07/02/2022 11:35 GMT+7

Kết nối du học sinh, cưu mang đồng bào: Nương tựa, giúp nhau trong hoạn nạn

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Một năm nhiều khó khăn, thách thức vừa đi qua với du học sinh (DHS) Việt Nam tại các nước.

Kết nối du học sinh, cưu mang đồng bào: Nương tựa, giúp nhau trong hoạn nạn - Ảnh 1.

Hội du học sinh Việt tại Nhật vẫn nỗ lực duy trì nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích để mọi người lạc quan vượt qua đại dịch - Ảnh: Hội Thanh niên sinh viên VN tại Nhật Bản - VYSA

Dịp đầu năm mới, những câu chuyện về sự nỗ lực hỗ trợ, can thiệp từ các hội DHS với bạn trẻ Việt đang học tập, sinh sống tại nước ngoài trong giai đoạn dồn dập sóng gió vì COVID-19 được kể lại.

Có những trường hợp dù không phải là DHS, không thuộc diện quản lý của hội nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng hỗ trợ, quyên góp khẩn cấp khi cần thiết, vì chúng tôi thấy ở họ một điều thiêng liêng hơn thế. Họ là đồng bào.

Bạn Nguyễn Khánh Duy Thịnh

Những cuộc gọi đầy ám ảnh

"Năm 2021, chúng tôi đã tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ người Việt bị nhiễm, nghi nhiễm COVID-19. Có những hôm, chúng tôi làm việc xuyên ngày đêm do không chỉ giúp về mặt y tế, tâm lý, luật pháp, ngôn ngữ mà còn là nơi giải tỏa tâm tình cho mọi người. Đến giờ, nhiều thành viên còn bị ám ảnh bởi chuông báo tin nhắn hay những cuộc điện thoại ngoài giờ làm việc. Song cũng có niềm vui khi mọi người báo bình an, khỏe mạnh lại", bạn Nguyễn Thị Diệu Linh (chủ tịch Liên hiệp Hội Thanh niên SV VN tại châu Âu kiêm chủ tịch Hội Thanh niên SV VN tại Cộng hòa Czech) nhớ lại.

Là đầu tàu của một trong những hội DHS có lượng thành viên đông nhất, bạn Đoàn Thị Minh Phượng (chủ tịch Hội Thanh niên SV VN tại Hoa Kỳ - AVSPUS) cho biết một số DHS có người thân qua đời trong đợt dịch 2021 và không thể xoay xở cách về nước để kịp nhìn mặt người thân lần cuối. 

"Chúng tôi cố gắng liên hệ với các cơ quan liên quan tại Hoa Kỳ để đề nghị hỗ trợ các bạn cũng như các trường hợp gặp khó khăn khác để có thể trở về quê hương trên chuyến bay giải cứu. Song song đó, chúng tôi giúp đỡ một số DHS bị tai nạn thương tâm rồi mất tại Mỹ hoàn tất các thủ tục đưa linh cữu các bạn về nước", bạn Minh Phượng chia sẻ.

Còn ở Hungary, bạn Nguyễn Khánh Duy Thịnh (chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Hungary) bộc bạch: "Thời điểm ấy rất nhiều bạn ra trường nhưng không có chuyến bay về nước, phải ở lại và chưa thể xin được việc làm. Chúng tôi đã kêu gọi sinh viên quyên góp đồng thời liên lạc với các cộng đồng người Việt để có thể sắp xếp, giúp chỗ ở tạm thời cho các bạn. Có những trường hợp dù không phải là DHS, không thuộc diện quản lý của hội nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng hỗ trợ, quyên góp khẩn cấp khi cần thiết, vì chúng tôi thấy ở họ một điều thiêng liêng hơn thế. Họ là đồng bào".

"Chúng ta cách ly, nhưng không xa cách"

Đó là phương châm của Hội Sinh viên VN tại Đại học Auckland (VAUSA) ở New Zealand trong đại dịch. Các thành viên cho biết DHS bình thường vốn đã gặp nhiều thử thách như sốc văn hóa, nhớ nhà, khủng hoảng danh tính, khó khăn tài chính hoặc định hướng nghề nghiệp...

"Những thử thách này như nhân lên gấp bội bởi COVID-19. Nhưng mọi người vẫn quyết tâm duy trì nhiều hoạt động gắn kết, giúp nhau với phương châm trên. Một trong các điểm nhấn năm 2021 là chúng tôi kết nối với các hội sinh viên khác, cộng đồng người Việt ở thành phố Auckland và các tổ chức bên ngoài như Bộ Cộng đồng dân tộc (Ministry for Ethnic Communities) để cung cấp mạng lưới hỗ trợ cho cộng đồng DHS Việt", các bạn tâm sự. VAUSA cũng là một trong những tổ chức góp phần thành lập chính thức Hội Sinh viên VN tại New Zealand (VSANZ).

Tại Hàn Quốc, anh Trần Thiện Quang (chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Hàn Quốc - VSAK) cho biết có vô vàn trường hợp khó khăn trong đại dịch vừa qua được hội can thiệp, nhiều nhất là các bạn DHS kẹt ở lại Hàn Quốc mà không có thu nhập do chẳng thể kiếm được việc làm thêm, chỉ còn mì gói để sống tạm. Trong hoàn cảnh đó, hội đã ra sức vận động để cung cấp lượng nhu yếu phẩm kịp thời cho các bạn.

Hạnh phúc từ sự cho đi

Có một nữ DHS Việt tại Seoul bị trầm cảm nặng giai đoạn đại dịch, tâm lý trở nên hỗn loạn và có nhiều hành động thiếu kiểm soát. Ai cũng biết việc đưa bạn trở về với gia đình ở VN là cấp bách nhưng đường bay quốc tế lại bị đóng băng hoàn toàn.

Thời điểm đó, mỗi ngày trôi qua chúng tôi đều như "ngồi trên đống lửa" với chuyển biến tâm lý của bạn. Chúng tôi phải theo dõi bạn liên tục, đồng thời liên lạc thường xuyên với Đại sứ quán VN tại Hàn Quốc để tìm suất về nước cho bạn.

Và ngày nhận được thông tin có chuyến bay đưa bạn về VN là ngày chúng tôi thật sự thấy nhẹ nhõm, gột bỏ hết những lo âu, canh cánh bao ngày... Chúng tôi thấy vui và hạnh phúc thật sự khi hỗ trợ kịp thời các DHS Việt, đồng bào tại nơi đất khách quê người.

Anh Trần Thiện Quang

Dịch bệnh, du học sinh 3-4 năm chưa về quê, Tết chỉ thèm bữa cơm với mẹ cha Dịch bệnh, du học sinh 3-4 năm chưa về quê, Tết chỉ thèm bữa cơm với mẹ cha

TTO - Chưa bao giờ lại có nhiều du học sinh Việt Nam phải ăn Tết xa nhà lâu đến thế. Từ ngày dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu đến nay, không ít bạn trẻ tha hương đã phải ăn 3, 4 mùa Tết nơi xứ người.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên