27/05/2018 15:57 GMT+7

Khi các hãng dược ra tòa: Thuốc giả từ bột mì, than củi

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Interpol ghi nhận thuốc giả lưu hành ở châu Phi dưới nhiều dạng rất khó tin như thuốc giảm đau làm từ than củi, thuốc điều trị sốt rét không có dược chất, thuốc kháng sinh nhiễm kim loại nặng asen...

Khi các hãng dược ra tòa: Thuốc giả từ bột mì, than củi - Ảnh 1.

Chợ thuốc tây Roxy chuyên bán “hàng chạy” ở Bờ Biển Ngà - Ảnh: iciabidjan.com

Trung tuần tháng 3-2018 tại Bénin (Tây Phi), tòa sơ thẩm thành phố Cotonou đã tuyên án 4 năm tù giam đối với các bị cáo là chủ năm công ty dược phẩm lớn (Ubipharm, Gapob, Came, Ubephar, Promo Pharma) và buộc bồi thường thiệt hại cho nhà nước 100 triệu franc CFA (150.000 euro). 

Các bị cáo bị truy tố về tội bán thuốc giả. Có hai cộng sự của nghị sĩ Atao Hinnouho bị kết án 6 tháng và 18 tháng tù giam. Ông Fernand Gbaguidi, giám đốc Cục Dược học (Bộ Y tế Bénin), bị truy tố vì tội thiếu tinh thần trách nhiệm.

Tôi ngạc nhiên đến mức rụng rời về quy mô sự việc. Nào dè phần lớn các nhà buôn sỉ dược phẩm của chúng ta lại lấy hàng qua mạng lưới bất hợp pháp!

Tổng thống Bénin - ông PATRICE TALON

Bị truy quét vẫn cứ bán thuốc giả

Vụ án thuốc giả nêu trên đã gây chấn động dư luận Bénin bởi lẽ năm công ty ra tòa nắm giữ phần lớn thị trường buôn sỉ dược phẩm. Từ lâu nghị sĩ Atao Hinnouho đã bị tình nghi là trùm buôn thuốc tây giả. 

Cuối năm ngoái, cảnh sát ập vào khám xét nhà ông này và tìm thấy đơn đặt hàng của các hãng dược phẩm, sau đó tiếp tục khám xét các kho và tịch thu gần 1.000 thùng dược phẩm giả.

Các công ty ra tòa chủ yếu lấy hàng như Paracetamol, Normegyl (trị bệnh do ký sinh trùng) của Hãng New Cesamex của Ấn Độ có văn phòng tại CHDC Congo. New Cesamex có giấy phép kinh doanh thuốc tại Bénin nhưng do bảo quản thuốc không đúng tiêu chuẩn trong kho trái phép của nghị sĩ Atao Hinnouho nên thuốc bị xem là thuốc giả. 

Khi sự việc vỡ lở, tổng thống Bénin đã rút giấy phép của New Cesamex, đồng thời giải tán tổ chức nghề nghiệp đại diện cho các dược sĩ.

Ở Tây Phi, Bénin là quốc gia thứ hai sau Nigeria là trục bản lề buôn thuốc giả. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá gần 1/3 số thuốc giả phân phối ở các nước phía nam sa mạc Sahara quá cảnh qua cảng Cotonou của Bénin. 

Các nước có cảng như Bénin, Togo nhập khẩu thuốc giả, sau đó tiếp tục xuất khẩu cho các nước bên trong lục địa đen.

Tháng 2-2017, Interpol đã mở chiến dịch Pangea IX truy quét thuốc giả tại Bénin. Kết quả đã tịch thu 80 tấn thuốc giả và bắt giữ 109 người. Hai năm trước, số thuốc giả bị tịch thu chỉ 4 tấn. Ba tháng sau, Interpol tiếp tục mở chiến dịch Heera kéo dài một tháng ở bảy nước Tây Phi (Bénin, Burkina Faso, Bờ Biển Ngà, Mali, Niger, Nigeria và Togo). 

1.150 cảnh sát, nhân viên hải quan và nhân viên cơ quan quản lý dược phẩm được huy động. Gần 150 người bị bắt với hơn 420 tấn thuốc giả, dụng cụ y tế giả trị giá 21,8 triệu USD bị tịch thu. 

Thuốc giả có đủ loại, từ thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị sốt rét cho đến thực phẩm chức năng, thuốc có nguồn gốc dược thảo, vitamin, thuốc bổ sung khoáng chất. Nước có số lượng thuốc giả bị tịch thu nhiều nhất là Bờ Biển Ngà.

Tại Bờ Biển Ngà, rạng sáng 3-5-2017, gần 700 cảnh sát, hiến binh và binh sĩ đã mở chiến dịch triệt phá các kho thuốc giả tại chợ Roxy ở Abidjan. 40 tấn thuốc giả bị tiêu hủy. Các sạp bán thuốc giả bị tháo dỡ. 

Một tháng sau, những người bán thuốc giả lại tiếp tục bán như cũ. Đây là chợ thuốc tây bán "hàng chạy" lớn nhất Abidjan. Người bán bày hàng trong chậu, trên ghế đẩu hay trên sạp sát mặt đất để dễ chạy khi bị đuổi. Ước tính có khoảng 8.000 người bán thuốc lẻ như thế trong chợ Roxy.

Khi các hãng dược ra tòa: Thuốc giả từ bột mì, than củi - Ảnh 3.

Giữa tháng 5-2017, Interpol đã mở chiến dịch Heera tại bảy nước Tây Phi, tịch thu hơn 420 tấn thuốc giả và dụng cụ y tế giả - Ảnh: radiotaxifm.com

Thuốc nào cũng có thể bị làm giả

Theo bà Françoise Dorcier - điều phối viên "Chương trình của Interpol về hàng cấm và y tế thế giới", tại châu Phi bất kỳ thuốc gì cũng có thể bị làm giả. Các loại thuốc thường bị làm giả là thuốc giảm đau, sốt rét, thuốc chữa loạn cương dương, thuốc trĩ, phụ khoa và bao cao su.

Interpol ghi nhận thuốc giả lưu hành ở châu Phi dưới nhiều dạng rất khó tin như thuốc giảm đau làm từ than củi, thuốc điều trị sốt rét không có dược chất, thuốc kháng sinh nhiễm kim loại nặng asen, thuốc quá hạn bị sửa hạn sử dụng. 

Thậm chí thuốc giả còn được làm bằng đủ thứ hổ lốn như bột mì, đường, đá phấn, mạt cưa hoặc nước pha màu (xirô, thuốc dạng nước). Một hình thức làm giả khác là sản phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng hay thức uống có nguồn gốc thảo dược nhưng thực chất là trà giảm cân, trà chống tiểu đường.

Tại Mauritania và vùng phía nam sa mạc Sahara, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều đường dây buôn lậu thuốc giả làm từ bột mì và các chất tương tự. 

Tại Morocco, thuốc giả chủ yếu do những người hành nghề đông y sản xuất thủ công thành thuốc viên, thuốc nhét hậu môn, xirô. Thuốc giả gồm dược thảo trộn với corticoid và Viagra được quảng cáo dùng để chữa trị bệnh dị ứng, bệnh về da, rối loạn cương dương.

Tại Rwanda, thuốc điều trị sốt rét bị làm giả nhiều nhất thay vì là quinine (ký ninh) thì thuốc chỉ toàn bột.

Vì sao thuốc giả hoành hành ở châu Phi? Giáo sư Marc Gentilini, nguyên chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Pháp, giải thích: "Muốn bán thuốc giả phải có người mua, trong khi đó các bệnh nhân nghèo ở châu Phi đông hơn các nơi khác trên thế giới". 

Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác như buôn thuốc giả chỉ bị phạt vì xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chứ không ngồi tù như buôn ma túy. Trong các món buôn lậu, thuốc giả thu lãi khủng nhất. Nếu đầu tư 1.000 USD buôn thuốc giả có thể thu được nửa triệu USD trong khi lấy từng ấy tiền đi buôn ma túy hay tiền giả chỉ thu được 20.000 USD.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, nói: "Thật không thể chấp nhận được. Các quốc gia cần phải tìm giải pháp chống thuốc giả chung trên quy mô quốc tế".

"Tội ác hai lần"

Hội nghị lần thứ hai về dược phẩm và sản phẩm y tế với chủ đề "Đấu tranh chống thuốc giả ở châu Phi" đã được tổ chức ở Morocco trong hai ngày 23 và 24-2-2018. Tham dự hội nghị có 16 nước châu Phi, trong đó có nhiều nước là "ổ" thuốc giả. Tại hội nghị, bộ trưởng y tế các nước châu Phi đã ký nghị quyết Rabat về đấu tranh chống thuốc giả.

Giáo sư Marc Gentilini lên tiếng tố cáo thuốc giả đã gây tội ác hai lần, một lần khiến người bệnh tử vong và lần thứ hai đánh vào dân nghèo châu Phi. Ông khẳng định ngăn chặn thuốc giả còn mang ý nghĩa góp phần đấu tranh chống tham nhũng trong guồng máy chính trị cấp cao ở châu Phi.

__________

Kỳ tới: Đầu mối thuốc giả ở Trung Quốc

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên