
Hình ảnh ổ điện bị bịt kín tại The Coffee House gây nhiều ý kiến trái chiều nhiều ngày qua - Ảnh: NHẬT XUÂN
Những năm gần đây, quán cà phê dần trở thành "văn phòng di động", "góc học tập", thay vì chỉ để gặp gỡ hay giải khát.
Không gian thoáng đãng, WiFi miễn phí và bầu không khí dễ chịu đã biến nhiều quán thành nơi lý tưởng để học tập, làm việc của nhiều người. Tuy nhiên thói quen "cắm rễ" cả ngày chỉ với một ly nước đang khiến không ít chủ quán rơi vào thế khó.
Chủ quán 'khóc thét'
Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng bài "Bị tố bịt kín ổ điện để đuổi khách ngồi lâu, The Coffee House nói 'đang điều chỉnh", nhiều độc giả đã chia sẻ trải nghiệm thực tế cũng như quan điểm cá nhân xoay quanh vấn đề này.
Một bạn đọc có tên Tư Cà Mau cho hay từng chứng kiến nhiều quán cà phê có không gian đẹp bị "chiếm đóng" bởi nhóm nhân viên bảo hiểm, bất động sản ngồi từ sáng đến chiều, vừa họp vừa chào bán sản phẩm.
Ngoài ra còn có những khách lẻ chiếm nguyên 1 bàn dành cho 4 người, vô bày biện nào là ba lô, laptop, áo gió... hết cả bàn để thiết kế sản phẩm bán online...
Độc giả Nguyễn Tuấn Lộc đề xuất biện pháp cứng rắn: "Ai dùng ổ điện thì phụ thu 50.000 đồng/giờ, đóng trước rồi ký xác nhận. Đến giờ thứ hai thì thu tiếp, vẹn cả đôi đường".
Ở góc độ người kinh doanh, có chủ quán cho biết họ lâm vào thế "dở khóc dở cười" khi đối diện với tình huống khách "ngồi dai mà xài ít".
Chị Linh - kinh doanh quán cà phê tại nhà - kể lại có nhóm nhân viên bảo hiểm đến quán từ 8h sáng đến 5h chiều mỗi ngày. "Trưởng nhóm gọi một ly cà phê. Còn lại thì chỉ dùng bình trà đá, xin châm nước liên tục. Có người đến chào hàng, có người tư vấn, người thì làm việc trên laptop. Xe dựng chật cả cửa, đèn và quạt chạy suốt ngày phục vụ", chị ngán ngẩm.
Trên các hội nhóm, nhiều ý kiến hiến kế cho chủ quán các biện pháp "mềm mỏng" hơn để "đuổi khéo" khách ngồi dai như giới hạn kết nối Wifi, cắt điện ổ cắm hoặc ra quy định phụ thu theo giờ…
Bạn đọc Quang Phú - chủ một quán cà phê - kể kinh nghiệm "đuổi khéo" khách: Mở lui mở tới bài hát của Trịnh Công Sơn có câu "Thôi về đi, đường trần đâu có gì..." hay bài hát của Nguyễn Ngọc Thiện có câu "Thôi em hãy về...".
Cân bằng lợi nhuận và trải nghiệm khách sao cho khéo?
Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn nhóm khách "ngồi lì" như gánh nặng chi phí. Anh Nguyễn Minh, chủ một quán cà phê tại quận 10 (TP.HCM), nhìn nhận: "Khách ngồi lâu chưa hẳn là điều tiêu cực. Nếu chăm sóc tốt, họ có thể trở thành khách trung thành, thậm chí tạo hiệu ứng "chim mồi" khiến quán lúc nào cũng có cảm giác đông khách".
Anh cũng nhấn mạnh yếu tố không gian và trải nghiệm cá nhân hóa đang ngày càng đóng vai trò quan trọng. Nhiều người chọn quán cà phê không chỉ vì đồ uống, mà vì không gian, âm nhạc, ánh sáng - những thứ chạm đúng cảm xúc và cá tính.
"Khách trả tiền cho ly cà phê là đang trả một phần cho không gian, dịch vụ và cảm xúc tại quán. Nếu quán không tạo được trải nghiệm đủ tốt khách cũng sẽ không quay lại", anh Minh đúc kết.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Duy Thanh - giám đốc Công ty tư vấn FnB Director và Trường đào tạo Horeca Business School - nhận định trong bối cảnh mô hình làm việc tự do ngày càng phổ biến, việc khách hàng chọn quán cà phê làm "văn phòng di động" là xu hướng tất yếu và không nên bị coi là chi phí tiêu hao.
Thay vì hạn chế hoặc gây khó dễ, các quán nên tận dụng, "ứng xử khéo" thông qua việc thiết kế thực đơn hợp lý, bổ sung các món dễ tạo nhu cầu tiêu dùng phát sinh như bánh ngọt, nước đóng chai hoặc các combo theo giờ.
Bên cạnh đó dữ liệu tiêu dùng - nếu được tận dụng hợp lý - hoàn toàn có thể giúp cá nhân hóa trải nghiệm, như gợi ý món dựa trên lịch sử gọi món hoặc ưu đãi khi khách quay lại trong ngày.
Theo ông Thanh, không gian quán nên được thiết kế phục vụ nhiều loại hành vi tiêu dùng: khách ghé mua mang đi, khách trò chuyện ngắn, hoặc khách ngồi làm việc hàng giờ. "Nếu áp dụng duy nhất một mô hình phục vụ, quán có thể bỏ lỡ tiềm năng, vừa tạo áp lực không cần thiết lên hệ thống", ông Thanh phân tích.
"Một thương hiệu không thể vừa mong khách trung thành, vừa ngầm gửi thông điệp rằng "anh đang ngồi quá lâu rồi đấy". Vấn đề không nằm ở thời gian khách ngồi, mà là liệu thương hiệu có biết khai thác giá trị từ hành vi đó hay không", ông Thanh nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận