22/11/2014 13:26 GMT+7

Khá lên nhờ nuôi "hàng độc" - Kỳ 1: ​Tỉ phú rắn mối

TIẾN LONG - CHÍ QUỐC
TIẾN LONG - CHÍ QUỐC

TT - Một thầy giáo dạy thể dục thể thao ở trường trung học phổ thông nhưng đã tự mày mò, thử nghiệm một nghề “ngoại đạo” và trở thành... tỉ phú.

Ảnh: Tiến Long

Cơ duyên với... rắn mối

Vừa xong tiết dạy ở trường chạy về tới nhà, chiếc xe chưa kịp tắt máy, ống pô còn hừng hừng nóng nhưng điện thoại anh Nguyễn Văn Thuyết (35 tuổi, khóm 10, phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã réo chuông liên hồi. Mối hàng ở các tỉnh liên tục gọi đặt hàng.

Trả lời chưa xong bên này bên kia chuông reng, hai điện thoại cứ thế rung chuông liên tục.

Anh xắn tay áo, mặc nguyên bộ đồ đi dạy chưa kịp thay vào bắt rắn mối. Hơn một giờ sau 2.000 con rắn mối, 30kg dế được chở ra kịp chuyến xe.

“Hai năm trở lại đây, suốt ngày hết điện thoại đặt hàng đến điện thoại hỏi kinh nghiệm nuôi nên công việc cứ thế nối tiếp, ít khi rảnh tay” - anh Thuyết chia sẻ.

Tốt nghiệp Trường đại học Thể dục thể thao TP.HCM, năm 2008 anh Thuyết tiếp tục học thạc sĩ và nghiên cứu sinh ở Trung Quốc ngành giáo dục học, sau đó về dạy ở Trường THPT chuyên Bạc Liêu.

Thấy còn nhiều thời gian rảnh nên anh quyết định tìm hướng nghề mới để kiếm thêm thu nhập, thế là từ bò, dê, đến bìm bịp, nhím... con gì nuôi được là anh nuôi. Nhưng rồi lần lượt trắng tay vì hết bò lở mồm long móng đến dê bệnh, bìm bịp chết.

Nhiều đợt bán chẳng ai mua, anh cho không người dân về làm thịt, có những lúc anh thua lỗ đến mấy chục lượng vàng.

“Hồi đó chạy vạy vay mượn khắp bạn bè, anh em xóm làng lấy chỗ này đắp chỗ kia mới đủ bù lỗ”.

Sẵn có “máu” làm ăn, tình cờ trong một lần lướt web, anh biết được rắn mối là một vị thuốc bổ, có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều nơi mua với giá trên trời mà vẫn tìm không ra hàng.

Tò mò về loài động vật này, anh không ngại hỏi bất cứ ai để được “chỉ giáo”. Có lần anh lang thang gặp một bác bán vé số hỏi thăm về đặc tính rắn mối vì nghĩ “người lớn tuổi chắc hiểu rõ về nó” và không ngờ được “bật mí” một ít kiến thức về điều kiện sống, sinh sản của rắn mối.

“Chưa ai nuôi thì mình thử sức xem sao”, từ ý nghĩ này, một tháng ròng anh xách cần câu đi dọc ruộng vườn, ao chuồng nhà dân xung quanh để câu rắn mối. Ngần ấy thời gian mà câu chỉ được gần 20 con, anh dựng chuồng chưa đầy 100m2 cẩn thận đặt con giống vào nuôi.

Sau một đêm chỉ thấy cái chuồng trống không với một vài cọng thức ăn, còn rắn mối “không cánh mà bay”. Anh tìm hết góc nhà, gầm tủ, nhìn kỹ lại mới biết rắn mối trèo tường chạy.

Từ đó anh nghĩ đến chuyện dán gạch men xung quanh chuồng trại để rắn không thoát ra. Lúc đầu chuồng rắn mối được làm như... chuồng heo với diện tích khoảng 20m2, xây bốn bức tường cao chừng 1m cùng một ít gạch ống cho rắn mối ở.

Hành trình thử nghiệm thức ăn cho rắn mối cũng gian nan chẳng khác gì nghiên cứu khoa học. Ðầu tiên cho ăn tép, cá, cơm trộn trứng thấy rắn không tăng trưởng, anh chuyển sang cho ăn mối cũng không xong. Cuối cùng anh phải nuôi luôn cả dế làm thức ăn cho rắn mối. Số rắn mối bị chết anh thấy phí nên suy nghĩ nuôi con gì để tận dụng nguồn thức ăn.

Do vậy anh nuôi thêm rắn hổ hành, cứ như thế trang trại của anh Thuyết ban đầu nuôi độc một loại rắn mối giờ phát triển nuôi đủ loại.

Khua một đường chổi khắp vườn rau lang, từng đàn rắn mối bị động chui ra nháo nhác, kêu cheng chéc dưới chân. Anh Thuyết chia sẻ bây giờ cơ ngơi chuồng trại đã rộng hơn 3.000m2, lượng con giống lên tới hơn 70.000 con. Bạn hàng từ vùng Tây Bắc đến các tỉnh miền Trung, Tây nguyên ồ ạt tìm về mua rắn mối thương phẩm và làm giống.

Theo những chuyến xe Bắc - Nam, rắn mối thương hiệu anh Thuyết tỏa đi tiêu thụ nhiều nơi, mở rộng mô hình nuôi ra nhiều địa phương trong cả nước. Còn có cả bạn hàng ở Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc...

Mỗi lần anh Thuyết phải giao 1.000-2.000 con rắn mối, hằng tháng trang trại của anh Thuyết bán gần 15.000 con. Ðến nay sau khoảng sáu năm làm nghề, số tiền anh thu được từ bán rắn mối hơn 1 tỉ đồng... Còn rắn hổ hành mỗi năm đẻ hai lứa, tổng cộng được gần 30 con, chỉ ba tháng rắn thương phẩm đã đạt trọng lượng xuất chuồng và mỗi năm thu lời không dưới 700 triệu đồng.

“Có bao nhiêu bán bấy nhiêu. Nhiều ngày sạch hàng không có để bán” - anh Thuyết vui vẻ.

Anh Thuyết nay đã trở thành chuyên gia nuôi rắn mối - Ảnh: Tiến Long

“Chuyên gia” Nguyễn Văn Thuyết

c nhớ lại thời kỳ đầu rắn mối thường bị liệt, mù mắt rồi lăn đùng ra chết. Nuôi mười con sống một. Sục sạo tìm tài liệu về rắn mối hầu như không có, kết quả tìm kiếm “cách nuôi và chữa bệnh cho rắn mối” trên Google chỉ là con số 0 tròn trĩnh.

Bất lực, anh tự mua thuốc về mày mò chữa trị. “Bác sĩ” bất đắc dĩ này lựa một lứa 10 con rắn bị bệnh làm vật thí nghiệm, những toa thuốc đầu rắn uống vào cả mười con nằm chết la liệt mười con. Phải thí nghiệm trên mười con khác. Nhiều đêm anh thức cùng đàn rắn mối để quan sát đặc tính ăn uống, sinh trưởng, thói quen của loài rắn này, chăm như chăm con.

Sau nhiều lứa rắn mối thí mạng cho nghiên cứu, anh cũng tìm ra toa thuốc hữu hiệu chữa bệnh cho rắn. Dần dần nhiều toa thuốc khác cũng được anh khám phá cho riêng mình.

“Mò mẫm nuôi khi chưa ai nuôi nên chỉ có nghề dạy nghề” - anh Thuyết tâm sự.

Nhìn đàn rắn mối lúc nhúc, kêu cheng chéc dưới chân, anh Thuyết “bật mí” với loại động vật ưa sạch sẽ như rắn mối tiên quyết phải làm chuồng bán hoang dã, thông thoáng, tự nhiên, trồng rau nhử côn trùng cho rắn ăn. Nó không ăn thức ăn ôi thiu.

Nuôi rắn mối con là kỳ công, căng thẳng nhất. Tách rắn mối mẹ và bố ra để tiếp tục giao phối, còn rắn con được tách để có chế độ chăm sóc đặc biệt. Những lứa đầu không biết rắn mẹ sinh bao nhiêu và nuốt chững những con rắn khác, tiếc hùi hụi chỉ biết đứng nhìn.

Anh được mời nói chuyện chuyên mục “Gần gũi với nhà nông” trên Ðài phát thanh Bình Dương, hướng dẫn kỹ thuật nuôi đủ các loại từ côn trùng đến rắn mối, rắn hổ hành, dế sâu super... Nhiều người dân đổ về trang trại để học cách nuôi, mỗi lần như vậy anh Thuyết tận tình chỉ bày cặn kẽ từng phương pháp một. Rắn mối có bệnh hay vấn đề gì họ cũng gọi hỏi ngay anh Thuyết.

Anh Thuyết với những con rắn mối do anh nuôi - Ảnh: Tiến Long

Ðể không mất công người dân lặn lội xa xôi, anh lập một lúc ba trang web trangtraichanuoi.com, nuoiranmoi.com.vn, ranmoi.vn để chia sẻ kinh nghiệm. Hằng ngày, anh liên tục cập nhật nhiều bài viết, clip ngắn về cách nuôi.

Có kiến thức, phương pháp gì hay anh Thuyết không giấu mà khoe hết trên trang web nên đọc trang web như một sổ tay mini cho người nuôi.

Trong những đoạn clip đưa lên trang web anh không quên nhắc “đến trang trại sẽ được học miễn phí” rồi đọc to số điện thoại của mình.

__________

Kỳ tới: Nuôi kiến tạo trầm hương

TIẾN LONG - CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên