Hai bạn trẻ chụp ảnh cưới ở Thanh Đa, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Câu trả lời chúng tôi nhận được khá thú vị, xin chia sẻ với bạn đọc trước thềm năm mới 2019:
NGUYỄN GIAO HẢO (phóng viên báo Giác Ngộ):
- Thời học phổ thông, tôi hay nghe mọi người nói về khủng hoảng giới tính tại Trung Quốc và các nước châu Á, cũng như việc thế giới đặt ra một cảnh báo cao đối với xu hướng muốn sống độc thân của phụ nữ châu Á, đặc biệt là tại Nhật Bản.
Lúc đó, tôi bắt đầu suy nghĩ tại sao phụ nữ hiện đại có xu hướng muốn sống độc thân? Và tôi nhận thấy có vài yếu tố chính dẫn đến vấn đề này:
Thứ nhất, cần nói đến sự thay đổi to lớn và tích cực về vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Việc khẳng định năng lực kinh tế của bản thân phần nào giúp phụ nữ tự chủ tài chính.
Thứ hai, sự thay đổi trong quan niệm về tình yêu cũng là nguyên nhân đưa đến mong muốn này. Nếu trước đây, người ta vẫn quan niệm yêu là sẽ đi đến một lễ cưới hoàn chỉnh và sự gắn bó suốt đời, thì ngày nay yêu chỉ còn là khái niệm mang tính ngắn hạn.
Lý do có thể bị ảnh hưởng trực tiếp từ văn hóa "sống thoáng" của phương Tây. Rồi vì đổ vỡ nhiều lần trong chuyện tình cảm khiến phụ nữ nói riêng và bạn trẻ nói chung cảm thấy không còn lòng tin vào tình yêu. Tất nhiên, không còn lòng tin không có nghĩa rằng chúng ta thôi yêu, mà vấn đề ở đây là chúng ta chỉ còn quan niệm "yêu được đến lúc nào hay lúc đó".
Điều này không có nghĩa là tiêu cực. Thực tế là, khi đã yêu thương nhau, việc đi đến hôn nhân hay không là điều không cần thiết, quan trọng chúng ta cảm thấy hạnh phúc ở thời điểm hiện tại.
NGÔ VĂN QUỐC SĨ (phó giám đốc Công ty TNHH đào tạo phát triển kinh doanh âm nhạc Music Star):
- Để lập gia đình thì ít nhất việc làm của một trong hai người phải ở mức ổn định (đủ lo chi phí cho hai người và cũng nên dư một ít); về tình cảm phải thật chín chắn, phải yêu và định hướng được tương lai (ít nhất là tương lai gần).
Đa phần các bạn trẻ ngày nay có thể tự lo cho hôn sự và chủ động được lễ cưới. Quan trọng là khoảng thời gian sau khi cưới về trong 1-5 năm đầu. Đây là khoảng thời gian nhiều xung đột (giữa mẹ chồng, nàng dâu), thêm nữa là những tính xấu dần dần lộ diện, gây bất hòa và dễ sa ngã.
Bản thân tôi cũng trải qua thời gian đó, cũng chông chênh - cho tới khi con ra đời mới cảm thấy đó là sợi dây buộc ràng, chẳng bao giờ muốn rời tổ ấm.
Cốt lõi trong hôn nhân theo tôi là hai người phải biết hi sinh cho nhau. Là đàn ông nên thường giành việc với bà xã, nhưng sau một thời gian cô ấy sợ mình cả ngày đi làm mệt nên cũng giành. Kết quả là hai vợ chồng cùng làm, phân công công việc một cách "thuận vợ thuận chồng".
HUỲNH THỊ TÚ LINH (nhân viên văn phòng ở TP.HCM):
- Là người xem trọng truyền thống, tôi coi hôn nhân là đại sự của đời người nên chắc chắn không thể qua loa được. Như thường lệ, mỗi năm tôi đều dành thời gian để làm một danh sách những việc phải làm cho năm sau. Tuy nhiên, hôn nhân chưa bao giờ là một mục trong danh sách đó.
Tôi nghĩ việc này không hay cho lắm, khi mình gắn cho hôn nhân cái mác "phải làm" thì nó trở thành một cái gì đó gò bó, ràng buộc. Phải cưới trong năm nay hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, và điều quan trọng là bản thân mình và bạn đời đã sẵn sàng cho một đám cưới hay chưa! Tôi quan tâm đến việc đó hơn là phải "chạy chỉ tiêu" như vậy.
Theo tôi, không phải cứ 25, 30 tuổi là đã trưởng thành, và dĩ nhiên không phải cứ đến tuổi đó là phải lấy chồng, lấy vợ. Vậy thì biết khi nào mới trưởng thành, và nếu dựa vào "mức" trưởng thành để đặt chuyện hôn nhân thì đến bao giờ? Nó rất vô chừng.
Đôi khi người trẻ chịu những "áp lực" giục cưới từ cộng đồng, từ phụ huynh nhưng quyết định vẫn là ở bản thân. Tôi quan niệm khi nào sẵn sàng cho hôn nhân mình sẽ đặt vấn đề với gia đình, ba mẹ có thể cho mình ý kiến.
ThS LƯU QUỲNH ANH (làm việc tại Ngân hàng Á Châu - ACB):
- Hôn nhân hay bất kỳ cái gì thì cũng cần có kế hoạch. Không có sự chuẩn bị chúng ta sẽ đối mặt với những cú sốc khó vượt qua được. Đầu tiên là sốc về văn hóa.
Khi yêu nhau, mọi thứ dành cho nhau đều hồng rực: hai bên sẽ nhường nhịn nhau và mọi thứ giản đơn. Khi yêu, đôi lứa gặp nhau vài lần trong tuần - tưởng rằng đã hiểu nhau đến tận chân tơ kẽ tóc, nhưng về sống với nhau, gặp nhau hằng ngày thì mới vỡ lẽ, đôi lứa chưa hiểu nhau nhiều.
Hội nhập văn hóa gia đình - cái này cũng sốc luôn. Mỗi gia đình mỗi văn hóa. Tìm hiểu nhau, dễ hội nhập để bớt hiểu lầm nhau - để khỏi phải bảo rằng anh/em không biết hành xử.
Tôi có lúc stress vì vợ và mẹ không hiểu nhau. Ngày đi làm với khối việc và bao nhiêu thứ trên trời dưới đất. Nhà là nơi bình yên, tối về lo giải quyết khủng hoảng văn hóa là đuối lơ cơm. Như thế có nên chuẩn bị?
Rồi sau đó có con. Đọc về chăm con, nuôi dạy con nhiều nhưng lại không có kinh nghiệm chăm con. Vì không có kinh nghiệm nên vận dụng lung tung đến tỏa hỏa. Từ đó chiến tranh lạnh với nhau. Thế nên chia sẻ với nhau trước để cùng nhau vượt khó. Phụ nữ giai đoạn sinh nở chịu thiệt thòi, đàn ông chuẩn bị tâm lý để yêu vợ hơn.
Về tài chính, tất nhiên cực kỳ quan trọng. Cái này tôi thấy không khó khăn vì hai vợ chồng có công việc ổn định. Chi tiêu sẽ giảm lại để tích lũy. Thường chồng giao vợ quản lý chi tiêu. Không nhỏ nhen thì sẽ ổn.
Hôn nhân cần bắt đầu từ tình yêu
TS LA MAI THI GIA (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM)
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc kết hôn, trước hết các bạn trẻ phải… tìm người yêu cái đã, tìm người mình yêu và người ấy cũng yêu mình. Nhớ là phải tự đi tìm nhé, đừng nhờ ba mẹ, họ hàng, láng giềng hay "con bạn thân", "thằng bạn chí cốt" tìm giúp dù những người đó thực sự đã trải qua sự lựa chọn, quyết định và đang trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc mỹ mãn đi nữa.
Vì suy cho cùng mình cần lựa chọn theo con mắt của mình, theo "cái tạng" tâm sinh lý của riêng mình, theo điều kiện hoàn cảnh của mình và theo sự rung động của trái tim mình nữa. Cứ mở lòng ra và yêu thương ai đó chân thành trước khi nghĩ đến việc phải kết hôn.
Đừng lao đầu vào học hành kiếm sống đến hết cả thời gian, đến khi muốn kết hôn lại tất tả đi tìm vì mục đích phải cưới vợ gả chồng trong năm cho hợp tuổi, hay phải kết hôn cho cha mẹ vui lòng, hay cưới gấp chớ già quá già rồi, để lâu thêm nữa ai thèm ưng. Khi đó thì quyết định nào cũng dễ sai lầm lắm.
Khi quyết định kết hôn, cần tích cực bàn bạc, không chỉ kế hoạch tổ chức tiệc cưới và trăng mật như thế nào mà còn phải thành thật khai báo những thói hư tật xấu của mình, những thói quen cá nhân mà mình muốn vẫn duy trì ngay sau hôn nhân, tiền bạc tài sản riêng tư của nhau và cả những mong muốn, kỳ vọng của mình đối với bạn đời.
Nói thẳng nói thật, nói hết và cùng nhau cam kết sẽ thực hiện (nếu có thể) những điều mà người bạn đời tương lai mong muốn. Cái gì làm được thì hứa, cái gì không làm được thì trao đổi lại với đối tác tìm hướng giải quyết, đừng vì nóng lòng "vào cuộc bể dâu" mà hứa đại để "gạo nấu thành cơm", "ván đã đóng thuyền" rồi mới… tính tiếp.
Và khi đã thò một chân vào hôn nhân - cái mà các nhà văn cứ hay ví von là "nấm mồ chôn tình yêu" - càng cần trau dồi kiến thức và bản lĩnh của mình khi đối diện "sự thất vọng" với những thực tế hôn nhân không như mình mơ mộng.
Cần bình tĩnh chấp nhận "mặt tối" của hôn nhân mà khi yêu chẳng ai có thể nhìn thấy được (đương nhiên, lúc đó đã ở chung nhà với nhau đâu mà biết, đã có cha mẹ, anh em, con cái xen vào đâu mà biết).
Và khi cần phải đưa ra một quyết định nào cho mối quan hệ của cả hai thì phải luôn nhớ rằng mình đã tự chọn lựa nhau, đã bắt đầu cuộc hôn nhân này bằng một tình yêu, tình thương say đắm dành cho nhau...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận