắc. Khi những hàng rào thuế quan, những hiệp định thương mại giữa hai nước phát huy tác dụng, thì lợi thế cạnh tranh ở sân nhà của doanh nghiệp Việt sẽ nhanh chóng yếu đi nếu thiếu sự chủ động trong việc làm ăn với Trung Quốc.

KIÊN CHINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên