Công nhân tất bật sản xuất khẩu trang kháng khuẩn tại một doanh nghiệp. Ảnh: T.TRÍ
Trước thực trạng khẩu trang y tế khan hiếm, đa số người dân hiện nay đã chọn các loại khẩu trang vải để sử dụng.
Đa dạng màu sắc, mẫu mã
Sáng 17-3, khách hàng liên tục ghé mua khẩu trang tại một quầy bán khẩu trang vải nằm trên đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.
Các loại khẩu trang vải được treo bán có nhiều màu sắc khác nhau. Một cô gái dừng xe máy ghé vào chọn mua một chiếc khẩu trang vải. Cô mất gần một phút để lướt mắt qua các màu xanh, vàng, tím, trắng, đỏ... Cô quyết định chọn một chiếc khẩu trang màu cam với giá 10.000 đồng.
Tại một quầy bán khẩu trang ở phía ngoài chợ Tân Định (Q.1), chị H. chủ quầy giới thiệu cho một khách hàng về một loại khẩu trang chị đang bán chạy nhất trong những ngày gần đây: khẩu trang kháng khuẩn. Khẩu trang này màu xanh nước biển, được may 4 lớp bằng một loại vải, không ghi nơi sản xuất và chỉ 10.000 đồng/chiếc.
hỏi khẩu trang này có thể giặt được không, chị bán hàng chỉ ngay vào chiếc khẩu trang chị đang đeo và nói: "Tôi giặt được 3 lần và vẫn đeo được đây".
"Chưa khi nào tôi bán khẩu trang đắt hàng như vài ngày gần đây" - anh N., một người bán khẩu trang 20 năm nay trên đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận, chia sẻ.
Những ngày này mỗi ngày anh bán được hàng trăm chiếc khẩu trang, trong đó bán chạy nhất là khẩu trang vải kháng khuẩn, có giá 20.000 đồng/chiếc. Loại khẩu trang này được gói trong một bao nilông, có ghi tên nhà sản xuất với thành phần được ghi là 100% cotton kháng khuẩn, vải chống thấm, thiết kế 3 lớp...
Ngoài ra trên thị trường còn có nhiều loại khẩu trang như khẩu trang vải lọc khuẩn, chống UV vĩnh viễn từ công nghệ hạt cà phê với giá 65.000 đồng/chiếc, khẩu trang nano chống khuẩn, duy trì tỉ lệ kháng khuẩn sau 30 lần giặt, giá 35.000 đồng/chiếc...
Chị N.P.T., 34 tuổi, ngụ ở Q.Bình Thạnh, nói chị thấy hiện nay trên thị trường bán nhiều loại khẩu trang được quảng cáo là khẩu trang vải kháng khuẩn với nhiều loại giá khác nhau, chị không biết có đúng là khẩu trang kháng khuẩn không, nếu đúng thì loại nào tốt.
Bác sĩ Lê Quốc Hùng, trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho rằng đeo khẩu trang có mục đích chính là ngăn cản các giọt bắn lớn, văng ra xa vào mặt người tiếp xúc.
Một trong số các khẩu trang kháng khuẩn được người dân sử dụng - Ảnh: T.TRÍ
Khẩu trang vải kháng khuẩn sẽ tốt hơn?
Theo PGS.TS Lê Thị Anh Thư - chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, nên gọi chính xác là khẩu trang vải kháng khuẩn.
PGS Anh Thư khẳng định khẩu trang may bằng vải kháng khuẩn sẽ tốt hơn những loại khẩu trang vải thông thường khác vì có thêm tính năng diệt được các vi khuẩn, virus bám trên bề mặt của vải.
Vải kháng khuẩn thật ra đã được sử dụng từ lâu tại một số quốc gia, ví dụ tại Nhật, vải này đã được sử dụng để may áo blouse cho nhân viên y tế. Loại vải kháng khuẩn cũng đã được thử nghiệm diệt cả vi khuẩn và virus trên bề mặt vải.
Cách nào để người dân nhận biết được loại khẩu trang đó được may bằng vải kháng khuẩn? Theo PGS Anh Thư, nhìn bằng mắt thường người dùng sẽ không thể nhận biết được đâu là khẩu trang vải thông thường, đâu là khẩu trang vải kháng khuẩn, mà chỉ dựa vào cam kết, tài liệu chứng minh của nhà sản xuất.
Các nhà sản xuất phải chứng minh bằng các dữ liệu là có hiệu quả và an toàn cho người sử dụng. Khẩu trang vải kháng khuẩn cũng nên có các chức năng như khẩu trang y tế như có lớp ngoài bằng vải không thấm nước, lớp lọc và kháng khuẩn, lớp giữ ẩm, được Bộ Y tế chứng nhận có diệt khuẩn để diệt virus, hoặc chứng nhận quốc tế.
Là một công ty sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, ông Nguyễn Hữu Phúc, tổng giám đốc Công ty TNHH Como, cho biết khẩu trang kháng khuẩn phải đạt được 3 yêu cầu chính: thứ nhất là ngăn được những giọt bắn của người ho, người nói chuyện khi tiếp xúc gần.
Thứ hai phải ngăn được virus, vi khuẩn với tính chất là lọc bụi mịn và vi lọc; và thứ ba là lớp bên trong sẽ kháng được khuẩn, kháng được virus qua nhiều lần giặt.
Đối với người tiêu dùng, ngoài đọc những thông tin quảng bá trên hộp hoặc trên tờ hướng dẫn sử dụng, người tiêu dùng cũng nên vào những trang web của những công ty sản xuất để tìm hiểu vải kháng khuẩn đó được chứng nhận ở đâu, sau bao nhiêu lần giặt khẩu trang vẫn còn tính kháng khuẩn vì càng sau nhiều lần giặt khẩu trang đó vẫn còn tính kháng khuẩn thì càng tốt.
Cho đến nay các hướng dẫn quốc tế chưa có hướng dẫn nào khẳng định khẩu trang vải kháng khuẩn thay được khẩu trang y tế.
Tuy nhiên trong tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế như hiện nay, khẩu trang may bằng vải kháng khuẩn vẫn là sự lựa chọn tốt để sử dụng trong cộng đồng hoặc ở những khu vực ít có nguy cơ trong bệnh viện.
Điều quan trọng là nhà cung cấp khẩu trang vải kháng khuẩn phải chứng minh rằng vải của họ đã có thể diệt được vi khuẩn, virus nào; có an toàn cho người sử dụng không; khẩu trang có may thêm lớp kháng thấm, thêm lớp lọc như khẩu trang y tế không...
Trên thị trường đang xuất hiện nhiều loại khẩu trang y tế lẫn khẩu trang vải được quảng cáo là kháng khuẩn. Tuy nhiên, chọn loại khẩu trang nào, mua khẩu trang ở đâu để đảm bảo chất lượng và sử dụng khẩu trang như thế nào cho hợp lý là những thắc mắc thường trực hiện nay.
Để giúp người tiêu dùng nắm rõ hơn thông tin về các phương pháp phòng chống dịch COVID-19, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty Como tổ chức tọa đàm "Làm thế nào để sử dụng khẩu trang hợp lý?" với sự tham gia của các chuyên gia, bác sĩ uy tín trong lĩnh vực vào ngày 19-3 tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận