Kẹt xe tại đường Trần Duy Hưng (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) chiều tối 16-1- Ảnh: Q.THẾ |
Sáng 16-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội và các bộ, ngành về các giải pháp chống kẹt xe.
Ngay chiều 16-1, ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy nhiều tuyến đường Thủ Đô tiếp tục kẹt cứng.
Nhiều đường kẹt cứng, đèn tín hiệu không còn tác dụng
Mới 16h, chưa đến giờ cao điểm nhưng tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy đã kẹt cứng xe cộ cả hai chiều.
Tại các nút giao cắt với phố Trần Đăng Ninh, Nguyễn Phong Sắc, liên tục có từ 3-4 lực lượng, gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, cảnh sát trật tự, lực lượng dân phòng tham gia điều hành giao thông.
Vào giờ cao điểm, tại nút giao Xuân Thủy - Cầu Giấy với đường Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông, đèn tín hiệu giao thông gần như không có tác dụng trước số lượng xe cộ tham gia giao thông quá lớn.
Sau mỗi tín hiệu đèn, phải có từ 2-3 công an, dân phòng điều hành mới “ngắt” được dòng xe nối dài tràn qua nút giao cắt ngã tư.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong kế hoạch phục vụ giao thông dịp tết, Hà Nội đã xác định nhiệm vụ trọng tâm phải huy động toàn bộ lực lượng của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông xuống đường điều tiết giao thông.
“Để đảm bảo giao thông dịp tết, bắt buộc phải sử dụng giải pháp con người. TP đã chỉ đạo huy động tới 6 lực lượng tham gia điều tiết giao thông. TP cũng đã chỉ đạo Công an TP phải huy động toàn bộ lực lượng cảnh sát giao thông khoảng 1.400 người xuống đường điều hành giao thông.
Ngoài ra, Công an TP còn được giao nhiệm vụ huy động lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động và sinh viên các trường đại học cảnh sát cùng tham gia điều hành giao thông vào giờ cao điểm” - ông Chung cho biết.
Ngoài ra, ông Chung cho biết UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở ngành, quận huyện và các đơn vị thực hiện các dự án thi công trên tuyến đường có đào đường, đào vỉa hè phải thi công toàn bộ vào ban đêm.
“Đến 6h bắt buộc phải hoàn trả hè đường, không được thi công tiếp gây cản trở giao thông” - ông Chung nói.
19h20 ngày 16-1, cảnh sát cơ động Công an TP Hà Nội điều tiết giao thông để tránh kẹt xe trên đường Nguyễn Phong Sắc, Q.Cầu Giấy - Ảnh: QUANG THẾ |
“Tập trung mật độ cao quá ở trung tâm thì dứt khoát ùn tắc”
Nói về lý do có cuộc họp với Hà Nội ngày 16-1, Thủ tướng cho biết mấy hôm nay tình hình ùn tắc giao thông đang gây bức xúc cho người dân, “đưa con đi học mà cũng mất mấy tiếng đồng hồ”...
Theo báo cáo của Hà Nội, năm 2016 Hà Nội đã giải quyết được 20 trong số 44 điểm kẹt xe. Tuy nhiên, hiện nay phát sinh trở lại 4 điểm cũ và phát sinh mới 13 điểm.
Tổng số điểm kẹt xe cho đến thời điểm này là 41 điểm. Một nguyên nhân cơ bản dẫn đến kẹt xe được Hà Nội xác định là do sự phát triển mất cân đối giữa xe cá nhân và kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Các biện pháp tích cực đến đâu cũng khó vì gia tăng dân số”.
Ông Dũng nhận định trong vòng 5 năm tới, kẹt xe sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu không có giải pháp đối với xe cá nhân, đặc biệt là ôtô. Ông Dũng đề nghị Hà Nội cần tổ chức lại giao thông một cách hợp lý, có biện pháp hạn chế xe cá nhân, tăng cường vận tải hành khách công cộng.
Đồng thời có các giải pháp chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành và thay thế vào đó không phải làm nhà cao tầng mà dành đất cho dịch vụ công cộng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực của Hà Nội cùng sự phối hợp của các cấp, các ngành về chống ùn tắc giao thông nhưng “do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, cơ chế chính sách nên số điểm ùn tắc không chỉ giảm đi mà còn tăng hơn”.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội có lộ trình giải quyết kiên quyết hơn, có hiệu quả hơn. Không để tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển của thủ đô.
Thủ tướng đồng ý “cần quản lý tốt quy hoạch của Hà Nội trên một số phương diện mà chúng ta làm được, ví dụ như chưa xây dựng nhà cao tầng khi phương án giao thông chưa có lối ra” vì “tập trung mật độ cao quá ở trung tâm thì dứt khoát ùn tắc”...
Làm việc đến 200% sức lực mới giải tỏa được ùn tắc Theo ông Đào Vịnh Thắng - trưởng Phòng cảnh sát giao thông (PC67) Công an TP Hà Nội, dịp tết này lực lượng cán bộ chiến sĩ từ các đơn vị hành chính đã được điều động tăng cường cho các đội cảnh sát giao thông ra đường làm nhiệm vụ. “Dịp tết lực lượng được huy động tăng cường thêm, anh em làm việc đến 200% sức lực so với ngày thường thì mới có thể giải tỏa được ùn tắc” - ông Thắng nói. Bên cạnh việc tăng cường lực lượng, ông Thắng cho biết dịp Tết Nguyên đán, cảnh sát giao thông Hà Nội sẽ huy động lực lượng, phương tiện tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe sai quy định, chở hàng cồng kềnh, quá khổ và xe ba bánh tự chế lưu thông... Cụ thể, lực lượng cảnh sát giao thông tập trung xử lý vi phạm tại các tuyến giao thông trọng điểm, tuyến cửa ngõ ra vào TP, xung quanh khu vực các bến xe, nhà ga, các trung tâm thương mại... |
Giờ cao điểm, cấm ôtô vào đường đã quá tải Theo PGS.TS Nguyễn Quang Toản - nguyên chủ nhiệm bộ môn đường bộ Trường ĐH Giao thông vận tải (Hà Nội), việc cải thiện tình trạng giao thông quá tải trong vài tuần trước tết hay một tuần sau tết chỉ có thể giải quyết bằng giải pháp tình thế. Ông Toản đánh giá từ trước đến nay Hà Nội chỉ mới cấm xe tải, xe khách, taxi trên một số khu vực, tuyến đường vào giờ cao điểm. Nhưng nếu ùn tắc trầm trọng dịp tết như hiện nay phải hạn chế cả ôtô cá nhân vào giờ cao điểm ở từng vị trí, từng tuyến đường đã quá tải. Giải pháp tình thế này giúp cho các ngã ba, ngã tư bớt phức tạp, bớt áp lực và sự xung đột xe... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận