20/01/2019 08:41 GMT+7

Khắc khoải Hoàng Sa

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Gần 10 năm trước, khi cơ ngơi của huyện đảo Hoàng Sa chỉ là căn phòng nhỏ chứa rất nhiều hiện vật lịch sử nằm trong cơ quan của Sở Nội vụ Đà Nẵng, tôi đã tìm đến đó, đúng dịp tưởng niệm 19-1, ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa.

Khắc khoải Hoàng Sa - Ảnh 1.

Trong căn phòng nhỏ ấy, có những vỏ ốc mang về từ biển Hoàng Sa, có những mô hình chiếc thuyền của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải dong buồm ra khơi từ nhiều thế kỷ trước, có cả những thanh tre và chiếc chiếu - hai hành trang không thể thiếu của những hùng binh Hoàng Sa mang theo để nhỡ mệnh hệ nào thì thân xác ấy cuộn vào manh chiếu, bảy thanh tre ốp lên và thả trôi ra biển.

Nếu may mắn, dòng hải lưu sẽ đưa xác người lính vị quốc vong thân ấy về tận quê nhà của họ - Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn ngày nay). Nếu không may, thân xác ấy sẽ hòa vào biển cả, như bao lớp người đã từng nằm lại như thế.

"Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về".

Người lính đội hùng binh không về, nhưng Hoàng Sa, Trường Sa tồn tại ngạo nghễ giữa trùng dương cuộn trào phong ba bão động.

Hôm qua trên báo Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Tiếng - chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng - đã thống thiết nhắc đến khát vọng làm sao "kéo Hoàng Sa vào đất liền". Hoàng Sa cần được hiện thực với một vùng đất cụ thể - đất ấy là của một vài phường Đà Nẵng được tách ra, hiện thực với dân - dân của những phường ven biển gắn bó mật thiết với Hoàng Sa về lịch sử.

Khi ấy huyện Hoàng Sa sẽ có đất, có dân, sẽ góp phần tích cực và hiệu quả hơn nhiều trong cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa bằng giải pháp hòa bình.

Ba năm trước đúng dịp này, ngày 19-1-2016, khi khởi công xây dựng tượng đài người mẹ Việt cầm cây đèn bão ngóng vọng ra Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn với dòng chữ quanh thân tượng "Hẹn ngày mai gặp lại Hoàng Sa", nhiều người cũng khắc khoải rằng Hoàng Sa chính là một vết thương trên mình Tổ quốc.

Loài ngọc trai ở Biển Đông, mỗi khi mang vết thương, từ vết thương ấy sẽ kết tinh thành viên ngọc quý. Với người dân Việt, mỗi ngày Hoàng Sa còn trong tay ngoại bang là mỗi ngày thấy nhức nhối vết thương Hoàng Sa trong trái tim mình!

Từ vết thương Hoàng Sa, người Việt tự kết tinh trong chính tim mình một viên ngọc quý có tên là lòng yêu nước.

Nhưng những ngày này khi nhìn hình ảnh bảo tàng Hoàng Sa với mặt tiền thiết kế 3D, dưới tác động của ánh sáng sẽ nổi lên hình khối của lá cờ Tổ quốc. Cấu trúc ấy khiến chúng tôi liên tưởng đến hình ảnh của một chiếc thấu kính hội tụ. Trong quang học vật lý, ai cũng biết rằng khi ánh sáng hội tụ qua thấu kính, nó đủ sức biến ánh sáng thành ngọn lửa.

Dù khát vọng có dân - có đất cho Hoàng Sa vẫn đang là mong ước, nhưng từ căn phòng nhỏ làm "huyện lỵ Hoàng Sa" ở đường Yên Bái năm nào, đến Bảo tàng Hoàng Sa kiêu hãnh bên Thái Bình Dương hôm nay, chúng tôi vẫn tin Bảo tàng Hoàng Sa sẽ là một thấu kính hội tụ và lòng yêu nước là ánh sáng để từ thấu kính này nhen lên những tia lửa.

Ngọn lửa ấy sẽ cháy mãi, bất tử và khắc khoải trong lòng người Việt, soi sáng tận một vùng đất dấu yêu giữa trùng dương có tên gọi là Hoàng Sa với niềm ước hẹn cháy bỏng: Ngày mai gặp lại Hoàng Sa!

Kéo Hoàng Sa vào đất liền Kéo Hoàng Sa vào đất liền

TTO -Tấm bản đồ có kẻ một hình chữ nhật màu mực đỏ nối xã Định Hải/quần đảo Hoàng Sa ngoài Biển Đông với xã Hòa Long trong đất liền, nhấn mạnh ý tưởng "kéo Hoàng Sa vào đất liền" trước nhiều học giả trong nước và nước ngoài.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên