12/12/2021 10:35 GMT+7

Kêu gọi nhà thuốc tham gia chống dịch

HOÀNG LỘC - THU HIẾN
HOÀNG LỘC - THU HIẾN

TTO - TP.HCM vừa kêu gọi hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 với các hoạt động phù hợp với chức năng của nhà thuốc, nhằm giảm tải cho hệ thống y tế trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp hiện nay.

Kêu gọi nhà thuốc tham gia chống dịch - Ảnh 1.

Nhiều tiệm thuốc tây trên đường Hai Bà Trưng (quận 3, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Các trạm y tế, người dân, chủ các nhà thuốc và cả chuyên gia y tế đều cho rằng việc huy động này đáng lẽ phải được "làm từ lâu", khi mà lực lượng phòng chống dịch đang thiếu, số F0 tăng cao. 

Đặc biệt trong tương lai, khi người dân có thể mua thuốc trị COVID-19 uống như thuốc cảm cúm bình thường thì vai trò của nhà thuốc càng quan trọng.

Đúc rút bài học kinh nghiệm từ các đợt dịch cho thấy việc huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng tham gia công tác phòng chống dịch mang ý nghĩa thiết thực hơn bao giờ hết trong giai đoạn hiện nay, khi mà hầu hết lực lượng chi viện đã rút khỏi TP.

Sở Y tế TP.HCM nêu lý do mời các nhà thuốc chung tay chống dịch

Các nhà thuốc sẵn sàng

Nhà thuốc Phước Bình nằm trên đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) cho biết không chỉ đến bây giờ mà ngay từ đầu mùa dịch, khi nhiều người dân có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19, nhà thuốc đã chủ động hướng dẫn các biện pháp phòng dịch cho họ. 

Nhiều trường hợp F0 cũng đã đến nhà thuốc và được hướng dẫn tỉ mỉ về các thuốc hỗ trợ điều trị và được hướng dẫn lên trạm y tế phường để được theo dõi.

Trong những ngày dịch bệnh căng thẳng, nhà thuốc còn chủ động cập nhật danh sách số điện thoại đường dây nóng, trạm y tế, trạm y tế lưu động... để giúp người nghi nhiễm, các trường hợp F0 liên hệ ngay với các đơn vị này khi cần. 

Không chỉ thế, trong mùa dịch, khi lượng người mua khẩu trang, găng tay, bộ kit xét nghiệm lớn, nhà thuốc cũng tìm mọi nguồn cung để kịp thời đáp ứng nhu cầu cho người dân. 

"Chúng tôi sẵn sàng cùng TP tham gia chống dịch COVID-19, mong được đóng góp công sức cho ngành y tế. Tuy nhiên để áp dụng thực tế, chúng tôi cần phải được tập huấn đầy đủ để sẵn sàng tham gia" - đại diện nhà thuốc này nói.

Trước việc ngành y tế đề xuất huy động nhà thuốc tư nhân tham gia chống dịch, ông Bá - chủ một nhà thuốc ở TP Thủ Đức - cho rằng: "Việc này đáng lẽ phải được làm từ lâu". 

Bởi theo ông Bá, nhà thuốc là nơi gần dân nhất, mặt khác tầm hiểu biết về cách thức phòng dịch và thực hành sử dụng thuốc rất tốt, sẽ giúp ích được rất nhiều cho người dân nếu được huy động chung tay chống dịch. 

"Lâu nay dù không được phân công nhưng với trách nhiệm chung tay vì cộng đồng, chúng tôi vẫn luôn sẵn lòng tư vấn cho khách về thuốc thang, ăn uống, cách ly như thế nào khi có các biểu hiện mắc bệnh và liên hệ trạm y tế ra sao chứ nếu không, chờ đến lúc chuyển nhập viện thì bệnh nhân đã nặng và bệnh viện cũng sẽ quá tải" - ông Bá chia sẻ.

Theo ông Bá, đã có rất nhiều người dân được chính bản thân ông tư vấn, trong đó khá nhiều người là F0. Có người vì điều kiện kinh tế eo hẹp, nhiều khi ông còn biếu cả "túi thuốc". 

Việc tư vấn này, theo ông, cũng là một "kênh" để người không may mắc COVID-19 an tâm cách ly theo dõi. "Hiện đa số người dân đều tiêm đủ 2 mũi vắc xin nên khi mắc COVID-19 có triệu chứng rất nhẹ, ngoài việc báo thông tin lên y tế phường thì tôi khuyên họ cứ bình tĩnh điều trị, có người chỉ 5 ngày sau có thể khỏi bệnh nếu sức đề kháng tốt". 

Ông Bá nói rằng trước mắt ông ủng hộ cách làm của ngành y tế, tuy nhiên còn có chút băn khoăn về cách thức triển khai thực hiện ra sao và giới hạn của nhà thuốc được quy định như thế nào.

Cũng như các nhà thuốc khác, nhà thuốc tư nhân O. nằm trong con hẻm trên đường Điện Biên Phủ (phường 15, quận Bình Thạnh) cho biết đợt dịch vừa qua nhà thuốc thường xuyên hướng dẫn nhiều người F0 đến các trạm y tế, trạm y tế lưu động khi có triệu chứng. 

Nhiều người dân cũng gọi điện đến nhà thuốc để được tư vấn về các loại thuốc hỗ trợ điều trị, hướng dẫn đo nồng độ oxy trong máu, các chế độ ăn uống, sinh hoạt... 

"Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các trạm y tế tham gia hướng dẫn và điều trị cho F0, nhưng chúng tôi cần được hướng dẫn cụ thể hơn, cần phân công rõ trách nhiệm và nhiệm vụ" - đại diện nhà thuốc O. cho biết.

Kêu gọi nhà thuốc tham gia chống dịch - Ảnh 3.

Nguồn: Sở Y tế TP.HCM - Dữ liệu: H.L. - Đồ họa: N.KH.

Giảm bớt gánh nặng cho trạm y tế

Theo Sở Y tế TP.HCM, hiện toàn TP có hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân phân bố rải rác khắp các quận huyện. Các nhà thuốc thường ở các khu vực đông dân cư như gần chợ, khu công nghiệp nên việc huy động nhà thuốc tham gia phòng chống dịch COVID-19 rất cần thiết.

Một dược sĩ cho biết việc huy động các nhà thuốc tư nhân tham gia cùng TP chống dịch trong bối cảnh số F0 đang tăng là rất cần thiết. Việc này sẽ giảm được gánh nặng cho các địa phương, đặc biệt là các trạm y tế khi nguồn lực không đủ để gồng gánh khối lượng công việc quá lớn.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bác sĩ Phan Thanh Tùng - trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), nơi đang phải "gánh" số dân cao nhất TP.HCM (gần 170.000 dân) mà chỉ có 20 nhân viên y tế - khẳng định việc huy động nhà thuốc tư nhân tham gia chống dịch là giải pháp khả quan, sẽ giảm bớt gánh nặng cho các nhân viên y tế tại cơ sở. 

"Ngoài các nhà thuốc tư nhân, chúng ta có thể vận động thêm các phòng mạch tư, phòng khám tư nhân, đa khoa trên địa bàn hỗ trợ. Riêng với các nhà thuốc trước khi tham gia nên tập huấn kỹ cho họ cách thức chăm sóc F0 sao cho an toàn, hiệu quả" - bác sĩ Tùng cho biết.

Trong khi đó, theo ông Phạm Tấn Hoan - trưởng Phòng y tế quận Phú Nhuận, trên thực tế thời gian qua các nhà thuốc đã góp phần tham gia quá trình phòng chống dịch khi cung ứng các loại kit xét nghiệm, máy đo nồng độ oxy trong máu và thuốc sát khuẩn... 

Nếu được huy động chính thức, các nhà thuốc sẽ được phân công thêm một số nhiệm vụ cụ thể hơn, việc này lợi cho cả đôi đường, bởi vừa bán được sản phẩm, vừa tư vấn hỗ trợ rất thuận tiện. 

"Trước đây họ chỉ phục vụ cho F1, nghi nhiễm nhưng giờ sẽ phục vụ luôn cho cả F0. Nếu được huy động, chúng ta sẽ tập huấn cho họ quy củ hơn về giới hạn dùng thuốc, các biện pháp cách ly phòng dịch. Chỉ nội việc được nhà thuốc tư vấn, các F0 sẽ không gọi điện cho các trạm y tế cũng sẽ giảm bớt được khối lượng công việc y tế địa phương rất nhiều" - ông Hoan nói.

Kêu gọi nhà thuốc tham gia chống dịch - Ảnh 4.

Người dân xếp hàng mua thuốc bên ngoài một nhà thuốc ở TP.HCM trong mùa dịch - Ảnh: T.T.D.

Về cách thức, kế hoạch áp dụng và cơ chế chính sách khi huy động nhà thuốc, Sở Y tế TP.HCM cho biết trước mắt sẽ tổ chức tập huấn các hoạt động phòng chống dịch tại nhà thuốc cho người phụ trách và nhân viên y tế đang công tác tại các nhà thuốc. 

Ngành y tế TP.HCM đang yêu cầu các trung tâm y tế cập nhật và cung cấp danh sách các trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc COVID-19 tại cộng đồng cùng số điện thoại gửi đến các nhà thuốc tư nhân trên địa bàn; đồng thời yêu cầu các phòng y tế phối hợp cùng Hội Dược học, Chi hội Dược nhà thuốc TP.HCM đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các nhà thuốc trên địa bàn tham gia.

Trao đổi thêm về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết trước mắt sẽ mời các nhà thuốc lớn trong mạng lưới, sau đó sẽ mở rộng ra. "Các nhà thuốc rất gần dân, nhờ đó họ sẽ dễ dàng hướng dẫn thông tin cho người dân khi họ tìm đến nhà thuốc" - bác sĩ Châu nói.

* Chị Thùy Trang (24 tuổi, quận Phú Nhuận):

Rất dễ tiếp cận nhà thuốc

Trong suốt mùa dịch nơi thường xuyên tôi gắn bó chính là nhà thuốc. Các nhà thuốc là nơi dễ tiếp cận nhất khi cần mua các loại thuốc như hạ sốt, thực phẩm tăng cường sức đề kháng, kit xét nghiệm... Nhiều nhà thuốc bán giá rất phù hợp với nhu cầu của người dân.

Tôi thấy việc huy động lực lượng này tham gia chống dịch là rất tốt trong khi F0 đang tăng như hiện nay.

Các nhà thuốc tư nhân cần góp tay với chính quyền và ngành y tế địa phương trong việc phát hiện và hướng dẫn bệnh nhân F0 nơi cần đến để được giúp đỡ, tránh tạo tâm lý hoảng hốt và tập trung tại bệnh viện khi không thật sự cần thiết.

Kiểm soát chặt, tránh lạm dụng thuốc

2b

Người dân xếp hàng và mua thuốc phòng dịch tại một nhà thuốc ở quận 4, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Đồng tình với chủ trương của ngành y tế về việc huy động nguồn lực từ y tế tư nhân, tuy nhiên bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - phó chủ tịch thường trực Hội hành nghề y tư nhân TP.HCM - cho rằng còn có một số vấn đề cần được làm rõ khi áp dụng vào thực tế.

Cụ thể theo ông, thông thường quản lý trực tiếp nhà thuốc là dược tá, ít có dược sĩ đại học. Vì vậy việc huy động nhân viên y tế tại các nhà thuốc trở thành nhân viên tham gia phòng chống dịch với vai trò giáo dục phòng chống dịch, phát hiện và hướng dẫn quy trình cách ly là điều khó thực hiện, bởi giới hạn về kiến thức y khoa và dịch tễ.

Ngoài ra với gói thuốc C (sử dụng có kiểm soát) phải được quản lý bởi các trạm y tế hay nhóm nhân viên có trách nhiệm.

Thuốc này hiện chưa được thương mại hóa nên nhà thuốc không có được và không được phép kinh doanh cung ứng. Nếu muốn cung ứng nhân viên nhà thuốc phải trở thành thành viên phòng chống dịch, phải chịu trách nhiệm về pháp lý.

"Theo tôi, điều này e rằng các nhà thuốc sẽ không tham gia và nếu thực hiện cần phải có cơ chế, chế độ rõ ràng. Nếu huy động nhà thuốc cấp thuốc gói C cho người dân, nên chọn những nhà thuốc có uy tín chất lượng.

Mỗi quận huyện chỉ cần có từ 2 - 3 nhà thuốc thực hiện cung ứng gói C khi có toa của bác sĩ. Khi hoạt động các nhà thuốc này phải được đăng ký với Sở Y tế và có sự kiểm soát của các bộ phận chuyên môn" - bác sĩ Tùng nói.

Đồng quan điểm nêu trên, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế công cộng tại TP.HCM cho rằng khi áp dụng các nhà thuốc cần được tập huấn kỹ càng, phải có cơ chế giám sát và kiểm soát chặt.

"Bên cạnh các mặt tích cực, ngành y tế cần có cơ chế kiểm soát trong suốt quá trình huy động chống dịch, tránh tình trạng một số nhà thuốc lạm dụng hướng dẫn người dân dùng thuốc không đúng liều lượng gây hậu quả đến sức khỏe về lâu dài" - vị chuyên gia này nói.

Người dân mua thuốc trị COVID-19 như cảm cúm?

Trong phần chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP.HCM khóa X, đại biểu Đặng Quốc Toàn đặt câu hỏi khi nào thuốc điều trị COVID-19 được bán rộng rãi tại quầy thuốc, tạo sự chủ động cho bác sĩ, người dân?

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết vắc xin và thuốc kháng virus Molnupiravir thời gian qua đã chứng minh được hiệu quả rõ rệt. Hiện nay có thêm thuốc điều trị Paxlovid do Pfizer sản xuất.

Theo ông Thượng, hai công ty nắm bản quyền của hai loại thuốc này đã đồng ý nhượng bản quyền cho Việt Nam, có thông tin sắp tới sẽ cấp phép sản xuất trong nước.

"Bộ Y tế dự kiến khi các thuốc kháng virus được sản xuất đại trà, ngành y tế sẽ tham mưu Chính phủ cho bán tại các nhà thuốc. Như vậy trong tương lai, người dân có thể mua uống như thuốc trị cảm cúm bình thường" - ông Thượng nói.

TP.HCM huy động hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân tham gia chống dịch COVID-19 TP.HCM huy động hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân tham gia chống dịch COVID-19

TTO - TP.HCM hiện có hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân phân bố khắp 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Các nhà thuốc thường ở các khu vực đông dân cư như gần chợ, khu công nghiệp nên việc huy động nhà thuốc tham gia phòng, chống dịch COVID-19 rất cần thiết.

HOÀNG LỘC - THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên