Robot di động tự động giúp xử lý các công việc trong kho hàng - Ảnh: ERICSSON
Ông Denis Brunetti - chủ tịch công ty mạng và viễn thông Ericsson phụ trách Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào - gửi Tuổi Trẻ Online bài viết về vai trò của Ericsson trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam với 4G và 5G.
"Ericsson là đối tác chiến lược của Việt Nam từ năm 1993. Chúng tôi giới thiệu mọi thế hệ mạng di động cho Việt Nam, từ 2G, 3G, 4G cho đến các cuộc thử nghiệm 5G hiện tại. Chúng tôi ủng hộ tầm nhìn và sự lãnh đạo chiến lược của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy đón nhận công nghiệp 4.0 trên khắp Việt Nam.
Làn sóng phát triển kinh tế - xã hội tiếp theo của Việt Nam sẽ được tạo ra thông qua đổi mới, khoa học và công nghệ, được thúc đẩy bởi nền kinh tế số (digital economy).
Công nghiệp 4.0 phải đồng hành kỹ thuật số
Một thành phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là kinh tế số, sẽ đóng góp 25% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Nó cũng sẽ làm tăng cao hơn nữa năng suất trong tất cả ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam.
Nền kinh tế số mới sẽ được tạo ra nhờ các tiến bộ khoa học và công nghệ cũng như đổi mới, đặc biệt trong các lĩnh vực như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning), tự động hóa, điện toán đám mây (cloud computing), chuỗi khối (blockchain) và Internet vạn vật.
Kiểm tra chất lượng sản xuất bằng ứng dụng AR (thực tế tăng cường) - Ảnh: ERICSSON
Với quy mô toàn cầu và chuyên môn của mình, chúng tôi mong muốn tiếp tục hành trình hỗ trợ Việt Nam trong việc mở rộng mạng 4G và 5G. Như chúng ta đã học được từ đại dịch COVID-19 gần đây, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số "Mobile Broadband" (Băng thông rộng di động), chẳng hạn 4G và 5G, là cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia cho phép mọi người học tập và làm việc từ xa ở bất kỳ nơi đâu.
Thật vậy, 4G và 5G cho phép Việt Nam khai thác toàn bộ tiềm năng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - công nghiệp 4.0 - và sẽ là nền tảng để Việt Nam có thể phát triển thêm nữa trên hành trình chuyển đổi số và hiện thực hóa tầm nhìn của Chính phủ.
Các ứng dụng chạy trên 5G cũng sẽ tạo ra giá trị lớn cho xã hội, người tiêu dùng và ngành công nghiệp. Tiêu chuẩn 5G mới sẽ mở đường cho việc tăng đầu tư vào năng lực sản xuất thông minh trong nước, hỗ trợ tầm nhìn của Chính phủ và hỗ trợ mục tiêu thúc đẩy tốc độ tăng trưởng bền vững 7% mỗi năm vào năm 2025.
Các robot công nghiệp trong sản xuất ô tô tự động hóa - Ảnh: ERICSSON
Sản xuất, vận tải/hậu cần, năng lượng/các tiện ích, y tế và giáo dục là những lĩnh vực mang lại cơ hội to lớn đối cho 5G tại Việt Nam. Cùng với sáng kiến của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam, việc đầu tư của Chính phủ vào phát triển bền vững hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia cũng sẽ đóng góp đáng kể vào năng lực đổi mới của đất nước và thiết lập một nền kinh tế số thịnh vượng, với 5G là nền tảng tạo điều kiện.
Ericsson cũng sẽ tận dụng kinh nghiệm triển khai 4G và 5G trên toàn cầu cùng các tình huống sử dụng từ những thị trường khác để mang lại lợi ích cho Việt Nam. Một ví dụ từ lĩnh vực sản xuất số hóa bằng công nghệ di động là Nhà máy thông minh 5G (5G Smart Factory) của chúng tôi ở Lewisville, bang Texas của Mỹ, đã được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công nhận là đơn vị dẫn đầu toàn cầu trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR).
WEF đã trao cho địa điểm này danh hiệu danh giá "Ngọn hải đăng toàn cầu" để ghi nhận việc Ericsson triển khai công nghệ thế hệ tiếp theo tại địa điểm này và tác động của nó, gồm sản lượng cải thiện ấn tượng 2,2 lần mỗi nhân viên khi so sánh với một địa điểm tương tự không có cải tiến 4IR và tự động hóa.
Các giải pháp đã được thiết kế để giải quyết những thách thức trên nhiều lĩnh vực khác nhau và tạo ra tác động kinh doanh rõ ràng và đáng kể, bao gồm giảm chi phí, cải thiện thời gian hoạt động, cải thiện chất lượng và hơn thế nữa.
Ở đây, mọi thứ đều được kết nối. Kết nối 5G an toàn của chúng tôi tạo điều kiện cho các hoạt động nhanh và sản xuất linh hoạt. Điều này đạt được thông qua năng lực tự động, hậu cần có sự kết nối, lắp ráp tự động, đóng gói, xử lý sản phẩm cũng như việc sử dụng xe tự động...
5G dành cho Việt Nam
Dùng thực tế tăng cường (AR) giúp kiểm tra chất lượng hiệu quả
Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thông minh của khu vực và toàn cầu. Chúng tôi kỳ vọng hơn 2/3 nhà sản xuất toàn cầu sẽ chuyển đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2025, trong đó Việt Nam rõ ràng sẽ thu hút rất nhiều trong số những cơ hội sản xuất này.
Tại Ericsson, chúng tôi cũng đang hướng tới việc tận dụng hệ sinh thái linh kiện đang phát triển tại Việt Nam để đáp ứng các yêu cầu sản xuất của chúng tôi trên toàn cầu, tích hợp các nhà cung cấp địa phương vào chuỗi cung ứng toàn cầu của chúng tôi.
Để duy trì tính cạnh tranh, tạo ra trải nghiệm và dịch vụ tốt hơn cũng như tăng hiệu quả và năng suất, đồng thời đạt được những mục tiêu bền vững, các doanh nghiệp sẽ ngày càng đòi hỏi cần có kết nối 5G - vốn mang tính toàn cầu, đáng tin cậy và an toàn.
Dựa trên các nghiên cứu toàn cầu của mình, chúng tôi nhận thấy rõ ràng số hóa là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Những khả năng mà Internet vạn vật và 5G tạo ra cho các doanh nghiệp sẽ giúp họ đi nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu của thế giới mới, đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và toàn diện của đất nước.
Bằng cách đưa ra quyết định chiến lược một cách khôn ngoan, đó là tập trung vào khoa học, công nghệ, đổi mới và đón đầu việc áp dụng nhanh chóng công nghiệp 4.0 thông qua các khả năng 4G và 5G, Việt Nam đang trên đường xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) công nghệ cao, giúp thúc đẩy làn sóng phát triển kinh tế - xã hội bền vững với môi trường và toàn diện trên cả nước".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận