18/02/2012 06:27 GMT+7

Khi con trẻ nói dối

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TT - Người xưa dạy rằng “đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Nhưng ngày nay không ít bạn nhỏ không còn “có sao nói vậy”.

3ygr6HjC.jpgPhóng to
Trẻ em sẽ học cách sống qua cha mẹ - Ảnh: Quân Nam

Nhiều người lớn từng nói dối, giờ lại rất lúng túng khi con cái trong nhà “sao y bản chính” của mình.

Do trẻ hay người lớn?

Một số cha mẹ cho rằng động viên con nhận lãnh trách nhiệm cho hành vi của mình cũng là cách phòng bệnh nói dối. Khi đó, trẻ sẵn sàng đối diện với sự thật, không đổ thừa người khác, nhờ thế có cơ hội khắc phục sai lầm và thêm bản lĩnh sống.

Khi chia sẻ lý do khiến trẻ nói dối, một phụ huynh kể con gái 3 tuổi của chị thường nói dối do trí nhớ sai lệch hoặc theo truyện cổ tích. “Cái áo của bé do tôi mua, nhưng bé lại nói với dì là cô tiên tặng”, chị Nga nói. Nhưng cậu con trai 4 tuổi của chị Hương G. (Q.1, TP.HCM) không “ngây thơ” như thế. Theo lời chị, lần nào làm bể đồ đạc bé cũng dọn sạch sẽ và nói dối để không bị phạt.

“Tôi không cho bé ăn quà vặt vì lo không đảm bảo vệ sinh, thế là bé xin tiền nói đóng quỹ lớp nhưng sự thật là để ăn quà”, chị Bích T. (Q.5, TP.HCM) kể. Còn cậu con trai của chị Tường L. (Q.4, TP.HCM) mới 7 tuổi nhưng đã biết nói dối để... giữ sĩ diện. Bé khoe bơi rất giỏi dù không biết bơi, bé còn khoe nhà mình có người giúp việc dù thực tế không có. “Bé học kém hơn trong nhóm bạn nên khoe thế để bù đắp”, chị L. chia sẻ.

Một thực tế là lời nói dối có thể được tin hơn, thậm chí giúp trẻ né tránh được bất lợi, như lời kể của chị Ngọc L. (Q.2, TP.HCM): “Thằng bé vì không thuộc bài nên nói dối với cô giáo rằng mẹ đi cấp cứu. Bí mật đó chỉ được bật mí khi tôi đi họp phụ huynh”. Còn ở nhà, trẻ có thể nói dối để đòi hỏi sự quan tâm của người lớn. Theo lời chị Ngọc T. (Q.6, TP.HCM), do mới sinh và công việc bận rộn nên vợ chồng chị ít quan tâm đứa lớn. Một lần thằng bé bị bệnh và được cha mẹ xúm lại lo lắng. “Vậy là nó giả bệnh thường xuyên hơn”, chị kể.

Nhiều cha mẹ chia sẻ rằng việc gây áp lực hoặc kỳ vọng quá mức cũng có thể khiến trẻ nói dối về kết quả học tập để làm hài lòng người lớn. Chưa hết, chị Nguyên T. (Q.3, TP.HCM) có lần đưa con đến trường trễ giờ nên dặn con nói dối với cô giáo “do xe hư” để không bị la rầy. “Tôi rất ân hận khi dạy bé nói dối như vậy”, chị chia sẻ. Không riêng gì chị, nhiều cha mẹ tự nhận vẫn thường vô tình “dạy” trẻ nói dối hằng ngày. Chẳng hạn, khi không muốn tiếp chuyện ai đó qua điện thoại, bạn ra hiệu cho con nói với đầu dây bên kia rằng bạn đi vắng. Hứa mà “quên” thực hiện cũng là hình thức nói dối phổ biến trẻ học được từ người lớn.

“Thuốc” sẵn trong nhà

Theo kết quả khảo sát thực nghiệm trên 1.200 trẻ em của Viện Nghiên cứu trẻ em thuộc ĐH Toronto (Canada) vừa được công bố, phần lớn trẻ 2-3 tuổi đã biết nói dối với mức độ “tinh vi” tăng dần. Còn theo thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, ban đầu trẻ chỉ nói dối không vụ lợi (vô thức), sau đó chuyển sang vụ lợi (có ý thức). Khi đó, nếu cha mẹ không uốn nắn thì nói dối sớm trở thành căn bệnh nan y ảnh hưởng tiêu cực vào quá trình định hình nhân cách của trẻ.

Nhưng bằng cách nào? Với trẻ nhỏ, theo bà Linh, cha mẹ có thể kể truyện ngụ ngôn hay cổ tích, thậm chí cho trẻ sắm vai nhân vật trong truyện để trải nghiệm cảm xúc. Như câu chuyện về cậu bé chăn cừu nghịch ngợm cứ báo động giả chó sói tấn công đàn cừu khiến dân làng nhiều phen bị hố. Đến ngày nọ, khi sói dữ xuất hiện, cậu bé báo động nhưng không ai ra tay giúp đuổi sói vì cứ nghĩ cậu chỉ bông đùa. Còn với trẻ lớn hơn, theo bà Linh, cha mẹ có thể trao đổi, thảo luận, gợi mở cho trẻ chọn lựa thái độ đúng.

Nhiều cha mẹ cho biết thường la rầy, trách mắng, thậm chí đánh đòn trẻ khi phát hiện chúng nói dối. Điều này khiến trẻ thêm trơ lì và nói dối tinh vi hơn, còn mắng trẻ dối trá là một cách dán nhãn xấu khiến trẻ có khi trở nên dối trá thật. Bà Linh cho rằng cha mẹ cần bình tĩnh lắng nghe trẻ, cùng trẻ “khám phá” hậu quả xấu của hành vi nói dối và cuối cùng là về “phe” với trẻ chống lại “cái xấu”.

Theo thạc sĩ Mỹ Linh, trẻ học cách sống trung thực chủ yếu qua tấm gương cha mẹ. Thực tế không ít cha mẹ dạy con sống trung thực nhưng lại luôn nói dối. “Bài học đạo đức chỉ có giá trị khi được thực hiện trong cuộc sống, chứ không là lời nói suông”, bà Linh nói.

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên