Khám bệnh từ xa được đẩy mạnh hơn sau đại dịch COVID-19 - Ảnh: D.LINH
Tháng 6-2020 vừa qua, Bộ Y tế đã phê duyệt triển khai đề án “Khám chữa bệnh từ xa, giai đoạn 2020-2025”, với mục tiêu tất cả các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn liên tục và tất cả người dân đều được hỗ trợ y tế thường xuyên.
Những bước “đệm” ban đầu khá thuận lợi khi áp dụng triển khai ở các bệnh viện đầu ngành. Tuy nhiên, việc triển khai vẫn chưa thật sự toàn diện, cùng với đó là việc người dân vẫn chưa được cung cấp đủ thông tin để tin tưởng và chọn lựa việc khám bệnh “online”.
Lợi ích thực tiễn
Theo nghiên cứu, cứ có 100 bệnh nhân đến bệnh viện, thì chỉ có 14 người thực sự cần nhập viện, còn lại chỉ kiểm tra sức khỏe và lấy thuốc định kỳ rồi về. Người bệnh nào vào bệnh viện cũng mất từ 2 tiếng trở lên. Trong khi đó, cần thêm 1 người thân đưa đi khám bệnh, thời gian tối thiểu 2-4 tiếng, chưa kể về mặt kinh phí.
Từ đấy có thể thấy, không phải trường hợp nào cũng cần đến trực tiếp cơ sở y tế, khi dịch bệnh vấn đề này càng rõ. Không cần tiếp xúc khi không có vấn đề cần thiết vì nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ rất cao, chính vì lẽ đó việc khám bệnh từ xa, và chăm sóc sức khỏe tại nhà cho bệnh nhân trở thành xu thế cần đẩy mạnh sau dịch.
Hiện tại, nền kinh tế của nước ta đã phát triển hơn trước rất nhiều, việc tiếp cận công nghệ thông tin không còn quá khó khăn. Người dân vẫn có thể kết nối trực tuyến với bác sĩ, nếu bệnh nhân nặng mới cần đưa đi bệnh viện.
Đề án này triển khai lâu, nhưng đến nay quy mô phát triển vẫn rất hạn chế, đa phần chỉ có ở các bệnh viện lớn. Khi dịch bệnh đến, mới thật sự nhìn nhận tầm quan trọng của khám chữa bệnh từ xa.
Thứ nhất bệnh nhân không tốn thời gian, tiền bạc; thứ hai bệnh viện tiết kiệm nhân lực, giảm nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện.
Nhân rộng mô hình
Quan điểm của người bệnh là một trong những trở ngại của việc phát triển mô hình khám - chữa bệnh từ xa. Nhiều người nghĩ rằng khám bệnh trực tiếp tại cơ sở y tế sẽ tốt và hiệu quả hơn việc chẩn đoán trực tuyến.
Tuy nhiên, họ không hiểu được khi vào bệnh viện nguy cơ nhiễm trùng cao, không chỉ có nguy cơ về COVID-19 mà còn rất nhiều loại vi trùng khác có thể lây nhiễm ở môi trường bệnh viện.
Chi phí của việc khám - chữa bệnh từ xa cũng cần rõ ràng, minh bạch và phù hợp. Ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bảo hiểm y tế chỉ áp dụng cho những bệnh nhân cũ khám trực tuyến, hoặc những bệnh nhân đã đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh rồi. Còn đối với những người không có bảo hiểm phải áp dụng mức phí khác.
Lồng ghép thăm khám trực tiếp và khám chữa bệnh từ xa, nên linh hoạt từng trường hợp cụ thể. Khi khám một bệnh nhân tại bệnh viện, họ khỏe và ra viện thường bác sĩ sẽ hẹn tái khám.
Như vậy sẽ có những trường hợp họ cần tái khám để siêu âm, chụp hình lại, nhưng cũng có trường hợp chỉ xem tình trạng vết thương. Các trường hợp ấy nên định hướng cho bệnh nhân liên lạc điều phối tái khám từ xa, đấy là vai trò của sự kết hợp.
Cần thiết có thể thành lập tổ, đơn vị khám bệnh từ xa kết hợp triển khai khám bệnh tại nhà. Chăm sóc bệnh nhân tại nhà bao gồm hướng dẫn, tư vấn, thăm khám bình thường cho người dân hằng tháng, mang tính chất thường niên. Khi lồng ghép 2 mô hình này không chỉ mang lại lợi ích cho một bên, mà mang lợi ích cho 3 bên, người dân, bệnh viện và y bác sĩ.
Đối với những bệnh viện cơ sở, quận huyện như Bệnh viện Lê Văn Thịnh, việc khám bệnh từ xa xuất phát từ thăm khám bệnh nhân tại nhà phát triển lên. Từ 4-5 năm qua chúng tôi đã triển khai lên mô hình chăm sóc bệnh nhân tại nhà, lúc đó ở TP.HCM, Hà Nội và các nơi khác y học gia đình cũng đã phát triển.
Hiện nay, việc đăng ký khám bệnh cũng dễ dàng hơn với công nghệ thông tin, đăng ký trực tuyến, vì vậy nên có một bộ phận y tế chuyên tiếp nhận các trường hợp đăng ký khám để sàng lọc. Bộ phận đó sẽ tiếp nhận và phân loại tình trạng bệnh để nhận định có thể khám online hay trực tiếp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận