Nếu không được giới thiệu thì khó biết vườn đào Bắc tại Đà Lạt hơn 3.000 cây với đủ chủng loại như đào thất thốn, bích đào, bạch đào, đào phai cánh kép,… là của một người lính cứu hỏa chuyên nghiệp.
Vườn đào Bắc này đặc biệt bởi toàn những cây được thuần dưỡng tại Đà Lạt.
Thượng tá Nguyễn Tiến Hồng, trưởng Phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Lâm Đồng, là người trực tiếp chăm sóc vườn đào Bắc nổi tiếng Đà Lạt hơn 20 năm qua.
Ông Hồng lớn lên từ vùng quê Gia Lâm - Hà Nội, từ nhỏ ông đã mê đào Bắc. Trước khi đến Lâm Đồng công tác, ông theo học Trường đại học Phòng cháy chữa cháy.
Những ngày rảnh rỗi thời học đại học, ông đã đến vùng đào Nhật Tân để học nghề từ các nghệ nhân. Khi học xong chuyên môn phòng cháy chữa cháy thì ông cũng “tốt nghiệp” luôn nghề trồng đào Bắc.
“Nghề trồng đào thấm vào máu từ khi còn chưa lập gia đình. Làm lính cứu hỏa và cứu nạn căng thẳng lắm, tôi giải khuây bằng việc chăm những cây đào Bắc. Cảm giác nhìn cây lớn lên khỏe mạnh và trổ hoa đúng dịp Tết Nguyên đán khiến mình trở nên vui vẻ”, ông Hồng nói.
Đứng giữa vườn đào Bắc lớn bậc nhất ở Đà Lạt, khi được hỏi về bí quyết để đào Bắc có thể sống khỏe ở cao nguyên phía Nam và trổ hoa đúng dịp Tết, ông Hồng cười: “Nhiều người nói bí quyết nghe thấy lớn lao lắm. Thực ra, dù cây hoa đào lớn lên ở miền Bắc hay miền Nam đều cần mùa lạnh để ấp nụ và trổ hoa. May thay, mùa lạnh sâu ở miền Bắc và nắng lạnh ở Đà Lạt lại khá trùng nhau. Do đó, nếu chăm sóc cây để ý đến đặc tính khí hậu thì đã thành công 50% rồi. Tôi lớn lên ở Hà Nội nên tôi hiểu được sự giống và khác của khí hậu mùa đông Hà Nội và Đà Lạt”.
Người chơi đào ở Đà Lạt khá nhiều, tuy nhiên những người sở hữu đào Bắc được trồng và cho ra hoa ở Đà Lạt thì không nhiều. Một số người chọn việc mua nguyên chậu đào từ Hà Nội để chơi trong Tết và bỏ đi sau đó.
“Để có những cây đào Bắc có khai sinh ở Đà Lạt, tôi phải chuyển cây con từ Hà Nội vào trồng. Cây con lớn lên và quen với thổ nhưỡng Đà Lạt nên khỏe như cây ghép nhưng có giá trị hơn. Đây cũng là bí quyết, nhưng theo đuổi bí quyết kiểu như tôi đang làm thì tốn thời gian lắm”, ông Hồng chia sẻ.
Di thực và thuần dưỡng các loại đào có xuất xứ miền Bắc là quá trình tốn nhiều thời gian. Do đó cách nay hơn 20 năm, nếu muốn có một cây đào Bắc chưng Tết, người Đà Lạt phải tốn rất nhiều tiền.
Ông Hồng thoăn thoắt trỉa lá bằng cả hai tay. Ông cười bảo: “Nhờ mẹ tôi dạy tôi mới làm được hai tay. Mấy cháu làm vườn cùng tôi không thể nào bì được với tôi về cái khoản này”.
Nghiên cứu tạo giống đào riêng
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc trồng nhiều giống đào khác nhau sẽ làm mất tính kinh tế của khu vườn, ông Hồng bảo: “Tôi trồng đào trước tiên là thỏa mãn sở thích của mình. Mỗi cây đào có một câu chuyện riêng để mình lắng nghe nó.
Trồng kiểu tôi thì không kinh tế như các nhà vườn ở ngoài Bắc, nhưng nó làm niềm vui. Với lại, tôi có ấp ủ tạo ra giống đào riêng có dấu ấn của mình nên tôi cần nhiều giống đào để nghiên cứu”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận