Bà Đinh Thị Kim Dung - tổng giám đốc Công ty PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông; ông Don Lam - tổng giám đốc Vina Capital - thành viên Hội đồng thẩm định năm nay; ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - tại buổi talk-show - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sau 2 năm diễn ra thành công liên tiếp (2019-2020), Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up mùa 3 tiếp tục trở lại với sứ mệnh tạo sân chơi ý nghĩa và khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho các start-up trong cả nước, đặc biệt là thanh niên, sinh viên.
Sau hơn một tháng diễn ra và trải qua vòng thẩm định gay cấn, 30 start-up tiêu biểu nhất sẽ sớm "lộ diện" trong sự kiện talk-show "Cảm hứng khởi nghiệp", trong đó có một start-up vinh dự nhận giải đặc biệt do PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông trao tặng.
Năm nay các ý tưởng start-up gửi về tham dự chương trình được đánh giá là sáng tạo và trải dài trong nhiều lĩnh vực như y tế, sức khỏe, giáo dục, nông nghiệp… góp phần tăng thêm tính cạnh tranh và đa dạng.
Anh Đào Tấn Điền, giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu Bona, chia sẻ bản thân rất hào hứng khi tham dự buổi talk-show lần này. Anh Điền đã góp mặt trong Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2022 với dự án start-up trong lĩnh vực y tế với tham vọng đưa Việt Nam hội nhập thế giới bằng những điều nhỏ nhất - tem nhãn ống nghiệm chứa mẫu máu tĩnh mạch.
"Ngay cả khi ngồi đây, quả thực tôi rất hồi hộp bởi không dễ để có cơ hội được gặp gỡ các anh chị, các start-up cũng như các nhà đầu tư khắp cả nước như lần này. Rất mong đợi giây phút lộ diện của top 30 dự án được vinh danh tại chương trình năm nay", anh Tấn Điền nói.
Chị Phan Thị Thanh Phương, bí thư Thành đoàn TP.HCM, và ông Lê Quang Minh - phó chủ tịch thường trực HĐQT Hưng Thịnh Land, phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Lê Thanh Quân - giám đốc đối ngoại Tập đoàn Tân Hiệp Phát, và bà Lưu Bảo Hương - tổng giám đốc điều hành Volvo Car Vietnam - lãnh đạo Volvo Car Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhà báo Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trưởng ban tổ chức, chia sẻ khởi nghiệp là quá trình không đơn giản, với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu thấm nhuần được tinh thần và ý chí của những nhà khởi nghiệp đi trước, học hỏi từ sự tích lũy kinh nghiệm và vốn sống thông qua cuộc trò chuyện của các chuyên gia sẽ giúp ích cho các bạn trẻ trong việc tránh được những thất bại, nhất là khi học hỏi từ sớm ngay từ môi trường đại học.
“Chúng tôi mong trong số các sinh viên có mặt ở đây có thể góp phần truyền thêm cảm hứng cho các bạn khác, để ngày càng có nhiều người trẻ khởi nghiệp, có các ý tưởng khởi nghiệp có thể tạo thành xu hướng trong thời gian tới”, ông Xuân Trung nói.
Ông Vũ Hải Quân, uỷ viên Trung ương Đảng, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, nhấn mạnh trong thời gian tới, Đại học Quốc gia đã đưa tiêu chí “Innovation” (đổi mới) vào kế hoạch xây dựng và phát triển, đồng thời đề cao giá trị của trí tuệ từ nguồn lực của sinh viên tại các trường trong hệ thống. Ông Quân nhắn nhủ các bạn trẻ luôn có khát vọng, có các ý tưởng thực tế, ý nghĩa, học được những điều mới mẻ và bổ ích thông qua cuộc trò chuyện của các chuyên gia.
Ông Vũ Hải Quân - giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bạn Phạm Thị Thùy Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Văn Quan, tác giả của ý tưởng thiết bị học toán, tiếng Anh cho trẻ em khiếm thị, chia sẻ cả bạn và gia đình đều rất vui mừng khi được có mặt trong buổi vinh danh 30 start-up tiêu biểu của chương trình Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up mùa 3.
"Cả mình và ba mình ban đầu đều không nghĩ rằng mình có thể tiến vào vòng trong của chương trình. Khi hay tin, cả gia đình đều rất vui. Ba mình vui đến mức đã thức cả đêm, 5h sáng đã khởi hành từ Bà Rịa - Vũng Tàu lên Thủ Đức để tham dự sự kiện", Thùy Trang chia sẻ.
Sinh viên năm 4 ĐH Bách khoa TP.HCM Trần Hồng Quân chia sẻ bản thân chưa từng khởi nghiệp, tuy nhiên chính những câu chuyện, hành trình lập thân lập nghiệp mà báo Tuổi Trẻ đăng tải bấy lâu đã thôi thúc Quân tham dự buổi talk-show lần này từ rất sớm.
"Đọc báo, thấy nhiều anh chị, thậm chí là những bạn nhỏ tuổi hơn mình quá giỏi, dù gặp nhiều khó khăn nhưng họ dám theo đuổi ước mơ tới cùng. Mình mong sẽ tìm được nguồn cảm hứng khởi nghiệp trong mình qua buổi trò chuyện, đúng hơn là lắng nghe những câu chuyện người thật việc thật từ chương trình", Quân cho hay.
Theo học ngành ngôn ngữ Tây Ban Nha (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) là một trong những gạch đầu dòng cần có mà Thanh Mai (19 tuổi) đã gạch ra trong kế hoạch khởi nghiệp với ngành du lịch.
"Tôi đọc báo và theo dõi rất nhiều các gương điển hình start-up thành công. Nghị lực phi thường của họ là lý do thôi thúc tôi phải luôn trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để chuẩn bị thật tốt cho dự án của mình, cũng là lý do tôi đến đây, để học hỏi các start-up đi trước", Thanh Mai nói.
Sinh viên dự talk show Cảm hứng khởi nghiệp ngày 31-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khởi nghiệp cần dũng cảm
Chuyên gia Nguyễn Mạnh Tường, phó chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc MoMo, khuyên các bạn sinh viên để bắt đầu hành trình khởi nghiệp, trước hết mỗi người cần hiểu thế mạnh của mình, điều gì làm mình đặc biệt và khác với những người khác.
"Hiểu bản thân mình là bước đầu tiên quan trọng nhất để khởi nghiệp. Ngoài ra, cũng cần có sự khiêm tốn và tự tin. Các bạn không thể tạo ra giá trị nếu bản thân bạn không hiểu vì sao mình phải làm việc này. Bạn cần dũng cảm và có cả trực giác để đi theo trái tim mình", anh Tường chia sẻ.
Nhớ lại những thời điểm vừa khởi đầu MoMo, từ một sinh viên tốt nghiệp tại Mỹ trở về Việt Nam, anh Mạnh Tường đi khắp nơi phát tờ rơi, quảng bá sản phẩm của mình. Tuy nhiên, tổng giám đốc MoMo nhấn mạnh làm sản phẩm mà được gần với khách hàng, với những người mình muốn phục vụ, đó là điều hạnh phúc.
"Mới đây tôi cũng lang thang đến nhiều địa điểm để thuyết phục các điểm này đồng ý thanh toán bằng MoMo. Thời gian trôi qua, tôi vẫn thấy đây là công việc khiến tôi hạnh phúc. Tôi làm để hiểu anh em, hiểu khách hàng, hiểu mọi người vất vả như thế nào", anh nói.
Để mời gọi những người có năng lực về đầu quân cho MoMo khi công ty mới thành lập, chuyên gia Nguyễn Mạnh Tường chia sẻ anh chỉ có một bí quyết lớn nhất: nói về ý tưởng và khát vọng của mình bằng cả trái tim.
“Khi mình biết mình là ai, mình đang làm gì và biết càng sâu sắc, biết mình muốn thực hiện đến thế nào, mình sẽ nói bằng cả trái tim với mong muốn được mọi người làm cùng. Có những người lương ở nơi khác cao hơn, ở MoMo ban đầu không thể trả bằng, nhưng họ tin mình, tin việc mình làm. Mọi việc bao giờ cũng cần bắt đầu từ niềm tin”, anh nói.
Chia sẻ tại chương trình, anh Nguyễn Khắc Minh Trí - nhà sáng lập của MimosaTEK - start-up được vinh danh và nhận giải đặc biệt năm 2020, gọi hành trình khởi nghiệp của mình là việc đặt ra thêm thử thách cho bản thân. Thử thách ở đây chính là việc bản thân start-up phải tìm mọi cách để chèo lái con thuyền đi vững, đi nhanh và đi xa nhất, hiệu quả nhất.
2 năm qua với dồn dập các đợt "sóng COVID" là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn cho các start-up. Và chìa khóa giúp các CEO lướt sóng thành công, từ sống sót thành sống khỏe chính nhờ bản thân là một start-up, dễ thay đổi mô hình kinh doanh, tầm nhìn chiến lực. "Sự thay đổi đó có thể đến từ việc tối giản nhân sự, linh hoạt mô hình sản xuất kinh doanh, rút ngắn tầm nhìn để tập trung vào việc vượt qua đợt sóng bão này", anh Minh Trí chia sẻ.
Chuyên gia Nguyễn Mạnh Tường - phó chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Momo - chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp với sinh viên - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhà sáng lập MimosaTEK Nguyễn Khắc Minh Trí - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cả chuyên gia Nguyễn Mạnh Tường lẫn Forbes Under 30 Lê Yên Thanh, nhà sáng lập, CEO ứng dụng BusMap, đều có điểm chung đã từng có thời gian làm ở các tập đoàn quốc tế và sau đó quyết định bắt đầu hành trình khởi nghiệp riêng. Dù khác biệt thế hệ, cả hai doanh nhân đều khẳng định những giá trị gặt hái được trong thời gian làm việc tại các tập đoàn này.
Theo anh Mạnh Tường, việc học hỏi tư duy vận hành và quản lý từ tập đoàn quốc tế đã góp phần vào thành công của anh khi khởi nghiệp sau này.
"Thời điểm mình khởi nghiệp, khái niệm này còn khá mới mẻ tại Việt Nam và nhất là với sinh viên nên hầu như các bạn tự bơi. Trong thời gian làm việc tại Silicon Valley, ngoài làm cho Google, hầu như cuối tuần mình đều đi dự các sự kiện, quan sát sự năng động của các bạn trẻ đổ xô vào khởi nghiệp. Thời gian đó mình học được rất nhiều thứ, và cũng nhờ vậy quyết định quay về Việt Nam để khởi nghiệp", anh Yên Thanh chia sẻ.
CEO ứng dụng BusMap Lê Yên Thanh - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Don Lam - tổng giám đốc Vina Capital - thành viên Hội đồng thẩm định năm nay, chia sẻ với start-up - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Giải thưởng đặc biệt trị giá 100 triệu đồng được Công ty PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông trao cho dự án JobWay, ứng dụng tích hợp nhu cầu về định hướng, thấu hiểu bản thân, tìm ra thế mạnh, chọn nghề, chọn trường, dự báo thị trường lao động của người trẻ do ThS Nguyễn Thị Hoàng Anh và TS Đào Lê Hòa An thực hiện.
Chị Phan Thị Thanh Phương, bí thư Thành đoàn TP.HCM, đánh giá cao báo Tuổi Trẻ trong việc kiên trì theo đuổi chương trình Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up trong nhiều năm qua, đặc biệt sau ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.
"Tôi rất mong sau hôm nay, cảm hứng khởi nghiệp sẽ được truyền tải, biến thành động lực để các bạn thực hiện. Chúc các bạn sinh viên dám ước mơ và biết làm để biến uớc mơ thành hiện thực, kiên trì với ước mơ đó. Hy vọng các bạn có thể xây dựng được những doanh nghiệp mạnh, bền vững để đóng góp cho sự phát triển toàn vẹn của thành phố", chị nói.
Vinh danh và trao hỗ trợ cho các start-up đoạt giải năm nay - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TS Đào Lê Hòa An, chủ nhân dự án JobWay, nhận được giải thưởng đặc biệt 100 triệu đồng - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Một số đơn vị đồng hành đã đóng góp vào quỹ hỗ trợ start-up của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tặng hoa và quà tri ân cho Hội đồng thẩm định, BSSC và Volvo Car - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chị Phan Thị Thanh Phương - bí thư Thành đoàn TP.HCM - phát biểu tại chương trình - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Phạm Phú Ngọc Trai trao hỗ trợ các start-up - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ông Lê Quang Minh - phó chủ tịch thường trực HĐQT Hưng Thịnh Land, phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh - trao hỗ trợ các start-up - Ảnh: QUANG ĐỊNH
30 nhà khởi nghiệp được trao giải thưởng và hỗ trợ tại Tuổi Trẻ Golf Tournament for start-up 2022:
1. Spirulina - Trồng tảo xoắn. Đại diện: Đinh Nguyễn Hoàng Thư
2. Riolish - Ứng dụng dạy tiếng Anh đủ 4 kỹ năng. Đại diện: ThS Huỳnh Tấn Cảnh
3. Start-up Công ty TNHH Xuất khẩu Bona - Sản xuất ống đựng mẫu xét nghiệm theo quy chuẩn quốc tế về tem nhãn. Đại diện: Đào Tấn Điền
4. FUWA - Biến vỏ trái cây thành các loại nước tẩy rửa. Đại diện: Đỗ Xuân Tiến
5. BEYOURS - Sản xuất và phân phối nội thất gỗ lắp ráp theo phong cách Hàn Quốc, thương hiệu tiên phong tại thị trường Việt Nam. Đại diện: Vũ Trung Anh Rim
6. TravelUp - Cung cấp tour leo núi chuyên nghiệp tới bất kỳ ngọn núi nào ở miền Bắc Việt Nam. Đại diện: Đinh Hoài Đức
7. Công ty cổ phần Giáo dục BLUBUSH - Ứng dụng giúp người dùng vừa thư giãn, vừa tìm hiểu kiến thức và chung tay bảo vệ môi trường. Đại diện: Nhóm SV Viện Quốc tế ĐHQG Hà Nội. Đại diện Nguyễn Văn Vương
8. Viện nghiên cứu thuốc đặc trị virus ĐH Stanford - Dùng công nghệ nghiên cứu, quảng bá thuốc đặc trị virus đặc biệt cho các quốc gia đang phát triển và đặc biệt là thị trường Việt Nam. Đại diện: TS.BS ĐH Stanford Edward Pham
9. Thương hiệu thời trang LMcation - Hướng đến việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho cộng đồng phụ nữ yếu thế, người khuyết tật tại Việt Nam. Đại diện: Nguyễn Thị Anh Thư
10. NamDuongTextile và NamDuongPPE - Dùng công nghệ mới để sản xuất khẩu trang và trang phục bảo hộ cá nhân. Đại diện: Nguyễn Yến
11. Khung gấp gọn hỗ trợ phục hồi chi dưới. Đại diện: Nhóm SV ĐH Bách khoa, đại diện Lê Văn Trí
12. Công ty cổ phần giải pháp CNTT Quốc tế (Inter ITS) - Hệ thống tổng đài ảo Callbot cho riêng nhiệm vụ hỗ trợ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Đại diện: Vũ Gia Luyện
13. Giáo dục FACEKID - Chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ qua các lớp học ngoài trời và các chuyến đi dã ngoại trải nghiệm. Đại diện: Trương Nguyệt Minh
14. Nền tảng hội nghị, triển lãm thực tế ảo vrFairs. Đại diện: Trịnh Công Quang
15. Retex - Đổi mới quy trình sản xuất ngành dệt may. Đại diện: Trần Thị Thanh Loan & Nguyễn Văn Thuật
16. Farmerbox - Nông nghiệp đô thị. Đại diện: Nguyễn Duy Xuân Bách
17. Mismart - Máy bay không người lái (UAV). Đại diện: Phạm Thanh Toàn
18. DOL English - Cá nhân hóa dữ liệu người học, áp dụng công nghệ để cải thiện chất lượng giảng dạy (edtech). Đại diện: ThS Lê Đình Lực
19. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ IoT vào dự đoán sớm nguy cơ bỏ học của sinh viên. Đại diện: TS Lê Duy Tân và các giảng viên CNTT ĐH Quốc tế
20. Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu - Công ty TNHH ABACA Việt Nam: Phát triển ngành sợi chuối bằng công nghệ ABACA. Đại diện: Hồ Xuân Vinh
21. Self Hiil - Học viện huấn luyện trực tuyến về trí thông minh nội tâm (spiritual intelligence-based coaching). Đại diện: Nguyễn Thùy Liên
22. Selly, nền tảng thương mại điện tử dành cho chị em nội trợ. Đại diện: Thống Lê Anh Tuấn
23. Thiết bị học bảng chữ cái, học toán dành cho người khiếm thị. Đại diện: Phạm Thị Thùy Trang
24. Dự án Umbalena - Ứng dụng di động đọc sách dành riêng cho trẻ em Việt Nam. Đại diện: Phạm Thị Thùy Trang
25. Mật dừa nước (VIETNIPA). Đại diện: KS Phan Minh Tiến
26. Callio - sản phẩm SaaS (phần mềm cho thuê) dành cho doanh nghiệp (B2B). Đại diện: Giang Thiên Phú
27. GreenConnect - Xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm công nghệ xanh bao gồm GreenPoints, NODA; và KOMPOVI. Đại diện: ThS Harvard Huỳnh Hạnh Phúc
28. BOT BÁN HÀNG - CHATBOT. Đại diện: Lê Anh Tiến
29. tMonitor - dùng AIoT cảnh báo chất lượng không khí theo thời gian thực. Đại diện: Vũ Hải Nam
30. Giải thưởng đặc biệt trị giá 100 triệu đồng được Công ty PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông trao cho dự án JobWay, ứng dụng tích hợp nhu cầu về định hướng, thấu hiểu bản thân, tìm ra thế mạnh, chọn nghề, chọn trường, dự báo thị trường lao động của người trẻ. ThS Nguyễn Thị Hoàng Anh và TS Đào Lê Hòa An thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận