Chiều 12-1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam (nguyên giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết việc xử lý đối với 111 dự án có vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước kể trên đang được tiến hành chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.
3 nhóm "sa lầy"
Theo kết quả rà soát của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các dự án vi phạm được phân thành ba nhóm: chậm tiến độ có 12 dự án, sở kiến nghị thu hồi; nhóm thứ hai có 27 dự án có vướng mắc, liên quan đến quy hoạch, mật độ xây dựng, các thủ tục đầu tư, xây dựng; nhóm thứ ba gồm 70 dự án còn lại, sở đang tiếp tục rà soát, kiểm tra về quy hoạch, tình hình triển khai dự án; đồng thời xem xét nguyên nhân chậm tiến độ, lỗi vi phạm của nhà đầu tư.
Đối với nhóm dự án vừa nêu sẽ xem xét để xử lý theo các hướng thẩm định lại năng lực tài chính và kinh nghiệm của nhà đầu tư, xử lý vi phạm hành chính về đất đai; quyết định ngừng hoạt động của dự án hoặc chấm dứt hoạt động dự án.
Cho đến nay, trong 12 dự án thuộc nhóm chậm tiến độ, kiến nghị thu hồi (trong nhóm này có 7 dự án ở Nha Trang), Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã kiểm tra được 11 dự án. Kết quả, sở đã ban hành quyết định xử phạt 8 dự án do chậm tiến độ đầu tư đã cam kết (3 dự án còn lại chậm có lý do).
Đồng thời sở cũng đã lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương liên quan, báo cáo UBND tỉnh xem xét, đồng ý chủ trương thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của dự án. Trong đó, có 4 dự án sẽ thu hồi giấy chứng nhận đầu tư sau khi có quyết định thu hồi đất.
Còn việc rà soát, kiểm tra đối với các dự án thuộc hai nhóm còn lại vẫn đang được tiến hành, tiếp tục xử lý theo năm bước và kế hoạch xử lý đã được tỉnh chấp thuận triển khai.
Khánh Hòa chậm xử lý do luật thay đổi?
Về thủ tục xử lý dự án vi phạm, theo ông Trần Hòa Nam, hiện nay việc xử lý vi phạm đối với dự án chậm tiến độ để chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư có khó khăn, phải kéo dài thêm thời gian là có phần do quy định pháp luật đã thay đổi.
Theo Luật đầu tư năm 2020, việc xử lý dự án chậm tiến độ phải thực hiện nhiều thủ tục theo ba bước. Thời gian cho phép nhà đầu tư khắc phục theo các bước đó được tăng gấp đôi (không quá 24 tháng) so với Luật đầu tư năm 2014.
Ông Nam cho biết thêm cũng theo quy định của Luật đầu tư năm 2020, đối với dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng khi vi phạm thì phải được xem xét, xử lý trước theo quy định pháp luật đất đai.
Trường hợp dự án vi phạm bị thu hồi đất thì sau đó mới tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án. Nếu dự án vi phạm về đầu tư nhưng không đến mức bị thu hồi đất thì Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ xem xét, xử lý vi phạm hành chính theo quy định pháp luật về đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc chậm xử lý các dự án vi phạm tại Khánh Hòa nằm trong danh sách các dự án vi phạm theo thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ngày 30-8-2019) và các kết luận của Thanh tra Chính phủ (vào tháng 8-2019 và tháng 5-2021) là có phần do quy định pháp luật về đầu tư đã thay đổi. Theo Luật đầu tư năm 2014, đối với dự án sẽ bị ban hành quyết định chấm dứt hoạt động dự án ngay, nếu "sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định".
Nhưng theo Luật đầu tư năm 2020 thì thời gian để nhà đầu tư khắc phục vi phạm chậm tiến độ đã tăng gấp đôi (24 tháng) như đã nêu.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, để đảm bảo việc chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định, tránh các trường hợp khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư (trong số 111 dự án nêu trên) cần phải có một khoảng thời gian nhất định để thực hiện đầy đủ các thủ tục chấm dứt hoạt động dự án.
Còn theo Phó bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Hà Quốc Trị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có các kết luận, kiên quyết xử lý thu hồi đối với các dự án vi phạm nhưng không đảm bảo các điều kiện để gia hạn theo đúng quy định pháp luật. Việc xử lý các dự án vẫn phải đảm bảo đúng theo trình tự, thủ tục và các bước theo kế hoạch đã được tỉnh phê duyệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận