22/11/2019 09:12 GMT+7

Khi côn đồ xông vào trường học, bệnh viện

ÁI NHÂN
ÁI NHÂN

TTO - Nhiều vụ việc hành hung nhân viên y tế, thầy cô giáo đã diễn ra trong thời gian qua gây bức xúc cho xã hội nhưng số vụ việc xử lý đủ sức răn đe (hình sự) rất ít.

Khi côn đồ xông vào trường học, bệnh viện - Ảnh 1.

Hình ảnh camera ghi lại cảnh ông Huỳnh Ngọc C. tát nữ điều dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: T.L.

Cần làm gì để trị thói côn đồ ở môi trường giáo dục, y tế và nhiều nơi công cộng khác?

Trị thói côn đồ, luật sao cho đủ nghiêm?

Mới đây nhất là vụ Huỳnh Ngọc C. (ngụ Q.6, TP.HCM) đã tát nữ điều dưỡng đang trực tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 lúc 21h ngày 16-11, khiến cô phải nhập viện. Trước đó đầu tháng 11-2019, tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), một điều dưỡng mang thai 4 tháng bị bệnh nhân giật tóc, lên gối hành hung.

Ngay trong môi trường học đường cũng không ít vụ việc hành hung thầy cô giáo, học sinh. Gần nhất, vào ngày 1-11, phụ huynh cùng người thân (tất cả 5 người) của nữ sinh M.Q.H. đã kéo đến Trường THCS Quảng Ninh (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) hành hung nam sinh L.X.C. (lớp 8A) chỉ vì nam sinh này có xích mích với nữ sinh.

Có thể thấy hành vi giở thói côn đồ trong môi trường y tế, giáo dục đã không còn là chuyện cá biệt, nhưng số vụ việc xử lý đủ sức răn đe (hình sự) là rất ít, gây bức xúc cho xã hội.

Điển hình, vụ hành hung nữ điều dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho rằng hành vi của ông C. làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự của bệnh viện và việc điều trị cấp cứu cho các bệnh nhi khác, đặc biệt gây tổn hại đến tinh thần và sức khỏe của nhân viên y tế. Bệnh viện có công văn đề nghị công an vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm.

Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, hành vi hành hung xảy ra trong bệnh viện, nhà trường có thể xem xét để xử lý hình sự về tội danh "gây rối trật tự công cộng" (điều 318 Bộ luật hình sự) hoặc tội "cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác" (điều 134). Nếu truy cứu về tội danh "cố ý gây thương tích..." thì đối tượng phải gây ra thương tích đủ mức truy cứu (11% trở lên).

Còn thương tích dưới 11% thì vẫn có thể xử lý hình sự được nếu thuộc trường hợp gây thương tích "đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình" (điểm d, khoản 1, điều 134 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015). 

Đây là điều khoản mới được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, quy định này có thể hiểu đối tượng bị xử lý là đối tượng có hành vi gây thương tích trực tiếp với "thầy, cô giáo của mình, người chữa bệnh cho mình". "Trong khi nhiều vụ hành hung lại xuất phát từ gia đình, người thân, bạn bè của học trò, của bệnh nhân..." - luật sư Bùi Quang Nghiêm phân tích.

Để có thể xử lý hành vi côn đồ theo tội danh này, tiến sĩ Phan Anh Tuấn - trưởng bộ môn luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM - cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể về chủ thể có hành vi hành hung với "thầy, cô giáo của mình, người chữa bệnh cho mình" bao gồm: người trực tiếp nhận sự giảng dạy, nhận sự chữa bệnh (học sinh, sinh viên, bệnh nhân đối với thầy, cô giáo) và cả thân nhân (cha mẹ, ông bà...) của học sinh, sinh viên, bệnh nhân. 

"Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể với điều khoản này. Nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe cho thầy cô, nhân viên y tế, răn đe hành vi côn đồ thì cần xem xét hướng dẫn theo hướng này..." - tiến sĩ Tuấn nói.

Tăng trách nhiệm và mức phạt

Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, nếu việc xử lý các đối tượng có hành vi côn đồ, hành hung người khác theo tội "cố ý gây thương tích..." mà gặp khó khăn thì cơ quan công an có thể quyết liệt hơn chuyển sang xử lý nghiêm về tội "gây rối trật tự công cộng". 

Cũng theo luật sư Nghiêm, trường học và bệnh viện là nơi công cộng. Đó là địa điểm đặc biệt cần bảo đảm an toàn để các hoạt động giáo dục, khám chữa bệnh diễn ra thuận lợi nhất. 

Như vậy, khi các đối tượng có hành vi côn đồ, đuổi đánh, gây hoang mang, mất trật tự tại các nơi công cộng này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn... thì đủ dấu hiệu để xử lý theo tội danh này.

Ngoài ra, luật sư Nghiêm cho rằng các cơ quan công an địa phương cũng cần tăng cường các phương án bảo vệ an toàn cho trường học, bệnh viện bao gồm tăng cường lực lượng, phản ứng nhanh và hiệu quả với các hành vi côn đồ xảy ra tại các địa điểm này.

Tiến sĩ Phan Anh Tuấn cũng cho rằng ngoài xử lý trách nhiệm hình sự đủ sức răn đe tương ứng với mức độ, tính chất hành vi côn đồ thì cơ quan chức năng cần xem xét sửa đổi, tăng chế tài hành chính đối với các hành vi côn đồ. 

Hiện nay, trường hợp hành vi hành hung mà tỉ lệ thương tật dưới 11% hoặc không thuộc các trường hợp xử lý hình sự thì xử phạt hành chính theo nghị định 167/2013/NĐ-CP. Theo đó, hành vi xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe người khác sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng (theo điểm e, khoản 3, điều 5 nghị định 167). 

Cũng theo điều 5 nghị định này thì hành vi vi phạm quy định trật tự công cộng "đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau" bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Như vậy, có thể thấy mức phạt hành chính đối với hành vi côn đồ là khá thấp, không đủ sức răn đe. "Để đủ sức răn đe, bảo vệ an toàn cho môi trường giáo dục, y tế cần sửa đổi tăng chế tài xử phạt hành chính" - tiến sĩ Phan Anh Tuấn nói. 

Ngoài ra, theo tiến sĩ Anh Tuấn, các cơ sở bệnh viện, trường học cũng cần có các biện pháp bố trí thêm camera, thêm lực lượng bảo vệ, phương tiện để tự bảo vệ an toàn cho cán bộ, nhân viên của mình.

Chờ giám định để xử lý người tát nữ điều dưỡng

Ngày 21-11, Cơ quan điều tra Công an Q.10 (TP.HCM) cho hay đang chờ thực hiện các bước giám định tỉ lệ thương tích của nữ điều dưỡng bị hành hung làm cơ sở xem xét xử lý trách nhiệm của Huỳnh Ngọc C.. Khi sự việc hành hung xảy ra, công an phường đã có mặt kịp thời, thu thập hồ sơ, chứng cứ và chuyển cho công an quận xử lý tiếp theo.

Cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi - phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - đã đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 gửi lời xin lỗi nữ điều dưỡng bị ông Huỳnh Ngọc C. hành hung. Ông Huỳnh Ngọc C. có vợ là nữ hộ sinh đang làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ. Thời điểm xảy ra vụ việc, nữ hộ sinh này đã không can ngăn chồng mà còn cùng chồng chửi mắng nữ điều dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 dẫn đến việc hành hung trên.

Bác sĩ Mỹ Nhi nói rằng vụ việc khiến tập thể bệnh viện phải suy nghĩ rất nhiều, cảm thấy phẫn nộ và xấu hổ về hành vi của nữ hộ sinh này. Hiện Bệnh viện Từ Dũ đã đình chỉ công tác của nữ hộ sinh, đồng thời sẽ có biện pháp xử lý cụ thể sau khi có kết luận cuối cùng.

Trị thói côn đồ trong bệnh viện bằng cách nào? Trị thói côn đồ trong bệnh viện bằng cách nào?

TTO - Nữ điều dưỡng 51 tuổi bị cha của bệnh nhi tát sưng mặt khi bà đang làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. Thêm một lần nữa dư luận bức xúc về các hành vi côn đồ trong bệnh viện.

ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên