Một cửa hàng vật liệu xây dựng lấn chiếm gần một nửa lòng kênh Xẻo Rô đoạn gần cầu Thứ Hai (Kiên Giang) - Ảnh: K.NAM
Huyện đã cho kiểm tra, lập biên bản nhiều trường hợp xây dựng lấn kênh, buộc cam kết không tái phạm. Chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm tiếp diễn.
Ông Nguyễn Công Trận (chủ tịch UBND huyện An Biên)
Nhiều nhà thô sơ nay biến thành nhà bêtông kiên cố. Nguy cơ ngăn dòng chảy, cản trở giao thông thủy, hạn chế điều tiết mặn - ngọt và gia tăng nguy cơ sạt lở bờ sông.
Có lập biên bản nhưng chưa xử phạt ai?!
Tại thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên (An Giang), thời gian gần đây nhà ven kênh Vĩnh Tế "mọc lên như nấm". Từ đầu năm 2020 đến nay, hàng chục ngôi nhà được xây dựng, sửa chữa mới đã thay đổi kết cấu, thành nhà bêtông kiên cố hơn trước.
Một lãnh đạo UBND thị trấn Tịnh Biên cho rằng địa phương đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nhiều hộ nhưng đến nay vẫn... chưa xử phạt được ai. Toàn khu vực ven kênh Vĩnh Tế trên địa bàn thị trấn Tịnh Biên có gần 400 căn nhà tồn tại từ xưa đến giờ chưa có nơi di dời, trong số này có nhiều nhà bêtông.
Tương tự, ven dòng kênh Xẻo Rô chạy dài 35km từ cửa sông Cái Lớn tới sông Trẹm (Cà Mau) có hàng trăm công trình dân sinh lấn ra sông, có chỗ gần 1/3 lòng kênh. Không chỉ lấn sông xây nhà ở, ven kênh Xẻo Rô cặp quốc lộ 63, người ta còn xây dựng trạm xăng dầu, nhà hàng, quán nhậu, quán cơm, vựa vật liệu xây dựng rất hoành tráng.
Đại diện ngành giao thông, tài nguyên môi trường, nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang đều khẳng định kênh Xẻo Rô là kênh cấp 3, thuộc quyền quản lý của Cục Đường thủy phía Nam (Bộ GTVT) nhưng đã giao cho chính quyền địa phương hai huyện An Biên, An Minh (Kiên Giang) trực tiếp kiểm soát hành lang ven kênh.
Phải trả lại dòng chảy
Ông Trần Văn Nhứt (73 tuổi, ngụ huyện An Biên) cho hay kênh Xẻo Rô ngày trước là tuyến giao thông huyết mạch nối liền ba tỉnh An Giang - Kiên Giang - Cà Mau. Mấy năm trở lại đây, giao thông đường bộ thông suốt, còn đường thủy có một số cống ngăn mặn nên kênh Xẻo Rô ít tàu bè qua lại hơn.
"Nói là ít, nhưng ghe chở rơm miệt An Giang vẫn về dưới này thu mua. Rồi ghe chở tôm giống, cá giống, tôm cá vẫn đi lại trên con kênh này. Đó là chưa nói tới chuyện dòng kênh này còn có chức năng điều tiết thủy lợi giữa hai mùa nước mặn - ngọt nữa" - ông Nhứt nói.
Theo đại diện Chi cục Thủy lợi Kiên Giang, dọc chiều dài 35km của kênh Xẻo Rô có tới cả chục con kênh giao cắt được người dân đặt tên từ Thứ Nhứt (thuộc huyện An Biên) liên tục tới Thứ Mười Một (thuộc huyện An Minh). An Biên và An Minh hiện là vùng luân canh tôm - lúa. Những con kênh cắt ngang này đều có vai trò điều tiết mực nước trong nội đồng, tăng ngọt vào vụ lúa, xả mặn vào vụ tôm.
Việc lấn chiếm lòng kênh không chỉ cản trở giao thông đường thủy, mà còn tạo ra nguy cơ gây sạt lở bờ kênh do các công trình làm gián đoạn dòng chảy.
Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay đã phát hiện 58 điểm sạt lở làm ảnh hưởng 119 nhà dân. Còn tại Kiên Giang, dù trên thực tế những địa điểm bị lấn chiếm đều được người dân xây bờ kè khá kiên cố tránh sạt lở nhưng dòng chảy bị chặn lại chỗ này sẽ tạo vùng xoáy ở chỗ khác.
Tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt, việc đảm bảo thông thoáng dòng chảy cho các tuyến kênh huyết mạch là hết sức cần thiết. Đã đến lúc các ngành chức năng phải tổng kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm kênh rạch.
Lấn chiếm lâu năm nên khó xử lý
Theo lãnh đạo các địa phương dọc hai con kênh Vĩnh Tế và Xẻo Rô, có một nguyên nhân khiến việc xử lý các trường hợp lấn lòng kênh gặp khó là do các hộ dân lấn chiếm đã lâu năm. Nay muốn xử lý triệt để phải bố trí chỗ tái định cư, phải có chính sách hỗ trợ di dời mới giải tỏa được.
Nhiều nhà làm lấn lòng kênh lâu năm nay xuống cấp không đảm bảo an toàn, chính quyền phải cho sửa chữa tạm. Cho sửa tạm nhưng nhiều hộ cố tình đóng cọc, đổ nền bêtông xây nhà bán kiên cố. Khi bị kiểm tra thì tạm dừng, khi cán bộ quản lý rời đi thì xây tiếp. Có những công trình chỉ thi công vào thứ bảy, chủ nhật, đến khi phát hiện thì sự đã rồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận