15/07/2021 10:03 GMT+7

Khám bệnh, tư vấn từ xa trong mùa dịch ra sao?

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Trong những ngày dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc phải đến bệnh viện làm nhiều người lo ngại, nếu bệnh không quá nặng người bệnh sẽ muốn được khám bệnh từ xa.

Khám bệnh, tư vấn từ xa trong mùa dịch ra sao? - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP.HCM đang tư vấn từ xa cho bệnh nhân - Ảnh: T.ANH

Người dân sẽ được khám bệnh, tư vấn từ xa như thế nào?

Người bệnh kết nối với bác sĩ bằng Zalo, Viber...

Chị T.T.L., 45 tuổi, ngụ ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM) lo lắng khi con gái 17 tuổi của chị bị nổi bóng nước ở tay mấy ngày nay, hiện cháu thấy rất rát. Cách đây một tuần, con chị T.L. thấy chỗ đó hơi ngứa nên lấy tay gãi nhiều, chỗ da đó bị bung ra chảy máu, sau đó có bóng nước. Giờ TP.HCM đang giãn cách, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, gia đình chị rất ngại đưa con đến bệnh viện.

Nhờ người quen, chị L. đã tìm được một bác sĩ chuyên khoa da liễu để tư vấn, khám bệnh từ xa cho con chị. Qua Zalo, chị kể hết quá trình diễn tiến bệnh, chụp ảnh bệnh nhân cho bác sĩ xem chỗ da con chị bị nổi bóng nước. 

Sau đó, bác sĩ chẩn đoán con chị bị nhiễm trùng da bóng nước. Bác sĩ cho loại thuốc thoa và uống cho con chị, dặn ba ngày sau liên lạc với bác sĩ để bác sĩ xem lại bệnh cho con chị. Chị T.L. thở phào vì con chị không phải đến bệnh viện khám.

Theo tìm hiểu của PV báo Tuổi Trẻ, dịch vụ khám bệnh từ xa hiện chưa được bệnh viện nào chính thức áp dụng mà chỉ có dịch vụ tư vấn từ xa hoặc các bệnh viện khuyến khích các bác sĩ tư vấn từ xa cho bệnh nhân.

Để phục vụ người bệnh ở xa, không thể đến bệnh viện khám trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngay từ đầu tháng 6 Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã triển khai dịch vụ tư vấn trực tuyến miễn phí. Hiện có rất nhiều người bệnh đã kết nối Zalo gọi đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn.

Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã tổ chức tư vấn từ xa qua kênh Zalo Bệnh viện Da liễu TP.HCM tương ứng với số điện thoại 0908051200. Người bệnh muốn được tư vấn sẽ tiến hành kết nối qua Zalo với Bệnh viện Da liễu TP.HCM, sau đó tiến hành cuộc gọi video.

Bà Nguyễn Thị Phan Thúy, phó giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, cho biết: "Dịch vụ tư vấn trực tuyến do các bác sĩ nhiều kinh nghiệm là lãnh đạo các khoa/phòng đảm nhiệm. Tùy theo tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cách tự chăm sóc hoặc hướng dẫn sử dụng những thuốc không kê toa, sản phẩm bôi tại chỗ.

Trường hợp phải sử dụng các thuốc kê toa, người bệnh sẽ được hướng dẫn đến khám tại các cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa da liễu hoặc vào Bệnh viện Da liễu TP.HCM khi cần thiết".

Còn phía Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, BS CKII Võ Hòa Khánh, trưởng phòng quản lý chất lượng bệnh viện, cho biết hiện bệnh viện chưa triển khai tư vấn cho bệnh nhân từ xa nhưng bệnh viện khuyến khích các bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân của mình, hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc, tập vật lý trị liệu. 

Khi có bệnh nhân gọi điện thoại qua đường dây nóng hay liên hệ qua fanpage bệnh viện, bác sĩ sẽ vui vẻ tư vấn. Bệnh viện cũng khuyến khích bệnh nhân ở đâu thì ở yên đó, chỉ lên tuyến trên nếu tuyến dưới không điều trị được. Với các bệnh chưa cần thiết thì hãy đợi đến khi dịch bệnh ổn định hơn.

Giải pháp tình thế

ThS Nguyễn Đình Huấn, chuyên khoa hô hấp nhi - da liễu nhi và dị ứng nhi, cho biết trong những ngày dịch bệnh này bác sĩ cũng khám bệnh từ xa cho bệnh nhân qua Zalo, Viber... Việc khám bệnh từ xa trong mùa dịch sẽ giúp ích cho bệnh nhân bị hạn chế di chuyển trong mùa dịch, nhất là bệnh da liễu, dị ứng nhi.

Các bậc cha mẹ có thể kết nối với bác sĩ qua Zalo, Viber... Bác sĩ sẽ nhìn hình ảnh, trao đổi phân tích với ba mẹ bệnh nhân. Qua khám bệnh từ xa online, bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân cần khám trực tiếp hay cần nhập viện hay chỉ cần xử trí bằng những thuốc thông thường đơn giản ban đầu.

Theo bác sĩ Huấn, khám bệnh trực tiếp vẫn là tốt nhất, tuy nhiên "khám bệnh từ xa" trong mùa dịch này là một bước đầu để bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân lựa chọn để có thể nắm tình hình bệnh ban đầu, sau đó sẽ có bước xử trí tiếp theo... 

Có những trường hợp nhẹ, bác sĩ có thể cho thuốc để bệnh nhân khỏi phải đến bệnh viện. Ví dụ một bệnh nhi mắc bệnh hô hấp, nếu điều kiện bệnh nhi đang ở xa, ngại di chuyển trong mùa dịch thì người nhà bệnh nhi có thể kể tình trạng bệnh, quay video lại nhịp thở, cách thở và âm thanh tiếng ho của bệnh nhi, sau đó trao đổi với bác sĩ.

Một số bác sĩ khác cho rằng những chuyên khoa như da liễu, dị ứng... có thể dễ khám bệnh từ xa chứ nhiều chuyên khoa khác như tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường... thì khó có thể khám bệnh từ xa được.

Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ, trưởng phòng kế hoạch Bệnh viện Thống Nhất, cho biết trong mùa dịch này nhiều người bệnh lo lắng sức khỏe nên cũng gọi điện đến bệnh viện hoặc trao đổi trên website bệnh viện hoặc gửi email đến bệnh viện. Tổ công tác xã hội đã tiếp nhận tất cả những thông tin, thắc mắc của người bệnh.

Những thắc mắc nào tổ công tác xã hội trả lời được sẽ trả lời ngay cho người bệnh, còn không họ sẽ ghi lại số điện thoại của người bệnh, sau đó nhận tư vấn từ bác sĩ để trả lời lại cho người bệnh.

Hiện nay, được sự cho phép của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, những người bệnh mắc bệnh mãn tính, có tình trạng bệnh ổn định sẽ được các bác sĩ kê toa thuốc không quá 3 tháng, nên các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính thường sẽ được ở nhà lâu hơn. 

Người bệnh chỉ đến bệnh viện điều trị khi mắc các bệnh lý nặng, các trường hợp phẫu thuật cấp cứu, bị tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động...

Bệnh viện Ung bướu vẫn khám bệnh tại nhà trong mùa dịch

Ông Diệp Bảo Tuấn, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết trong mùa dịch này số người đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP đã giảm rất nhiều. Hiện bệnh nhân nội trú chỉ có khoảng 150 bệnh nhân, số bệnh nhân đến khám ngoại trú hiện chỉ còn hơn 300 bệnh nhân/ngày.

Bệnh viện Ung bướu TP đã gửi tin nhắn đến khoảng 20.000 bệnh nhân mà bệnh viện đang quản lý. Nội dung của tin nhắn này đã yêu cầu bệnh nhân chỉ đến Bệnh viện Ung bướu TP nếu thật sự cần thiết. Ngoài ra, bệnh viện cũng khuyến cáo các bác sĩ khi hẹn bệnh cũng hẹn "giãn cách" ra. Thay vì trước đây cho toa thuốc một tháng thì nay các bác sĩ đã cho bệnh nhân 3 tháng thuốc.

Tuy nhiên, bác sĩ lưu ý bệnh nhân có những triệu chứng bất thường, trở nặng đều phải liên lạc với số điện thoại của mỗi khoa. Bệnh viện vẫn sẵn sàng điều trị cho những bệnh nhân thật sự cần thiết. Bệnh viện vẫn tổ chức khám chữa bệnh tại nhà cho bệnh nhân.

Khám online, khám tận nhà

kham benh

Bác sĩ Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng khám bệnh tận nhà cho một bệnh nhân - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nhiều bệnh viện tại TP Đà Nẵng đã triển khai các ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa cho bệnh nhân.

Trong đợt dịch này, Bệnh viện 199 đã phát triển mạnh các ứng dụng liên quan đến khám bệnh trực tuyến, đặt lịch khám qua mạng. Ông Trương Xuân Hùng, phó giám đốc Bệnh viện 199, cho biết trừ những trường hợp bất khả kháng, việc hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp là cần thiết, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương.

Hiện bệnh viện đã triển khai dịch vụ đặt lịch và khám bệnh qua ứng dụng iSofHcare. Với ứng dụng này, người bệnh vẫn không cần đến trực tiếp tại bệnh viện vẫn được các bác sĩ hỗ trợ điều trị hiệu quả. Bác sĩ Hùng cho biết ứng dụng này rất phù hợp điều trị các bệnh lý mãn tính.

Tại Đà Nẵng vừa qua cũng xảy ra 2 trường hợp người bệnh chần chừ tới viện dẫn đến nguy kịch. Trong đó có trường hợp người bệnh vì lo sợ COVID nên tự điều trị ở nhà mà dẫn đến tử vong vì biến chứng.

Trước tình trạng này, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình cũng vừa triển khai dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà để vừa kịp thời điều trị bệnh vừa đảm bảo giãn cách trong bệnh viện, giảm thiểu tình trạng lây nhiễm chéo cho bệnh nhân.

Ông Lê Hữu Dũng, phó ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng, cho biết trong bối cảnh hiện tại, vấn đề an toàn của bệnh nhân được đặt lên hàng đầu. Để triển khai dịch vụ này, ngoài việc chuẩn bị trang thiết bị phục vụ, các bác sĩ khám bệnh phải được lấy mẫu xét nghiệm trước khi tiếp xúc bệnh nhân.

Ngoài việc trang bị mọi trang phục phòng hộ chuẩn, trong quá trình này, nhân viên y tế hỗ trợ khai báo y tế online hằng ngày qua app của bệnh viện và kiểm tra thân nhiệt trước mỗi lần điều trị. Sau mỗi lần thực hiện, tất cả công cụ, phương tiện đều được khử khuẩn, sát trùng để đảm bảo an toàn, giảm thiểu nguy cơ cho bệnh nhân.

"Việc làm này đẩy chi phí điều trị lên rất cao, bệnh viện khó có thể có lợi nhuận nếu giữ nguyên mức giá tương đương giá tại viện. Nhưng vì nhu cầu bức thiết của người dân và nhằm góp phần đẩy lùi sớm dịch bệnh, bệnh viện vẫn quyết tâm triển khai để phục vụ cho cộng đồng" - ông Lê Hữu Dũng, phó ban chỉ đạo phòng chống dịch Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng, cho biết.

Cũng theo bác sĩ Dũng, quy trình khám chữa tại nhà phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh.

Hiện bệnh viện này còn triển khai dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm, phục hồi chức năng, chăm sóc cho mẹ và bé tận nhà. Ngoài ra còn có dịch vụ hỗ trợ trả kết quả và giao thuốc tận nhà. "Chúng tôi muốn hạn chế tối đa việc tiếp xúc, giảm thiểu thời gian chờ đợi khi đến bệnh viện cho bệnh nhân và thân nhân" - bác sĩ Dũng nói.

TRƯỜNG TRUNG

HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Đi khám bệnh buộc phải test nhanh COVID-19? HỎI - ĐÁP về dịch COVID-19: Đi khám bệnh buộc phải test nhanh COVID-19?

TTO - Người đến bệnh viện khám định kỳ phải chi tiền test nhanh COVID-19, như vậy đúng hay sai? Nhiều người muốn xét nghiệm dịch vụ theo yêu cầu hoặc cần giấy xác nhận âm tính để đi nơi khác... lại không biết có thể xét nghiệm ở đâu.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên