Đây là kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đến Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý thu hồi tài sản nhà nước trong các sai phạm tại dự án khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm.
Kiến nghị này được nêu trong kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại KĐTM Thủ Thiêm, được công bố ngày 26-6.
Trong đó nội dung chính là vi phạm liên quan đến dự án 4 tuyến đường chính, truy thu thiệt hại và xử lý cán bộ liên quan.
Kiến nghị chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ
Phê duyệt không đúng quy định, sai phạm 1.500 tỉ đồng
Sau nhiều "nghi vấn" với giá làm đường "khủng" (1.000 tỉ đồng/km), vi phạm và thiệt hại tại dự án 4 tuyến đường chính KĐTM Thủ Thiêm đã được nêu rõ trong kết luận thanh tra.
Cụ thể, việc UBND TP chỉ định giao cho Công ty cổ phần Đại Quang Minh (Đại Quang Minh) làm nhà đầu tư khi chưa lập hồ sơ đề xuất và đánh giá các tiêu chuẩn về kinh nghiệm, đánh giá năng lực tài chính... là không đúng quy định.
UBND TP phê duyệt dự án 4 tuyến đường có chiều dài gần 12km có tổng mức đầu tư 12.182 tỉ đồng bao gồm cả chi phí dự phòng và chi phí lãi vay khi chưa làm rõ ý kiến của các sở, ngành liên quan.
Thanh tra Chính phủ phát hiện quyết định đưa vào tổng mức đầu tư một số chi phí khác không phù hợp với quy định, tính toán khối lượng một số hạng mục công việc không đúng, với số tiền phê duyệt hơn 1.500 tỉ đồng.
Ngoài ra, Đại Quang Minh đang hạch toán chi phí làm dự án, trong đó có 25 tỉ đồng không đủ điều kiện để quyết toán.
Liên quan đến các khu đất thanh toán đối ứng cho dự án 4 tuyến đường cũng "dính" nhiều vi phạm.
Thanh tra Chính phủ kết luận việc xác định giá trị quyền sử dụng đất các khu đất đối ứng để thanh toán hợp đồng BT khoảng 12.000 tỉ đồng khi chưa có chứng thư thẩm định giá, chưa có quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất là không đúng quy định dẫn đến chênh lệch giảm tiền sử dụng đất 3.901 tỉ đồng so với giá trị đã được phê duyệt trước đó, nguy cơ thiệt hại ngân sách.
Theo tài liệu Tuổi Trẻ có được, năm 2013, UBND TP.HCM quyết định chọn 7 khu đất trong KĐTM Thủ Thiêm để thanh toán hợp đồng BT 4 tuyến đường chính với Đại Quang Minh, gồm: khu II, khu IIA, khu III, khu IIIA, trường học và nhà văn hóa khu II, trường học và nhà văn hóa khu III, bến du thuyền.
Trong đó, khu II, Ban quản lý KĐTM Thủ Thiêm đã ký hợp đồng giao đất có thu tiền sử dụng đất cho Đại Quang Minh làm dự án khu nhà thấp tầng thuộc khu dân cư phía nam đường Mai Chí Thọ từ tháng 11-2011.
Tuy nhiên, UBND TP đã chấp thuận cho Ban quản lý đầu tư - xây dựng Thủ Thiêm thanh lý hợp đồng, sử dụng tiền sử dụng đất khu đất này thanh toán đối ứng dự án 4 tuyến đường.
Giá trị quyền sử dụng đất khu II cũng được duyệt lại. Kết luận thanh tra chỉ rõ việc thanh lý này vừa không đúng quy định, vừa làm giảm khoảng 2.400 tỉ đồng so với giá trị đã xác định trước đó.
Từ đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm toán xem xét các khoản như 3.901 tỉ đồng chênh lệch giảm giữa các quyết định phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất để thanh toán cho dự án BT 4 tuyến đường chính.
Kiến nghị UBND TP.HCM thu hồi 1.800 tỉ đồng tiền sử dụng đất dự kiến thanh toán cho các dự án BT bổ sung của Đại Quang Minh và lãi suất chậm nộp từ khi phát sinh đến nay.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng kết luận vi phạm tại một số dự án khác do Đại Quang Minh làm nhà đầu tư.
Cụ thể, tại dự án BT cầu Thủ Thiêm 2, Thanh tra Chính phủ kết luận: UBND TP trước đó có chủ trương chọn Vinaconex làm chủ đầu tư thực hiện dự án nhưng sau đó giao cho Đại Quang Minh, đồng thời thay đổi quy mô cầu từ 4 thành 6 làn xe nhưng không báo cáo Thủ tướng là không thực hiện đúng quy định.
Mặt khác, UBND TP phê duyệt dự án này với tổng mức đầu tư khoảng 4.200 tỉ đồng, qua thanh tra phát hiện một số khoản chi phí không đúng quy định, với tổng giá trị 252 tỉ đồng.
Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm trong việc phê duyệt tổng mức đầu tư, chỉ định nhà đầu tư các dự án BT, ký kết hợp đồng và giao đất thanh toán đối ứng các hợp đồng BT, giảm tiền sử dụng đất thiếu căn cứ như nêu trên thuộc lãnh đạo UBND TP và lãnh đạo các sở, ngành tham mưu như: Giao thông vận tải, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng, Ban quản lý KĐTM Thủ Thiêm.
Đường ven hồ trung tâm tại KĐTM Thủ Thiêm, 1 trong 4 con đường phê duyệt không đúng quy định - Ảnh: T.T.D.
Buộc thu hồi hàng chục ngàn tỉ đồng
Từ những vi phạm của các cá nhân, tổ chức dẫn đến số tiền "thất thoát" lên đến hàng ngàn tỉ đồng, Thanh tra Chính phủ đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm toán thu hồi hàng ngàn tỉ đồng "thất thoát" về cho ngân sách, chủ yếu là từ việc duyệt giá trị sử dụng đất thấp, duyệt giá công trình cao...
Trong đó, UBND TP phải thu hồi và hoàn trả ngay hơn 26.000 tỉ đồng khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm không đúng quy định.
Sớm có giải pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng với tổng số tiền hơn 4.286 tỉ đồng để đầu tư cho KĐTM Thủ Thiêm.
Các cơ quan liên quan xác định đúng chi phí đầu tư bình quân đối với diện tích đất sạch mà Nhà nước đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng KĐTM Thủ Thiêm, trên cơ sở đó, tính mức giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư dự án.
Trong đó kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng đối với khoản lãi trên số tiền tạm ứng từ ngân sách nhà nước khoảng 10.503 tỉ đồng; xem xét, kiến nghị xử lý đối với khoản chênh lệch do xác định, trình và phê duyệt chi phí đầu tư bình quân hơn 17.000 tỉ đồng.
"Trong quá trình xử lý, về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31-12-2019 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý" - kết luận kiến nghị.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị chuyển kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu.
Đồng thời, giao UBND TP chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền như: Ban quản lý KĐTM Thủ Thiêm; các sở Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Quy hoạch - kiến trúc, Xây dựng, Kế hoạch và đầu tư, Viện Nghiên cứu phát triển TP; các đơn vị tư vấn, các nhà đầu tư dự án... có khuyết điểm, vi phạm đã nêu trong phần kết quả và kết luận thanh tra.
Người dân Thủ Thiêm đọc thông báo kết luận thanh tra của Chính phủ vừa công bố chiều 26-6 - Ảnh TỰ TRUNG
UBND TP phải làm gì sau kết luận thanh tra?
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao UBND TP chủ trì thành lập tổ công tác do một lãnh đạo UBND TP làm tổ trưởng để phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Thanh tra Chính phủ thực hiện và xử lý các nội dung chủ yếu sau:
* Rà soát việc thay đổi quy hoạch; rà soát các dự án đã có quyết định giao đất để xem xét, xử lý, tính toán lại giá trị quyền sử dụng đất.
* Kiểm tra, rà soát các dự án đã có chủ trương nhưng chưa giao đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định. Sớm tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án lựa chọn nhà đầu tư đối với 55 lô đất còn lại...
* Rà soát các dự án BT, dự án đối ứng và dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất không đúng quy định của Luật đất đai để xác định lại giá đất theo giá thị trường, tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Nhiều vi phạm về đấu thầu, đấu giá
Đại lộ vòng cung (xây cắt ngang đường dẫn vào hầm sông Sài Gòn) và khu đô thị Sala thuộc khu đô thị Thủ Thiêm, Q.2 - Ảnh TỰ TRUNG
Ngoài các vấn đề nêu trên, kết luận thanh tra còn chỉ ra hàng loạt vi phạm khác ở KĐTM Thủ Thiêm...
Cụ thể, theo kết luận thanh tra, việc UBND TP duyệt chi phí bình quân cho 1m2 đất thương mại - dịch vụ - nhà ở tại Thủ Thiêm là 26 triệu đồng, giảm khoảng 50% so với giá các sở ngành đề xuất là thiếu chính xác và không đúng quy định.
Quỹ đất thương phẩm 221ha được tạo ra bằng tiền ngân sách nhưng được giao chủ yếu để thanh toán đối ứng cho các dự án BT được chỉ định nhà đầu tư bằng giá đất trên không qua đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất là sai quy định.
Từ đó, các nhà đầu tư được hưởng lợi do chênh lệch giá đất lớn (chênh lệch địa tô) từ việc được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo hình thức hợp đồng BT.
Thanh tra Chính phủ nhận định nguyên nhân và trách nhiệm chính do lãnh đạo UBND TP không thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trách nhiệm liên quan thuộc các sở, ngành như: Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng, Ban quản lý KĐTM Thủ Thiêm...
Tại dự án BT hạ tầng khu dân cư phía Bắc (do Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật TP.HCM làm chủ đầu tư), UBND TP phê duyệt tổng mức đầu tư có sai quy định với tổng giá trị 411 tỉ đồng.
Còn trong khu tái định cư 38,4ha, dự án 1.330 căn hộ đã được nhà đầu tư thay đổi thiết kế từ nhà ở tái định cư sang nhà ở thương mại và bán hơn 1.100 căn hộ.
UBND TP đã thanh lý hợp đồng đầu tư xây dựng khu tái định cư khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về việc giao đất là không đúng quy định của Luật đất đai năm 2013.
Ngoài ra, UBND TP còn giao đất chỉ định nhà đầu tư, không qua đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất sai quy định với một số dự án, bị Thanh tra Chính phủ đề nghị xác định lại giá trị quyền sử dụng đất để truy thu phần tiền còn thiếu.
Trách nhiệm trong việc giao đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án để lựa chọn nhà đầu tư và xác định tiền sử dụng đất phải nộp của các dự án nêu trên thuộc về lãnh đạo UBND TP và các sở Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và môi trường, Xây dựng và Ban quản lý KĐTM Thủ Thiêm.
T.L. - D.N.H.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận