Cây hoa đào theo chân người miền Bắc di cư lên Tây Nguyên để mỗi độ xuân về bung nở rực rỡ trên đất trời cao nguyên nắng gió.
Cây hoa đào "di cư" theo dấu chân người xa xứ
Trong khu vườn rộng tụt sâu cuối hẻm 729 Phạm Văn Đồng, phường Yên Thế (TP Pleiku, Gia Lai), hàng trăm gốc đào đang chờ ngày khoe sắc.
Cành đào đã bước vào thời kỳ rụng lá, nhú ra nhiều nụ hoa nhỏ, lác đác những cánh hoa đầu tiên đã bung sắc hồng dưới nắng vàng rực rỡ của đất trời Tây Nguyên.
Vườn đào hồng thắm trên cao nguyên đất đỏ thật sự là cảnh tượng lạ hiếm thấy, thu hút không ít chàng trai cô gái xúng xính váy áo tìm tới tham quan, chụp ảnh ngày xuân.
Cần mẫn bấm từng đọt lá non cho cây bung nở đúng Tết, vợ chồng bà Nguyễn Thị Thỏa và ông Lê Văn Nghiêm khấp khởi mừng vui trong lòng, chắc mẩm năm nay lại bội thu tiền bán đào Tết.
Từ quê nhà Gia Lộc, Hải Dương, vợ chồng bà Thỏa di cư lên vùng đất mới đã mấy chục năm, sinh con đẻ cái và gắn đời mình với cây cà phê. Gần chục năm trước, khi cây cà phê cho thu nhập bấp bênh trong khi tuổi già, sức không còn khỏe, bà bàn với chồng bán rẫy, về mảnh vườn nhỏ trồng rau, nuôi gà.
Ý nghĩ trồng hoa đào trên đất cao nguyên chợt nảy lên trong đầu bà những ngày về thăm quê dịp Tết. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ người em ruột chuyên trồng đào ở Gia Lộc, Hải Dương, hai vợ chồng bắt đầu mang cây giống về vườn nhà tập trồng đào.
Sau ba chìm bảy nổi, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, cây đào Bắc dần chấp nhận và cắm rễ nơi miền đất đỏ. Qua nhiều năm, vườn đào nhân rộng từ vài chục gốc lên 400-500 gốc như bây giờ.
Trên mảnh vườn nhà, những giống đào đẹp từ quê nhà Hải Dương và Thái Bình, Hà Nội như bích đào, hồng phấn, hồng phai… được vợ chồng bà sưu tập mang về ươm cấy phát triển khá tốt, không khác gì ngoài Bắc.
Nét xuân quê hương trên vùng đất mới
Mấy năm gắn bó với hoa đào, ông Nghiêm bảo rằng cây đào cũng dễ hợp đất Tây Nguyên. Mùa cuối năm vùng này có nắng ấm, nhiệt độ ban đêm không quá lạnh nên cây không bị chai, bông bung nở tốt.
Đã thế đất đai màu mỡ, cánh hoa bung to và lên màu đỏ thắm đôi lúc đẹp hơn cả hàng đánh từ ngoài Bắc vào.
Dù làm ra hàng độc, giá bán tại vườn không chênh nhiều so với đào nhập từ Bắc. Ông Nghiêm bảo hàng trồng ra chủ yếu hướng tới phân khúc bình dân, phục vụ rộng rãi bà con, giá bán mỗi gốc đào từ vài trăm ngàn đồng tới khoảng 2,5 triệu đồng, hiếm khi cao hơn.
Khách mua ngoài các gia đình gốc miền Bắc còn có các cơ quan, đơn vị nhà nước và doanh nghiệp trong ngoài tỉnh.
Tại vùng này, vợ chồng bà Thỏa ông Nghiêm không phải hộ duy nhất trồng đào, nhưng so sánh về quy mô và độ đẹp không ai vượt qua được.
Bà Thỏa cho hay ngoài việc đầu tư chăm sóc tốt còn có bí quyết riêng rút ra sau nhiều lần thất bại để chăm cây đào thật đẹp, nở hoa đúng Tết. Với kinh nghiệm sẵn có, ngoài trồng để bán, vợ chồng bà Thỏa còn nhận chăm sóc các gốc đào thế giá trị cao người dân tin tưởng gửi vườn.
Những ngày giáp Tết, từ 20 tháng Chạp trở đi, vườn đào chộn rộn người tới tìm mua lẫn tham quan chụp ảnh khiến khu vườn ngập tràn không khí Tết.
Dù mệt bở hơi tai, nhiều năm bu theo cây đào không kịp chăm lo Tết cho gia đình, nhưng cả nhà vẫn vui và tự hào khi mang tới cho mọi người chút nét xuân miền Bắc trên miền đất mới.
Hai vợ chồng chia sẻ đang ươm thêm 1.000 gốc và chuẩn bị thuê đất mở rộng vườn đào phục vụ nhu cầu vui Tết của bà con trong vùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận